Theo Vnexpress, Dân trí, ngày 28/2 chính thức kết thúc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra ở Hà Nội mà không đạt được thỏa thuận nào. Trong cuộc họp báo hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết những bất đồng về lệnh cấm vận là nguyên nhân khiến hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội giữa ông và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không ra được thỏa thuận chung. Ông cho hay Bình Nhưỡng muốn được dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận trước khi phá hủy tổ hợp hạt nhân Yongbyong, điều mà phía Washington không thể chấp thuận.
Tuy nhiên, phát biểu sau đó vài giờ, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết họ chỉ yêu cầu Washington dỡ bỏ 5 trong số 11 lệnh trừng phạt, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ phá hủy hoàn toàn và vĩnh viễn các cơ sở sản xuất hạt nhân dưới sự giám sát của chuyên gia Mỹ.
Các lệnh trừng phạt về kinh tế, tài chính này được Liên Hợp Quốc, Mỹ và các cường quốc trên thế giới áp đặt với Triều Tiên trong hơn một thập kỷ qua, nhằm gây sức ép buộc quốc gia này phi hạt nhân hóa. Những lệnh cấm vận, trừng phạt này đã gây hậu quả nặng nề với nền kinh tế và cuộc sống người dân Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump và ông Kim Jong-un. Ảnh Zing/Tri thức trực tuyến
Cho đến nay, Triều Tiên đã hứng chịu các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nghị quyết 1718 được UNSC thông qua ngày 14/10/2006, cấm mọi hoạt động cung cấp vũ khí hạng nặng, công nghệ và vật liệu tên lửa cũng như một số mặt hàng xa xỉ phẩm cho Triều Tiên.
Ngày 12/6/2009, nghị quyết 1874 được thông qua sau vụ thử hạt nhân lần hai của Triều Tiên, tăng cường các biện pháp cấm vận chống lại nước này. Chỉ trong ba tháng đầu năm 2013, UNSC ra liên tiếp hai nghị quyết, lên án các hoạt động phóng vệ tinh và phổ biến vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, áp đặt lệnh cấm vận nghiêm ngặt hơn sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần ba vào tháng 2/2013.
Nghị quyết 2270 ngày 2/3/2016 lên án Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư và phóng tên lửa từ tàu ngầm, đồng thời cấm các quốc gia cung cấp nhiên liệu hàng không cho Bình Nhưỡng. Nghị quyết 2321 cuối năm đó tăng cường biện pháp cấm vận, ngăn chặn Triều Tiên xuất khẩu các khoáng sản như đồng và nikel.
Nghị quyết 2371, cấm Triều Tiên xuất khẩu than đá và sắt. Ngày 22/12/2017, UNSC tiếp tục ra nghị quyết 2397, đặt ra các hạn chế mới về hoạt động nhập khẩu dầu của Triều Tiên cũng như hoạt động xuất khẩu lao động, nông sản và kim loại. Các lệnh cấm vận này không ngăn cản hoạt động hỗ trợ nhân đạo tới Triều Tiên.
Đến năm 2016 và 2017, Tokyo liên tục áp đặt lệnh cấm vận mới đáp trả các vụ thử hạt nhân, tên lửa của Bình Nhưỡng. Các lệnh này đóng băng một số tài sản của Triều Tiên và Trung Quốc, cấm người Triều Tiên nhập cảnh và cấm chuyển số ngoại tệ hơn 880 USD tới Triều Tiên. Nhật còn tham gia giám sát tàu hàng Triều Tiên bị tình nghi vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc trong các vùng biển xung quanh.