Mới đây, thông tin Nhạc sĩ Trần Tiến qua đời vì ung thư vòm họng xuất hiện trên một số trang tin và mạng xã hội khiến công chúng hoang mang.
Trên fanpage truyền hình VOV đăng tin đính chính gửi độc giả sau khi đăng tải thông tin nhạc sĩ Trần Tiến về với đất mẹ sau thời gian dài chiến đấu với bệnh ung thư vòm họng.
Cũng liên quan đến thông tin nhạc sĩ Trần Tiến đã qua đời vì ung thư vòm họng, vợ của nam nhạc sĩ nói với báo Tiền Phong rằng sức khỏe của chồng mình vẫn bình thường và tiến triển nhiều so với hồi mổ mắt cách đây hơn 1 tháng. Hàng ngày nhạc sỹ vẫn đi uống cà phê, trò chuyện với bạn bè.
Bà Ngà khẳng định sẽ khởi kiện những trang tin đưa thông tin sai sự thật là "nhạc sĩ Trần Tiến qua đời".
Vợ nhạc sĩ Trần Tiến khẳng định ông vẫn đang sống khỏe mạnh. Ảnh internet
Bà Ngà nói thêm rằng việc đưa thông tin sai lệch đã xúc phạm đến người đang sống và ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình nam nhạc sĩ. Theo đó, luật sư đã nhận lời giúp đỡ và đang chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan để tiến hành khởi kiện.
Liên quan đến tin đồn này, nhiều người thắc mắc kẻ tung tin đồn thất thiệt bị xử lý như thế nào? Trao đổi với PV gười Đưa Tin Pháp luật, luật sư Nghiêm Quang Vinh (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Nhạc sĩ Trần Tiến là người của công chúng, có tầm ảnh hưởng rộng, nên những thông tin về ông sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Do đó, việc tung tin nhạc sĩ Trần Tiến qua đời trong khi ông vẫn đang khỏe mạnh, rất dễ gây hoang mang dư luận và làm tổn hại trực tiếp đến cuộc sống và tinh thần của ông”.
Theo luật sư Vinh, kẻ có hành vi truyền tải thông tin sai sự thật về nhạc sĩ Trần Tiến (nếu xác định được) có thể sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng. Đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”, theo Điều 101, Khoản 1, Nghị định 15/2020.
“Trong trường hợp này, nhạc sĩ Trần Tiến có thể kiện đòi bồi thường thiệt hại (nếu có) tại tòa án có thẩm quyền”, vị luật sư này nói.
Luật sư Nghiêm Quang Vinh cũng nhấn mạnh, đối với người dùng internet, mạng xã hội, khi tiếp cận thông tin cần hết sức tỉnh táo trước những tin bịa đặt, sai sự thật lan truyền trên mạng.
“Hiện nay, tin giả đầy rẫy trên mạng xã hội nếu. Nếu không tinh ý là rất dễ rơi vào “bẫy” của những kẻ tung tin thất thiệt. Vậy nên, người dùng mạng xã hội nên căn cứ vào các kênh chính thống để nắm bắt thông tin một cách chính xác. Đồng thời, cần hết sức cẩn trọng khi đăng tải, chia sẻ các thông tin không rõ nguồn gốc, không đúng sự thật lên mạng xã hội, tránh gây hoang mang dư luận, tạo ảnh hưởng xấu đến xã hội”, luật sư Vinh cho biết.