Sáng ngày 19/1, mạng xã hội bất ngờ lan truyền thông tin nhạc sĩ Trần Tiến qua đời vì ung thư vòm họng. Theo đó, một số kênh YouTube còn đăng tải video giả livestream với nội dung nhạc sĩ Trần Tiến qua đời, với các tiêu đề như: “Nhạc sĩ Trần Tiến qua đời vì bệnh ung thư”, hoặc “Nhạc sĩ Trần Tiến qua đời, mặt trời bé con không còn nữa” … Chỉ sau ít giờ đăng tải, các video này đạt hàng nghìn lượt xem.
Tuy nhiên, đây chỉ là những video câu view, chủ yếu nội dung phát lại những hình ảnh của tác giả “Mặt trời bé con” kèm theo giọng đọc thể hiện sự tiếc thương.
Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều người tin rằng nhạc sĩ Trần Tiến đã qua đời và để lại những bình luận chia buồn với gia đình cũng như thể hiện sự tiếc thương.
Nhưng cũng có nhiều người dùng đã phản ánh tình trạng lừa đảo này và để lại bình luận rằng nhạc sĩ vẫn chưa qua đời.
Để đánh lừa người xem, nhiều kênh sử dụng biểu tượng vòng tròn màu đỏ tương tự logo trực tiếp của YouTube, một số khác lại chọn cách thiết kế thumbnail (ảnh mô tả, đại diện cho video) với di ảnh và quan tài của nhạc sĩ Trần Tiến. Kèm theo đó ảnh của một số nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Trần Thành còn được các Youtuber chèn vào để khóc thương trong thumbnail.
Tới trưa cùng ngày, Trần Xuân Nhật Vy, con gái lớn của Trần Tiến đã đính chính thông tin nhạc sĩ qua đời là không chính xác.Hiện tại, sức khỏe của nhạc sĩ Trần Tiến hoàn toàn bình thường.
Cùng theo đó, cô cũng cho biết gia đình sẽ làm việc với luật sư để gửi đơn tố cáo, xử lý các hành vi trái pháp luật trên.
Đây không phải lần đầu các YouTuber, Facebooker đưa thông tin sai sự thật của người nổi tiếng để câu view. Trước đó, hồi tháng 12/2020, khi đám tang nghệ sĩ Chí Tài còn chưa diễn ra, nhiều video giả livestream của các YouTuber đã được tung ra để thu hút người xem.