Tin mới

Loạt ‘sạn’ trong SGK Tiếng Việt 1: Ai chịu trách nhiệm?

Thứ ba, 13/10/2020, 20:17 (GMT+7)

Trả lời báo giới, đại diện Hội đồng thẩm định cho biết tất cả những “sạn” được phản ánh thời gian qua đều đã được hội đồng nêu ra, tuy nhiên, nhóm tác giả của cuốn sách lại bảo lưu quan điểm của mình.

Mới đây, GS-TS Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt 1 đã lên tiếng trả lời phỏng vấn các báo Zingnews, Người lao động, Tiền phong về những “hạt sạn” đang gây xôn xao dư luận trong SGK Tiếng Việt 1. Giáo sư Chừ cho biết trong quá trình thẩm định SGK Cánh Diều, Hội đồng đã chỉ ra những hạt sạn cho nhóm tác giả. Hội đồng làm việc rất nghiêm túc và cẩn trọng. “Tất cả 5 bộ sách mà chúng tôi thẩm định không có gì sai. Những gì sai đã được các tác giả chỉnh sửa", Giáo sư Chừ nói.

GS-TS Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt 1. Ảnh: Dân trí

Những vấn đề khiến phụ huynh bức xúc về bộ sách này chính là sử dụng nhiều từ ngữ "lạ" như "nhá", "chén", "chả", "thở hí hóp", "gà nhí", "gà nhép"… nhiều ngữ liệu, bài học không phù hợp với lứa tuổi, thiếu tính giáo dục như bài Vè nói ngược, Gà và ve, Hai con ngựa… hay cách tách bài đọc thành 2 phần khiến học sinh khó theo dõi, nắm bắt trọn vẹn nội dung câu chuyện.  Tất cả những điều này đều đã được Hội đồng thẩm định nêu ra trước nhóm tác giả.

Tuy nhiên, Giáo sư Mai Ngọc Chừ cho biết quan điểm mỗi người khác nhau. Nhóm tác giả đã đưa ra được ý kiến phản biện và bảo lưu quan điểm của mình. Theo đó, có người cho rằng mẩu chuyện ngắn trong SGK Tiếng Việt 1 dạy trẻ con lừa lọc nhưng tác giả lại phản biện rằng nó dạy trẻ con nếu lừa lọc sẽ bị trả giá. Khi hướng dẫn, giáo viên sẽ để học sinh rút ra bài học là không được làm theo điều đó.

Hoặc như việc sử dụng từ “nhai” và nhá” gây nhiều tranh cãi, nhóm tác giả lý luận rằng trẻ chưa học đến vần “ai” nên không thể dùng từ “nhai” mặc dù hội đồng thẩm định đã khuyến cáo nên sửa cho phù hợp.

Mẩu chuyện này đã thay đổi nhân vật so với nguyên tác. Ảnh: Zingnews

Câu chuyện được cho là dạy trẻ tính biếng nhác và lừa lọc. Ảnh: Thanh niên

Ngoài ra, theo quy định thẩm định sách giáo khoa, có 3 mức độ được chia ra là phù hợp cao, trung bình và không phù hợp, nếu không phù hợp phải bắt buộc thay đổi. Hội đồng thẩm định chỉ có thể chỉ ra những “hạt sạn” và điều chưa phù hợp. Nếu các lỗi này ở mức độ phù hợp chưa cao thì hội đồng khuyến cáo sửa, còn việc sửa hay không lại là quyền  của tác giả. Giáo sư Mai Ngọc Chừ cho biết Hội đồng thẩm định không thể ép nhóm tác giả sửa.

Khi được hỏi về trách nhiệm đối với những lỗi sai trong SGK Tiếng Việt 1, GS Mai Ngọc Chừ cho biết Hội đồng thẩm định đã chỉ ra lỗi sai, yêu  cầu nhóm tác giả chỉnh sửa, chỉ ra những điểm không phù hợp và có khuyến cáo. Trước phản ứng của dư luận, nhóm tác giả “phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Tuy nhiên, theo TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục phổ thông thì theo điều 32, Luật giáo dục năm 2019, toàn bộ nội dung và chất lượng sách giáo khoa do Hội đồng thẩm định sách ở từng bộ môn chịu trách nhiệm.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news