Tin mới

Kiến nghị đòi cấm Uber gặp phản ứng của người tiêu dùng

Thứ hai, 16/03/2015, 14:01 (GMT+7)

Ngay khi Hiệp hội Taxi kiến nghị TpHCM thu hồi giấy phép của Uber vì lỗi kinh doanh trái phép, đồng đề xuất Chính phủ chấm dứt hoạt động của Uber cho đến khi Nhà nước có quy định mới, người tiêu dùng đã đồng loạt phản ứng.

Ngay khi Hiệp hội Taxi kiến nghị TpHCM thu hồi giấy phép của Uber vì lỗi kinh doanh trái phép, đồng đề xuất Chính phủ chấm dứt hoạt động của Uber cho đến khi Nhà nước có quy định mới, người tiêu dùng đã đồng loạt phản ứng.


 

Cụ thể, trong báo cáo vừa gửi Chủ tịch UBND TP HCM và Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Hiệp hội taxi TP HCM kiến nghị các cơ quan Chính phủ và Thành phố “cần có hành động dứt khoát” với hoạt động của Uber.

Văn bản còn dẫn chứng một loạt nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan gần đây cũng đã có thái độ cứng rắn với Uber để bảo vệ kỷ cương trong kinh doanh vận tải của nước họ.

Đại diện giới kinh doanh taxi Thành phố lý giải, họ đề xuất như trên “không chỉ vì quyền lợi của các hãng taxi truyền thống mà còn góp phần đấu tranh bảo vệ kỷ cương phép nước, bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Trước kiến nghị trên của Hiệp hội Taxi, nhiều người tiêu dùng đã tỏ ý phản đối. Một độc giả cho hay, Hiệp hội Taxi lên tiếng chỉ vì các hãng Taxi truyền thống, các doanh nghiệp chứ chưa vì người tiêu dùng.

Dịch vụ Uber gây tranh cãi ở Việt Nam

Bởi theo họ, họ ủng hộ và đang rất hài lòng khi sử dụng dịch vụ của Uber vì xe chất lượng tốt, xe đẹp, tiện nghi cao; lái xe tốt, không chạy ẩu; dịch vụ hiện đại và trên hết là giá rẻ. “Ngoài ra, chủ xe Uber thậm chí còn giao tiếp tốt hơn các lái xe taxi”, chị Hà – nhân viên kế toán (Trung Kính) nói.

Anh Bảo, Cầu Giấy, Hà Nội cũng cho biêt: “Hãy nhìn vào sự kiện Apple Watch của Apple ngày 10/03/2015. Apple đã dành 2p khi giới thiệu tiện ích taxi Uber hoạt động tốt trên Apple Watch. Tôi thường xuyên sử dụng dịch vụ Uber, rất tốt và đáng tin cậy”.

 “Hiệp hội Taxi hãy lo nâng cao chất lượng dịch vụ trước khi tìm đường được bảo hộ cho các DN. Dịch vụ thì tệ, xe thì bốc mùi, một số tài xế không lịch sự cần thiết, thái độ không tốt, giá cả đắt (xăng xuống cũng không thấy giá taxi giảm... Trong khi đó Uber lại cung cấp chất lượng tuyệt hảo, giá cả cạnh tranh. Hiệp hội và các hãng taxi hãy tự hoàn thiện mình để cạnh tranh lành mạnh”, anh Minh, một người tiêu dùng tại Đống Đa cho hay.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng nên coi Uber là một hình thức kinh doanh mới và kiến nghị Uber hoạt động đúng luật pháp Việt Nam. "Mặc dù đây chưa phải là ý kiến toàn dân, nhưng các nhà quản lý cần lắng nghe ý kiến của dân chứ không chỉ nghe ý kiến của các doanh nghiệp taxi. Nếu luật pháp chưa đủ và phù hợp thì hãy sửa đổi luật pháp cho họ hoạt động một cách phù hợp, có lợi cho người tiêu dùng", anh Hải (Thanh Xuân) nói.

Trong khi đó, đứng về phía nhà quản lý, trước đó, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đã cảnh báo Uber về việc tự định giá, thu tiền của khách hàng.

Theo ông Hùng, chỉ có người đăng ký kinh doanh vận tải mới có quyền định giá, thu tiền của khách hàng, chịu thuế và chất lượng dịch vụ. “Uber tự định giá cước, thu tiền của hành khách đi xe là vi phạm pháp luật bởi đó chính là giá cước vận tải. Như vậy, Uber đã và đang bán dịch vụ vận tải. Uber cho rằng chỉ kinh doanh công nghệ nhưng thực chất là Uber đang điều hành vận tải”, ông Hùng nói.

Tháng 12/2014, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Minh Tuấn cũng lên tiếng khẳng định dịch vụ taxi của Uber không phù hợp với ít nhất 3 luật ở Việt Nam và ông ủng hộ đề nghị tạm ngưng Uber của Hiệp hội taxi Tp.HCM.

Theo ông Tuấn, dịch vụ Uber chưa phù hợp tại Việt Nam bởi thứ nhất, nó liên quan đến nhiều luật như Luật Giao thông đường bộ, Luật thuế, Luật Doanh nghiệp… Uber hiện không phù hợp với ít nhất 3 bộ luật nói trên, quan trọng là Uber đang cạnh tranh không lành mạnh với các hãng taxi.

Thứ hai là bài toán quản lý giao thông đô thị. Xe nào đăng ký với Uber cũng là xe taxi, đây không khác gì là hoạt động "xe dù" không có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách. Thứ ba là về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải không kiểm soát được giá cước, khiếu nại và điều chỉnh giá cước.

Ông Tuấn cũng cho hay, không phải cấm mà là đưa loại hình dịch vụ này vào khuôn khổ của pháp luật và do các cơ quan chức năng quản lý để đảm bảo quyền lợi, an toàn cho người sử dụng dịch vụ. Và chừng nào loại hình dịch vụ này chưa đáp ứng được luật giao thông đường bộ, còn làm thất thu thuế, chưa áp dụng giá cước theo quy định nhà nước thì không thể hoạt động. Nếu muốn hoạt động thì phải đúng luật, trên cơ sở cạnh tranh công bằng, lành mạnh.

Nam Nam

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Uber cấm Dịch vụ taxi