Cuộc sống hiện tại vốn không thiếu những cặp "đũa lệch" nảy sinh tình cảm với nhau bất chấp khoảng cách lớn về tuổi tác. Những cặp đôi này thường bị nhìn nhận với những con mắt thiếu thiện cảm hay còn bị gọi thẳng là "đào mỏ", là "chuột sa chĩnh gạo". Thế nhưng ít ai biết được đằng sau những lời dè bỉu đó, không phải cặp đôi nào cũng được sống trong nhung lụa.
Cặp đôi bác cháu ông Ngô Thanh Học (SN 1940, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) từng khiến nhiều người bất ngờ khi “tán đổ” chị Nguyễn Thị Bích (SN 1983) bắt đầu nảy sinh tình cảm kể từ khi chị Bích nghỉ việc trên tỉnh để về chăm mẹ ốm.
Ông Học là hàng xóm, hay đau ốm lại sống một mình nên chị Bích thường xuyên qua lại thăm hỏi, giúp đỡ. Dần dần hai người có tình cảm và chính thức trở thành vợ chồng. Khi cặp đôi kết hôn thời điểm đó, chị Bích mới 29 tuổi còn ông Học đã 72 tuổi.
Thời điểm đó, cả hai nhận phải rất nhiều sự dè bỉu của hàng xóm láng giềng. Nhiều người ác mồm bảo ông Học có "của chìm", còn chị Bích lấy về vì tình cảm chứ yêu đương gì.
Sống với nhau 10 năm, họ có 3 đứa con chung với 2 cậu con trai và 1 người con gái. Đến tận thời điểm này, họ vẫn phải nhận về những lời gièm pha. Thậm chí có người đồn mấy đứa con chị Bích đẻ ra không phải là con của ông Học.
Người ngoài đồn ông có của nhưng chẳng ai biết bên trong, người phụ nữ chịu rất nhiều vất vả. Bữa cơm của gia đình 5 người hiếm khi có được một bữa tươm tất, chủ yếu là tận dụng vườn nhà, có gì thì ăn nấy. Những đứa con chẳng mấy khi biết đến mùi thịt, cá.
Chị Bích thừa nhận không lường hết được cuộc sống với chồng quá chênh lệch tuổi. Ông Học dù rất thương vợ, thương con nhưng không đủ sức khỏe để đỡ đần vợ. Bữa cơm của cả nhà đôi khi là bữa cháo trắng nấu mỡ, lại còn phải chăm lo đủ thứ.
“Giờ tôi ốm đau suốt, một mình cô ấy chăm lo cho tôi và 3 đứa con nên cũng không có thời gian đi làm. Trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ và chiếc xe đạp cà tàng. Nhà có 5 người chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp hơn 1 triệu đồng và thỉnh thoảng có nhà hảo tâm đến trợ cấp" – ông Học tâm sự.
Chị Bích từng nghĩ quẩn, định đem một đứa con cho nhà người ta nuôi nhưng ông Học ngăn cản. Ông dặn nhà đã nghèo sẵn rồi, giờ mà còn "nghèo" thêm tình thương nên vợ chồng chị không cho con đi.
Bây giờ chị chỉ có mong ước lớn nhất là các con khỏe mạnh, chồng không ốm đau để đi làm thuê, kiếm tiền để hy vọng cuộc sống sau này khấm khá hơn.