Tin mới

Mật vụ Mỹ bảo vệ ứng viên tổng thống như thế nào?

Thứ ba, 08/11/2016, 09:30 (GMT+7)

Mật vụ Mỹ ban đầu được thành lập với mục đích đối phó tiền giả và bảo vệ tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, sau sự kiện ứng viên tổng thống Robert F. Kennedy bị ám sát năm 1968, vai trò của lực lượng này đã có thay đổi.

Mật vụ Mỹ ban đầu được thành lập với mục đích đối phó tiền giả và bảo vệ tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, sau sự kiện ứng viên tổng thống Robert F. Kennedy bị ám sát năm 1968, vai trò của lực lượng này đã có thay đổi.

Mật vụ Mỹ được thành lập để đối phó tiền giả và sau đó được giao trách nhiệm bảo vệ tổng thống sau sự kiện William McKinley bị ám sát năm 1901. Đây là vụ ám sát tổng thống Mỹ thứ ba trong vòng 36 năm, sau Abraham Lincoln và James A. Garfield.

Suốt một thời gian dài, mật vụ Mỹ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của họ. Tuy nhiên, vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy năm 1963 trở thành thất bại đầu tiên của lực lượng này.

Năm 1968, ứng viên tổng thống Robert F. Kennedy bị ám sát, dẫn đến sự thay đổi trong vai trò của mật vụ. Họ có nhiệm vụ bảo vệ mọi ứng viên tổng thống khi họ có khả năng trở thành người đại diện cho một chính đảng ra tranh cử hoặc sớm hơn nếu có mối đe dọa có thật.

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump được nhân viên an ninh hộ tống rời sân khấu trong sự kiện vận động ở bang Nevada ngày 5/11 khi nghi có mối đe dọa từ đám đông phía dưới. Ảnh: Reuters

Theo Ủy ban Nghiên cứu quốc hội Mỹ, ứng viên được mật vụ bảo vệ 4 tháng trước ngày bầu cử phải đáp ứng tiêu chuẩn: nổi tiếng ở mức độ nhất định, có vận động tranh cử toàn quốc, thuộc đảng có ứng viên đạt ít nhất 10% số phiếu bầu ở lần bầu cử trước và vận động được ít nhất 2 triệu USD cho chiến dịch tranh cử.

Theo NBC News, ông Obama được mật vụ bảo vệ từ tháng 5/2007, sớm nhất đối với một ứng viên tổng thống, trước cả khi trở thành người đại diện đảng Dân chủ tranh cử năm sau đó. Nguyên nhân là bởi Obama trở thành mục tiêu của nhiều lời đe dọa, cả trong và ngoài nước, nhiều hơn mọi tổng thống khác kể từ thời Abraham Lincoln.

Việc bảo vệ này không bắt buộc và các ứng viên có thể từ chối nếu cảm thấy không cần. Trong chiến dịch tranh cử năm 2012, ứng viên Ron Paul của đảng Cộng hòa đã từ chối sự bảo vệ của mật vụ.

"Tôi là một công dân bình thường. Tôi nghĩ tôi phải tự trả tiền để bảo vệ mình. Mất 50.000 USD mỗi ngày để bảo vệ những người này, đó là số tiền rất lớn", ông nói.

Các biện pháp mật vụ áp dụng gồm đảm bảo an toàn một địa điểm từ trước, kiểm tra thực địa bằng chó nghiệp vụ, lập các điểm kiểm soát dò kim loại, đoàn xe chở ứng viên có cảnh sát bảo vệ và có vệ sĩ canh gác 24 giờ liên tục.

Đặc vụ đứng trong vùng đệm để bảo vệ Hillary Clinton, ứng viên đảng Dân chủ, trong sự kiện vận động ở bang Maryland ngày 10/4. Ảnh: Reuters

Hoạt động an ninh của mật vụ là "răn đe, tối thiểu hóa và ứng phó phù hợp với những mối đe dọa, lỗ hổng", huy động nguồn lực đặc biệt như an ninh trên không, xạ thủ, các đội chống hóa chất độc hại và chống trinh sát. Những mối đe dọa từ tôn giáo cực đoan ở nước ngoài như "chặt đầu" tổng thống, sát hại các lãnh đạo chính phủ là vấn đề không thể bỏ qua.

Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh cho biết, đặc vụ không ngăn hoặc giải tán biểu tình trừ khi có mối đe dọa đáng tin đến ứng viên.

Theo trang web uspolitics.about.com, mật vụ Mỹ chi khoảng 113,4 triệu USD để bảo vệ các ứng viên tổng thống năm 2012, cao hơn 1,4 triệu USD so với năm 2008. Chi phí này trong hai năm 2004 và 2000 là 74 triệu USD và 54 triệu USD.

Trong cuộc bầu cử tổng thống 2016, những người đã được mật vụ bảo vệ gồm Donald Trump và Ben Carson, đảng Cộng hòa, Hillary Clinton và Bernie Sanders, đảng Dân chủ.

Hiện tại, mật vụ Mỹ đang ráo riết bảo vệ 2 ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton. Những chính khách này đang được bảo vệ an toàn tối đa, nhất là tại các sự kiện diễn ra nơi công cộng. Các biện pháp bao gồm đảm bảo an ninh tại địa điểm trước giờ diễn ra sự kiện và dùng cảnh khuyển đánh hơi chất nổ, đặt các thiết bị kiểm tra kim loại đối với những người tham dự. Bên cạnh đó, mô tô cảnh sát bảo vệ hành trình cùng các cận vệ luôn kè sát các ứng viên.

Ông Trump hiện có một lực lượng bảo vệ tư nhân với số lượng lớn bên cạnh việc bảo vệ của các mật vụ. Trong khi đó, bà Clinton phụ thuộc vào mật vụ trong việc đảm bảo an ninh và phải thanh toán cho cảnh sát địa phương, công ty bảo vệ để họ tuần tra tại những sự kiện vận động.

Xem thêm video:

[mecloud]j4NGMiHbPB[/mecloud]

Lê Huyền (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Sao Việt hải ngoại nín thở cầu nguyện cho nhà cầm quyền tương lai

Trong khi cả thế giới đang dõi theo cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang diễn ra, nhiều nghệ sĩ Việt đang sinh sống và làm việc tại xứ cờ hoa cũng hào hứng chờ đợi kết quả xem ai sẽ là nhà cầm quyền tương lai.