Gần 2.500 trường học được lệnh đóng cửa tại Malaysia trong đó có gần 300 trường ở thủ đô Kuala Lumpur. Nguyên nhân do những quan ngại về sức khỏe tăng cao khi khói mù độc hại từ các đám cháy rừng không thể kiểm soát trên quần đảo Borneo và Sumatra của Indonesia.
Indonesia cho biết hàng trăm trường học tại tỉnh Riau ở Sumatra bị ảnh hưởng nặng nề đã phải đóng cửa trong ngày 19/9. Chỉ riêng một quận đã có 800 trường đóng cửa. Tại tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo, khoảng 1.300 trường đã phải đóng cửa.
Việc đóng cửa này đã ảnh hưởng tới ít nhất 1,7 triệu học sinh Malaysia. Con số tại nước láng giềng Indonesia hiện vẫn chưa rõ.
Jakarta đang triển khai hàng nghìn nhân viên an ninh và máy bay ném bom nước tới để giải quyết các vụ cháy, chủ yếu bắt nguồn từ những vụ đốt rừng bất hợp pháp để giải phóng mặt bằng làm đồn điền.
Những đám cháy rừng bùng phát khắp Đông Nam Á hàng năm nhưng năm nay là tồi tệ nhất kể từ 2015. Chúng làm tăng thêm mối lo ngại về việc cháy rừng bùng phát toàn thế giới làm trầm trọng thêm tình trạng nóng lên toàn cầu.
Việc đóng cửa các trường học trong ngày 19/9 đánh dấu sự đóng cửa hàng loạt đầu tiên tại Kuala Lumpur khi chất lượng không khí giảm xuống mức "hại sức khỏe" hoặc "rất hại cho sức khỏe" dựa theo một chỉ số không chính thức tại nhiều khu vực trên bán đảo Malaysia đến phía đông Sumatra với đường chân trời của thủ đô bị sương mù dày đặc che phủ.
Bang Sarawak của Malaysia cũng ngột ngạt vì khói mù độc hại khi các đám cháy làm tăng căng thẳng ngoại giao. Quần đảo Borneo được phân chia giữa Indonesia, Malaysia và Brunei.
Rất nhiều người Malaysia đang gặp vấn đề về sức khỏe do khói mù. Các nhà chức trách cho biết số lượng bệnh nhân ngoại chú tại các bệnh viện công đã gia tăng nhanh chóng, nhiều người bị khô và ngứa mắt.
Học sinh phải dùng khẩu trang bịt mặt khi tới trường tại Puchong. Ảnh: Reuters
Chất lượng không khí nằm trong phạm vi "hại sức khỏe" khắp Singapore vào sáng 19/9, theo Cơ quan Môi trường Quốc gia. Bộ trưởng Môi trường Singapore gọi đây là một "trở ngại lớn" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
"Các vụ cháy rừng ở Indonesia và khói mù đã ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc người dân Indonesia cũng như khu vực ASEAN", Bộ trưởng môi trường Singapore Masagos Zulkifli đăng trên mạng xã hội. "Thật đáng tiếc khi rất nhiều sinh mạng và sinh kế bị ảnh hưởng".
"Lượng carbon được tạo ra từ các vụ cháy sẽ tạo ra một trở ngại lớn cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu".
Học sinh dùng khẩu trang bịt mặt tại một trường học ở Puchong. Ảnh: Reuters
Cuộc khủng hoảng khói mù xảy ra khi Singapore chuẩn bị tổ chức cuộc đua xe Công thức 1 vào ngày 22/9 tới. Tầm nhìn hạn chế khiến một số sân bay tại khu vực cảng Borneo của Indonesia đã phải đóng cửa, hàng loạt chuyến bay phải chuyển hướng và bị hủy tại khu vực trong những ngày gần đây do khói mù.
Các nhà chức trách đã cố gắng tạo mưa bằng công nghệ, gọi là gieo hạt trên đám mây để nỗ lực dập tắt lửa ở Indonesia. Nhưng mùa mưa, thường bắt đầu vào tháng 10 có thể là thứ duy nhất có dập được các đám cháy.