Hãng thông tấn AFP dẫn lời phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết "Ông Guterres đánh giá cao nỗ lực trong các cuộc thảo luận, bất kể kết quả mà chúng ta đã thấy", khi đề cập đến quan điểm của Tổng thư ký Antonio Guterres về hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội ngày 27-28/2.
"Chính sách ngoại giao dũng cảm đã thiết lập nền tảng nhằm thúc đấy hòa bình ổn định và quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi đều rất hy vọng rằng các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục theo hướng đó", Dujarric nói.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP
Phát ngôn viên cũng nhấn mạnh rằng các nhà ngoại giao trên thế giới đều nắm rõ về triển vọng đưa ra một thỏa thuận nhanh chóng trong việc gỡ bò các chương trình hạt nhân cùng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra lần 2 tại thủ đô Hà Nội kết thúc mà cả 2 bên đều không đạt được thỏa thuận nào.
Trong buổi họp báo sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Trump cho hay hai bên không đi đến thống nhất do phía Bình Nhưỡng "muốn gỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận" trước khi phá hủy tổ hợp hạt nhân Yongbyon, nhưng Washington không sẵn sàng thực hiện.
Mặc dù vậy, trong buổi họp báo qua đêm tại khách sạn Melia, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết họ chỉ yêu cầu Washington dỡ bỏ 5 trong số 11 lệnh trừng phạt, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ phá hủy hoàn toàn và vĩnh viễn các cơ sở sản xuất hạt nhân, bao gồm plutonium và uranium, và cho phép chuyên gia Mỹ vào thanh sát.
Phía Nhà Trắng nhấn mạnh hai lãnh đạo "đã có những cuộc họp hết sức tốt đẹp và mang tính xây dựng", đồng thời cũng bày tỏ mong muốn về một hội nghị tiếp theo trong tương lai.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA cũng cho hay hội nghị tại Hà Nội là một trong những cơ hội quan trọng nhằm xây dựng lòng tin và nâng quan hệ Mỹ -Triều lên một tầm cao mới trong tương lai.