Tin mới

Lý do thực sự của Trung Quốc khiến căng thẳng Biển Đông

Thứ hai, 25/05/2015, 13:51 (GMT+7)

Tranh chấp đảo, dầu, khí đốt, thủy sản, đường giao thông trên biển, lòng tự hào dân tộc, đâu mới thực sự là lý do khiến căng thẳng Biển Đông ngày một leo thang.

Tranh chấp đảo, dầu, khí đốt, thủy sản, đường giao thông trên biển, lòng tự hào dân tộc, đâu mới thực sự là lý do khiến căng thẳng Biển Đông ngày một leo thang.

Tạp chí The Weekyly Wonk đã có bài bình luận để đi tìm lý do thực sự đằng sau căng thẳng tại Biển Đông. Bài viết đã được trang vox.com dẫn lại với tựa đề "The real reason tensions are rising in the South China Sea".

Một năm trước, cũng trong tháng này, Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vào vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa. Hành động này của Trung Quốc không chỉ gây phẫn nộ đối với Việt Nam mà còn với nhiều nước trong khu vực. Cả 2 nước đã triển khai tàu hải cảnh và tàu cá tại khu vực quanh giàn khoan này. Các vụ va chạm đã xảy ra, Trung Quốc còn hung hăng bắn vòi rồng về phía tàu Việt Nam.

Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đã rút lui vào tháng 7, sau 2 tháng khoan thăm dò. Nhưng nó đã để lại một câu hỏi, đó là sự cạnh tranh về tài nguyên dầu khí tại Biển Đông có phải là mối đe dọa an ninh cho khu vực? Câu hỏi này đã tạo ra tiếng vang khắp khu vực bởi quần đảo Hoàng Sa không phải là nơi duy nhất mà các cuộc thăm dò hydrocarbon có thể dẫn tới xung đột. Ngoài tranh chấp với Việt Nam, Trung Quốc còn có bất đồng về quyền lực tài nguyên với Indonesia, Malaysia và Philippines. Liệu rằng nỗ lực để khai thác dầu khí của các nước này có dẫn tới xung đột? 

Câu trả lời có lẽ là không! Nguy cơ "chiến tranh tài nguyên" khu vực đã được phóng đại. Chắc chắn việc cạnh tranh hydrocarbon có thể gây ra các vụ tranh cãi quốc tế nhưng sự việc giàn khoan 981 đã chứng minh chính phủ các nước sẽ nhanh chóng kiềm chế.

Khi nói đến tranh chấp hàng hải thì đảo chứ không phải dầu mới là mối đe dọa lớn cho sự ổn định quốc tế. Tại sao? Bởi nguồn tài nguyên có thể chia sẻ nhưng những hòn đảo thì không. Trong một môi trường đầu phiếu đa số tương đối, các nhà lãnh đạo có ít lựa chọn nhưng dứt khoát không lùi bước. Nếu một quốc gia nắm quyền kiểm soát trên lãnh thổ tranh chấp thì các nước khác sẽ mất nó. Nhưng thông qua sự phát triển chung, các nguồn tài nguyên có thể được chia sẻ.

Căng thẳng ngày một leo thang tại Biển Đông

Trong vài thập kỷ qua, sự khác biệt này được thể hiện đặc biệt rõ ở biển Hoa Đông. Ở đây, Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh giành quyền kiểm soát nhóm các đảo Senkaku/Điếu Ngư cùng với các mỏ dầu và khí đốt cách các đảo này hơn 100 hải lý về phía đông bắc. Tranh chấp tại quần đảo này đã tạo ra thái độ thù địch giữa 2 nước. Ngược lại, cuộc chiến tại các mỏ dầu khí lại bắt nguồn từ cuộc đối thoại mang tính xây dựng.

Đó là con đường để kiềm chế và phải thừa nhận rằng, nó không phải lúc nào cũng thẳng. Các công ty dầu khí của Trung Quốc bắt đầu hoạt động tại biển Hoa Đông từ cuối những năm 1970. Họ đã phát hiện ra giếng dầu Pinghu đầu tiên, khoảng 1 thập kỷ sau đó. Việc phát triển Pinghu không ai bàn cãi gì cho dù giếng dầu này cách biên giới quốc tế Nhật Bản có 40 dặm về phía tây. Cuối những năm 1990, Nhật Bản thậm chí còn đồng tài trợ cho việc xây dựng các đường ống dẫn từ Pinghu về Trung Quốc đại lục.

Nhưng căng thẳng gia tăng khi Trung Quốc tăng cường tìm kiếm hydrocarbon tiến dần về phía biên giới. Vào năm 2003, các công ty dầu đã dựng một bệ sản xuất ngay trên giếng dầu Chunxiao, cách biên giới biển 1 dặm. Chính quyền Nhật Bản đã yêu cầu được quyền truy cập vào dữ liệu địa chất của giếng dầu này để đảm bảo Trung Quốc không bòn rút nguồn dự trữ của Nhật Bản. Khi các công ty này từ chối, Nhật Bản đã đưa ra chương trình thăm dò riêng. Một tàu khảo sát địa chấn đã được triển khai tới khu vực biên giới vào tháng 7/2004. Bắc Kinh đã phản ứng lại bằng cách đưa lực lượng hải quân tới. Các tàu hải giám của Trung Quốc đã quấy rối các tàu khảo sát của Nhật Bản. Vào tháng 11, một tàu ngầm của Trung Quốc đã bị phát hiện trong vùng biển Nhật Bản. Hai tháng sau đó, 2 tùa khu trục của Trung Quốc đã di chuyển vào vùng biển tranh chấp.

