Vệ sinh bàn thờ Thần Tài và Thổ Địa là việc cần làm thường xuyên trong năm, tuy nhiên, dịp cuối năm sẽ là lúc rất quan trọng bởi đây được xem là thời điểm “tống cựu nghênh tân”. Bài viết này sẽ giới thiệu đến mọi người cách dọn dẹp bàn thờ Thần Tài và Thổ Địa hợp với Phong thủy.
Dọn bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa khi nào?
Theo các chuyên gia phong thủy, bạn nên lau dọn bàn thờ Thần Tài sau Rằm tháng Chạp, chọn ngày Hoàng Đạo. Nhiều người cho rằng thời điểm tốt nhất để dọn dẹp bàn thờ Thần Tài sau ngày 23 tháng Chạp bởi đây là lúc Ông Công ông Táo đã về chầu trời. Dọn dẹp sạch sẽ bàn thờ Thần Tài lúc này sẽ giúp gia chủ thể hiện được lòng thành kính và tâm đức đến chư vị thần linh.
Lau dọn bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa cần gì?
Nếu ngày bình thường, bạn lau dọn bàn thờ một cách đơn giản thì dịp cuối năm, để thể hiện lòng thành, bạn cần chuẩn bị những dụng cụ đặc biệt để lau dọn bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa.
- Chuẩn bị khăn sạch để lau dọn bàn thờ, không dùng chung khăn lau chùi những nơi khác.
- Khăn giấy sạch dùng một lần để lau mặt tượng các chư vị Thần.
- Nước để lau bàn thờ Thần Tài là nước bưởi hoặc nước ngũ vị hoa hồi. Một số gia đình còn dùng rượu trắng để bao sái ban thờ.
- Lễ vật: Để cúng Thần Tài, Thổ Địa, gia chủ không cần sắm lễ quá nhiều mà chỉ cần những món đồ cúng đơn giản như: gà luộc, lợn quay, hoa quả, hương, nền, trầu cau, vàng mã…
Cách lau dọn bàn thờ Thần Tài
Bước 1: Trước khi lau dọn bàn thờ Thần Tài, gia chủ cần thành tâm, đây là yếu tố rất quan trọng khi bắt đầu quy trình này. Gia chủ cần tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng để trình lên các vị thần linh chuẩn bị việc dọn dẹp.
Bước 2: Thắp hương để trình báo các vị thần linh việc dọn dẹp, mời các ngài tạm lánh đi nơi khác.
Gia chủ hãy thắp 3 nén hương để trình báo thần linh, xin phép tỉa chân nhang, lau dọn bàn thờ. Bài khấn khi dọn bàn thờ Thần Tài:
Nội dung bài khấn
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
– Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ chư vị Tôn thần
– Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh táo phủ Thần quân
– Con kính lạy các ngài Thần Tài vị tiền
– Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong khu vực này.
Tín chủ chúng con là: ………………………………………
Ngụ tại: ………………………………………………
Nay nhân ngày …… tháng Chạp, theo tục lệ cuối năm cũng là chuẩn bị Tết Nguyên đán, tín chủ con cảm nghĩ thâm ân trời đất, nhớ đức cù lao tiên tổ, xin phép chư vị thánh tiên, thổ công thổ địa táo phủ thần quân, chư vị Thần tài-Thổ địa, gia tiên tổ đường nội ngoại ba bề bốn bên họ…, họ…. cho phép tín chủ con được tỉa chân nhang, báo sái lau dọn ban thờ.
Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Cẩn cáo!
Bước 3: Bắt đầu đưa từng thứ trên bàn thờ ra một góc riêng sạch sẽ để tiện lau chùi, trừ lư hương. Sau đó, bạn lau sạch bàn thờ bằng khăn khô rồi lau lại bằng khăn ướt.
Bước 4: Đối với lư hương, hãy nhẹ nhàng một tay giữ, một tay gạt hết tàn nhang ở trên, tránh để lưu hương dịch chuyển hay xoay hướng. Nếu lưu hương đã đầy hãy nhẹ nhàng tỉa từng chân nhang, hạn chế việc bỏ cả một bó chân nhang vứt đi. Để lại những chân hương đẹp nhất theo số lẻ 3-5-7 chân.
Về thay tro trong lư hương, tùy từng gia đình mà có thể sử dụng tro rơm sạch hoặc cát sạch mua ở các tiệm đồ thờ cúng để thay. Dùng thìa sạch múc từng chút tro ra, giữ lại khoảng 1/3 lượng tro cũ bên trong lư hương để không bị hao tán tài sản. Sau đó, dùng khăn sạch bọc quanh bát hương, đổ thêm tro/cát mới vào lưu hương đến khi đầy khoảng 2/3. Lau sạch sẽ và để ngay ngắn vị trí cũ.
Bước 5: Để vệ sinh tượng Thần Tài, dùng khăn sạch nhúng nước lá bưởi và lau cẩn thận thân tượng. Riêng phần mặt tượng phải dùng khăn khô, sạch để lau. Có như vậy thì nguyên khí của tượng mới không bị ảnh hưởng.
Lau sạch từng bức tượng sau đó nhẹ nhàng để lại vị trí cũ theo đúng thứ tự.
Những lưu ý khi lau dọn bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa
Hoa quả trên bàn thờ phải luôn tươi ngon, vì vậy, gia chủ cần thường xuyên thay mới. Đồ hư hỏng trên bàn thờ sẽ ảnh hưởng tới việc làm ăn của gia chủ.
Không chỉ riêng dịp cuối năm, bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa cần được lau chùi thường xuyên vào ngày 10 tháng Giêng và các ngày rằm, ngày cuối tháng.
Trên bàn thờ Thần Tài có 5 chén nước, gia chủ cần tránh đổ nước tràn trề ra ngoài bởi điều này ảnh hưởng tới vận khí.
Trên bàn thờ Thần Tài không nên dùng nến hay đèn dầu, đèn nháy. Thay vào đó, hãy dùng đèn 1 màu để tạo trường khí tốt cho việc thờ cúng.
Tuyệt đối không nhổ tất cả chân hương trên bàn thờ Thần Tài vứt đi vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tài vận, vượng khí của gia chủ. Chân hương sau khi nhổ thì hóa tro và thả sông, suối sạch sẽ, không vứt vào thùng rác hay những nơi ô uế.
* Thông tin chỉ mang tính chiêm nghiệm, tham khảo