Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ không tham dự lễ diễu binh kỷ niệm 70 Chiến thắng Phát xít Nhật, diễn ra vào ngày 3/9 tại Trung Quốc.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un |
Đây là tin tức được đăng tải trên đài truyền hình Đức Deutsche Welle và được trang Duoweis News dẫn lại.
Ngày 12/6, một quan chức cấp cao của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên cho biết ông Kim sẽ bận rộn khi trả lời câu hỏi của hãng thông tấn Deutsche Presse-Agentur về việc ông có tham dự sự kiện tại Bắc Kinh hay không.
Đài Deutsche Welle dẫn lời vị quan chức cho biết ông Kim, trong vai trò chỉ huy tối cao của lực lượng vũ trang Triều Tiên đang bận rộn chuẩn bị cho lễ kỷ niệm chấm dứt chế độ thuộc Nhật vào tháng 8 và kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động vào ngày 10/10.
Trong một khoảnh khắc ngay thẳng hiếm hoi của vị quan chức Triều Tiên, ông nói rằng quan hệ Triều Tiên - Trung Quốc hiện không còn tốt đẹp và Bình Nhưỡng không hài lòng với sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với những biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhắm vào Triều Tiên gần đây.
Trước đó, truyền thông Nga đưa tin Tổng thống Vladimir Putin đã lên kế hoạch tới khu vực Viễn Đông vào đầu tháng 9. Tại đây, ông sẽ kiểm tra quân đội tại một buổi lễ ở Khabarovsk để kỷ niệm Quân đội Liên Xô được triển khai tới Trung Quốc và Triều Tiên sau khi Moscow tuyên chiến với Nhật Bản trong những tuần sắp kết thúc Chiến tranh Thế giới II. Từ đây, ông sẽ bay tới Bắc Kinh để tham dự lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm Nhật đầu hàng đồng minh.
Ông Kim Jong-un đã được mời tham dự lễ xây dựng tượng đài Lữ đoàn Xô viết 88 tại Khabarovsk. Ông nội Kim, người sáng lập CHDCND Triều Tiên, Kim Il-sung là người chỉ huy Tiểu đoàn 1 của lữ đoàn này. Trên cơ sở đó, một số người cho rằng đây là lý do Kim Jong-un không thể tới Bắc Kinh.
Trung Quốc đang có ý định mời các nhà lãnh đạo của tất cả các nước và các tổ chức tham gia Chiến tranh Thế giới II, bao gồm các cường quốc của trục Axis là Đức, Italy và Nhật Bản. Điều này có nghĩa là cho dù Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang căng thẳng thì Kim Jong-un cũng sẽ có trong danh sách khách mời.
Dù có hay không tham gia sự kiện này là vấn đề lớn với Triều Tiên thì Trung Quốc có thể thờ ơ hơn. Triều Tiên hiện đang bị cô lập khi mà cộng đồng quốc tế và đặc biệt 2 chính quyền Mỹ gần đây nhất đã nỗ lực giải quyết vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân trên bán đảo này bằng cách áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng. Bắc Kinh đã đưa ra lập trường cứng rắn hơn về vấn đề này so với trước đây, không chỉ để chiều lòng cộng đồng quốc tế mà còn vì lo cho an ninh quốc gia của mình. Trung Quốc không thể thấy thoải mái khi có một lò phản ứng hạt nhân khó đoán ở ngay trước cửa nhà mình. Mối đe dọa tiếp tục bị Triều Tiên đặt ra khiến Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc có lý do để tăng cường triển khai ở Đông Bắc Á, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Đây là một trong những lý do chính để Trung Quốc tham gia vào đàm phán 6 bên và cũng là lý do Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp trừng phạt của LHQ.
Làm ngơ trước mong muốn của Trung Quốc, Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa hạt nhân và từ chối quay trở lại bàn đàm phán 6 bên khiến Bắc Kinh hỗ trợ các biện pháp trừng phạt chống lại nước này. Điều đó đã gây ra một sự thay đổi lớn trong mối quan hệ vốn gần gũi bấy lâu giữa 2 dân tộc. Bắc Kinh sau đó đã nỗ lực cải thiện quan hệ với Seoul. Trung Quốc và Hàn Quốc đã trở thành những đối tác chiến lược toàn diện cũng như hoàn thành các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do còn Bình Nhưỡng đứng quan sát trong thất vọng.
Kể từ khi Kim Jong-un tiếp nhận quyền lực từ người cha quá cố Kim Jong-il vào cuối năm 2011, ông đã tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa liên tục cùng những câu chuyện về các cuộc hành quyết quan chức cấp cao kỳ lạ, những động thái ngoại giao thất thường. Bắc Kinh có thể sẽ bớt căng thẳng nếu ông ấy không xuất hiện tại sự kiện sắp tới.
Bảo Linh (Theo Wantchinatimes)