Tuy nhiên, các nhà chức trách Nhật Bản và Trung Quốc đều cố gắng kiềm chế tranh chấp. Vào tháng 10/2004, 2 nước đã có một loạt các cuộc đàm phán song phương về vấn đề biển Hoa Đông. 4 năm đàm phán, cuối cùng, 2 nước đi tới thỏa thuận khai thác nguồn tài nguyên hydrocarbon tại khu vực biên giới.

Thỏa thuận này tuy không dẫn tới sự hợp tác tài nguyên đáng kể nhưng đã giúp Trung Quốc và Nhật Bản tránh được một cuộc đối đầu quanh các giếng dầu. Kết quả này hoàn toàn trái ngược với các tranh chấp đảo vốn đang tiếp tục căng thẳng và chưa có thỏa thuận song phương nào được đề cập.

Tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư cũng nổi lên từ những năm 1970 khi Trung Quốc bắt đầu thách thức quyền lực của Nhật Bản với quần đảo này. Nó đã trải qua các giai đoạn leo thang khi các nhà hoạt động của cả 2 nước cố gắng đặt chân lên quần đảo không người ở này để củng cố tuyên bố chủ quyền của chính phủ mình.

Năm 1978 và 1996, những người yêu nước của Nhật Bản đổ bộ lên quần đảo và dựng các ngọn hải đăng ở đây khiến Trung Quốc tiến hành các cuộc biểu tình và triển khai tàu cá tới. Các nhà hoạt động từ Đài Loan và Hong Kong cũng cố đặt chân lên đảo, một số đã thành công bất chấp sự cưỡng chế của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản. Vào năm 2004, các nhà hoạt động Trung Quốc đại lục lần đầu tiên tới được quần đảo này.

Những vụ việc trên không tạo thành xung đột quân sự. Tuy nhiên, chúng đã kích động thái độ thù địch dữ dội và khiến các hòn đảo trở thành điểm nóng trong tình cảm dân tộc của 2 bên. Người dân cả 2 nước được biết về xung đột leo thang vào năm 2012 khi chính phủ Nhật Bản mua lại 3 trong số các đảo từ chủ sở hữu tư nhân. Ở Trung Quốc, người yêu nước đã tổ chức một cuộc biểu tình chống Nhật Bản lớn. Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách gia tăng sự hiện diện quân sự của mình tại khu vực. Sự xâm phạm vào các vùng lãnh hải của Nhật Bản cũng tăng vọt từ không có tới hơn 17 lần mỗi tháng trong năm 2013. Vào tháng 11/2013, Trung Quốc đã xác lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao gồm quần đảo này.

Trong 18 tháng qua, các vụ xâm phạm đã giảm xuống nhưng Nhật Bản vẫn báo cáo trung bình có 8 vụ/tháng. Các quan chức Nhật Bản và Trung Quốc đã đạt được tiến bộ rất ít trong việc giải quyết tranh chấp đảo. Tháng 11 năm ngoái, cả 2 nước đã ban hành một bản nhận thức chung 4 điểm nhằm cải thiện quan hệ song phương. Một trong những điểm giải quyết Senkaku/Điếu Ngư nêu rõ Trung Quốc và Nhật Bản có "quan điểm khác nhau" về tình hình nhưng sẽ nỗ lực để ngăn chặn căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn từ chối thừa nhận tồn tại tranh chấp và không nước nào đưa ra được đề xuất cụ thể để giải quyết nó. Quan hệ giữa ông Tập Cận Bình và ông Abe có thể tan băng nhưng một thỏa thuận hợp tác trên các đảo vẫn còn ở rất xa.

Các quan chức Trung Quốc và Nhật Bản đều bị ràng buộc bởi lịch sử chung của 2 nước. Vấn đề biển đảo có ý nghĩa biểu tượng rất lớn đối với cả 2 bên vì vậy, việc cố gắng để đạt được một thỏa hiệp sẽ kích động sự chống đối trong nước. Do đó, tranh chấp đảo có thể vẫn là một cái gai bên trong mỗi chính phủ và liên tục có nguy cơ leo thang.

Các nước có nhiều động cơ để cạnh tranh chủ quyền ở biển Đông và biển Hoa Đông như: đảo, dầu, khí đốt, thủy sản, đường giao thông trên biển, lòng tự hào dân tộc. Tuy nhiên, khi nói đến nguyên nhân của cuộc xung đột thì không phải tất cả những động cơ trên đều ngang nhau. Nguồn tài nguyên hydrocarbon, riêng nó không phải là mối đe dọa lớn cho sự ổn định trong khu vực.

Bảo Linh (Theo The Weekyly Wonk)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news