Tin mới

Lần đầu tiết lộ về lý do ông Đặng Lê Nguyên Vũ luôn xưng 'Qua' trước truyền thông

Thứ bảy, 05/11/2022, 13:50 (GMT+7)

Ông chủ của Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ tiết lộ rằng ông thích xưng 'Qua' là bởi vì nghe dễ thương, đây cũng là cách gọi của người miền Tây.

Lý giải của ông Đặng Lê Nguyên Vũ 

Những ai theo dõi vụ ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đều nhận thấy ông Vũ đã trải qua một khoảng thời gian có nhiều sự thay đổi từ phong thái ăn mặc cho đến cách xưng hô. 

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ bắt đầu thay đổi cách xưng hô 'Qua' trước truyền thông sau gần 5 năm gần như ở ẩn. 

Lần xuất hiện trở lại trước truyền thông của ông Vũ cũng là lần đầu tiên công chúng được biết đến ông với phong cách khác lạ: Trang phục áo khoác dài đen, quần vải trắng rộng, cổ quấn khăn rằn và chắp hai tay sau lưng. Cùng với đó là cách xưng hô 'Qua', gọi những người xung quanh là các 'anh chị em' của mình. 

Phong cách ăn vận của ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên đã tạo nên phong cách và thương hiệu riêng. Trong khi đó, cách xưng hô của ông Vũ trước truyền thông lại gây ra nhiều bàn tán. 

Phong cách tạo nên thương hiệu riêng của ông Đặng Lê Nguyên Vũ khi xuất hiện trước truyền thông. Ảnh: Facebook
Phong cách tạo nên thương hiệu riêng của ông Đặng Lê Nguyên Vũ khi xuất hiện trước truyền thông. Ảnh: Facebook

Trong phiên xét xử vào hồi tháng 3/2019, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã trực tiếp giải đáp những thắc mắc của dư luận khi luôn xưng hô 'Qua' trước truyền thông. 

Theo tiết lộ của 'Vua cafe Việt', từ 'Qua' là từ của miền Tây và 'Dễ thương lắm đó nghen. Nó cũng là 'tôi' thôi, không có gì khác'.

Như vậy, theo lý giải của ông chủ Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ, ông xưng hô 'Qua' trước truyền thông là bởi vì ông thấy dễ thương và nó cũng chỉ mang ý nghĩa như một đại từ nhân xưng bình thường như 'tôi' mà thôi. 

Tuy nhiên, lối xưng hô khác lạ này của ông Vũ từng là đề tài tốn không ít giấy mực của báo giới. Ngoài lối sống và tư duy khác lạ, ông Vũ còn bị cho là người có tư tưởng 'vĩ cuồng' nhưng dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, sự khác biệt của Đặng Lê Nguyên Vũ đã vượt qua những suy nghĩ tầm thường của mọi người. 

Giải mã cách xưng hô của Đặng Lê Nguyên Vũ dưới góc nhìn chuyên gia

Dưới góc nhìn ngôn ngữ học, lý giải về cách xưng hô có phần khác lạ này của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, đa phần các chuyên gia đều thống nhất rằng 'Qua' là đại từ xưng hô ngôi thứ nhất thuộc phương ngữ miền Trung Nam Bộ. 

Ông Vũ xưng 'Qua' trước truyền thông sau thời gian ở ẩn. Ảnh: Internet
Ông Vũ xưng 'Qua' trước truyền thông sau thời gian ở ẩn. Ảnh: Internet

Theo đó, đại từ 'Qua' được định nghĩa là đại từ xưng hô ngôi thứ nhất và thường được sử dụng với ý nghĩa gần gũi, thân mật đối với những người thân quen. 

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình (Tổng thư ký hội Ngôn ngữ học Việt Nam) khi nói về nguồn gốc của từ Qua, ông cho biết đa phần người dùng từ 'Qua' với sắc thái thân mật người trên nói với bậc dưới, hoặc ngang hàng nhưng thường nói với người dưới mang tính khẩu ngữ trong giao tiếp bình thường.

Chia sẻ trên VOV, GS. Nguyễn Văn Lợi - nguyên Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam phân tích 'Qua' trước hết không phải là ngôn ngữ văn học mà là phương ngữ miền Nam. Tại miền Nam đặc biệt là trước năm 1975 người dân rất hay sử dụng.

Theo GS. Nguyễn Văn Lợi, từ này không phải là từ thuần Việt mà rất có thể mượn từ tiếng Hán, nhưng không phải tiếng Quan thoại - tiếng Hán chính danh của Trung Quốc. Đó là mượn phương ngữ phía Nam của Trung Quốc như vùng Quảng Đông, Phúc Kiến… từ những người Việt gốc Hoa...

Thời điểm hiện tại, ông Đặng Lê Nguyên Vũ tập trung chủ yếu cho việc phát triển 'con cưng'. Ảnh: Internet
Thời điểm hiện tại, ông Đặng Lê Nguyên Vũ tập trung chủ yếu cho việc phát triển 'con cưng'. Ảnh: Internet

Ngoài ra, từ 'Qua' cũng được sử dụng nhiều trong các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh như Thầy Chung trúng số, Sống thác với tình, Tơ hồng vương vấn...

Chia sẻ về lý do ông Đặng Lê Nguyên Vũ xưng 'Qua' trước truyền thông, PSG.TS Phạm Văn Tình cho rằng 'Ông Vũ muốn thân tình hóa, làm bối cảnh giao tiếp như một cuộc trò chuyện. Nhưng theo tôi hoàn toàn không nên dùng trong trường hợp này vì những phóng viên ít nhất có khoảng cách nhất định. Trong buổi gặp gỡ báo chí, có nhiều đối tượng tham gia nên dùng từ tôi phổ biến, trung tính, trang trọng thì hơn'.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news