Tin mới

Không tàu tìm kiếm nào phát hiện được tín hiệu hộp đen QZ8501

Thứ hai, 05/01/2015, 14:32 (GMT+7)

Giới chức Indonesia cho rằng, ngay cả khi đã định vị được thân máy bay bằng sóng siêu âm thì các thợ lặn tìm kiếm xác QZ8501 vẫn khó có thể tìm được hộp đen máy.

Giới chức Indonesia cho rằng, ngay cả khi đã định vị được thân máy bay bằng sóng siêu âm thì các thợ lặn tìm kiếm xác QZ8501 vẫn khó có thể tìm được hộp đen máy.

 

Hôm nay (5/1), lực lượng cứu hộ Indonesia tiếp tục chạy đua với thời gian và thời tiết để tìm kiếm hộp đen cũng như thi thể các nạn nhân xấu số trên chiếc máy bay của hãng hàng không AirAsia gặp nạn hôm 28/12. Tính đến nay, đội cứu hộ đã vớt được 37 thi thể và tìm thấy 5 mảnh vỡ của máy bay.

Lực lượng tìm kiếm đa quốc gia gồm 14 máy bay, 26 tàu và khoảng 90 thợ lặn đang hoạt động tại khu vực rộng lớn trên vùng biển Java, nơi được xác định có nhiều mảnh vỡ của máy bay nằm dưới đáy biển. Trong đó, năm tàu thủy có năng lực định vị hộp đen đã có mặt tại 5 khu vực tìm kiếm. Tuy nhiên, cho đến nay các lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể xác định được vị trí hộp đen của chiếc máy bay gặp nạn.

Theo ông Fransiskus Bambang Soelistyo, người đứng đầu cơ quan tìm kiếm và cứu hộ Indonesia, trọng tâm hiện nay là tiếp cận thân máy bay, nơi nhiều thi thể có thể vẫn mắc kẹt ở ghế ngồi.

"Ưu tiên của chúng tôi là lặn tới vị trí nghi ngờ có các bộ phận của máy bay", The Independent dẫn lời ông Soelistyo, nói.

Đội tìm kiếm chạy đua với thời gian để tìm hộp đen của máy bay QZ8501 và trục vớt thi thể các nạn nhân

Tuy nhiên, Soelistyo cho biết vấn đề hiện nay là không một tàu tìm kiếm nào trong khu vực phát hiện tiếng "ping", tín hiệu định vị được hộp đen phát ra khi máy bay gặp tai nạn.

Các thiết bị lưu trữ thông tin chuyến bay chứa dữ liệu quan trọng từ các hệ thống phân tích của máy bay, cũng như khoảng hai giờ âm thanh từ buồng lái. Hộp đen là cơ hội tốt nhất cho các nhà điều tra xác định chuyện gì đã xảy ra với QZ8501.

Trung tá thuộc lực lượng không quân Indonesia Johnson Supriyadi, người điều phối hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, cho biết các thiết bị trông giống như những chiếc hộp, nằm ở phần đuôi máy bay, có thể đã bị vỡ ra khỏi phần còn lại của xác máy bay.

Video mô phỏng vụ máy bay mất tích QZ8501 của AirAsia:

"Dựa trên những mảnh vỡ được phát hiện, có vẻ như thân máy bay đã bị vỡ hoặc nứt, và bị tách rời khỏi đuôi của nó", ông nói.

Cho đến khi các hộp đen được tìm thấy, nguyên nhân vụ tai nạn vẫn còn là điều bí ẩn. BMKG, cơ quan khí tượng của Indonesia, cho biết thời tiết xấu có thể khiến động cơ của máy bay đóng băng.

Điều kiện thời tiết tại khu vực xảy ra tai nạn rất xấu, cản trở nỗ lực tìm kiếm mảnh vỡ, thi thể nạn nhân cũng như hộp đen máy bay

"Các tài liệu về chuyến bay được BMKG cung cấp cho thấy điều kiện thời tiết đáng lo ngại cho máy bay khi bay ở độ cao thông thường", cơ quan này cho biết trong một báo cáo dài 14 trang.

Máy bay QZ8501 của AirAsia chở 162 người rơi xuống biển Java sáng ngày 28-12-2014. Ngày 4-1, Cơ quan khí tượng và vật lý địa cầu Indonesia (BMKG) cho rằng thời tiết xấu có thể là nguyên nhân khiến máy bay QZ850 bị rơi. Theo báo cáo của BMKG, QZ8501dường như đã bay vào các đám mây bão với các hạt băng đá. Hiện tượng thời tiết này có thể khiến động cơ máy bay bị hỏng. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những khả năng có thể, được đưa ra dựa trên kết quả phân tích dữ liệu khí tượng hiện có.

Trước đó, tuyên bố của hãng AirAisia cho biết cơ trưởng chuyến bay QZ8501 đã xin phép nâng độ cao của máy bay để tránh một cơn bão. Tuy nhiên, đài kiểm soát không thể chấp thuận yêu cầu nâng độ cao từ 9,8 kilomet lên 11,5 kilomet vì có một máy bay khác đang hoạt động phía trên.

Hiện, chưa rõ tại sao máy bay khác trên cùng đường bay không bị tác động của thời tiết. Nhiều nhà phân tích nói hiện chưa đủ thông tin để giải thích vụ máy bay QZ8501gặp nạn. “Không thích hợp khi đưa ra giả định về nguyên nhân máy bay rơi khi chúng ta chưa tìm thấy hộp đen” - cựu Tư lệnh Không quân Indonesia, ông Chappy Hakim, nói.

 

Theo Yên Yên (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news