Thời gian gần đây, không ít người Mỹ liều mình, bất chấp nguy hiểm để đến Triều Tiên, quốc gia bí ẩn vốn luôn xem Washington là kẻ thù. Vậy mục đích của những cuộc "vượt biên" này chỉ nhằm thỏa mãn trí tò mò hay âm mưu gián điệp như Bình Nhưỡng luôn cáo buộc.
Trong khi hàng chục nghìn thành niên muốn vượt khỏi biên giới Triều Tiên trong tuyệt vọng, thì lại có không ít người Mỹ tìm đủ mọi cách hòng thâm nhập được vào bên trong quốc gia này. Người thì băng mình qua dòng sông giá lạnh, giữ chặt một cuốn kinh thánh. Người thì lén trốn trong bộ dạng say xỉn. Một số binh sĩ Mỹ thậm chí còn tìm cách vượt qua những bãi mìn.
Lý do khiến nhiều người Mỹ muốn "tị nạn" tại Triều Tiên?
Cho đến nay, khi Triều Tiên đã cho phép người Mỹ đến thăm đất nước họ một cách hợp pháp trên danh nghĩa khách du lịch, thì nhiều người Mỹ vẫn chọn con đường đến quốc gia này một cách lén lút.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên tối ngày 16/9 đưa tin, một công dân Mỹ đã cố gắng bơi qua con sông ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc với hy vọng gặp được Chủ tịch Kim Jong-un. Trước đó, hôm 14/9, một thanh niên Mỹ vào Triều Tiên với tư cách khách du lịch nhưng sau đó xé bỏ thị thực đã lĩnh án 6 năm lao động khổ sai vì các tội danh xâm nhập trái phép vào quốc gia bí ẩn này để do thám.
Đối với nhiều người Mỹ, việc lọt vào một quốc gia bí ẩn như Triều Tiên là điều rất phấn khích
Đối với một số người Mỹ, trốn được vào Triều Tiên là một việc rất phấn khích. Đôi khi, động lực của họ mang tính tôn giáo. Nhưng cũng có trường hợp bất mãn với Mỹ và tin rằng mọi thứ sẽ khác đi tại một đất nước dường như đang ở cực đối diện.
Theo giới phân tích, đó là các vấn đề mang tính cá nhân hoặc tâm thần - hoặc đơn giản là một người hành động theo ý tưởng rất tồi tệ.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, một số lính Mỹ - với vài người trong họ biết rất ít về cuộc sống ở Triều Tiên - đã lén đi qua Vùng Phi quân sự và sau đó xuất hiện trong các bộ phim tuyên truyền của chính quyền Bình Nhưỡng.
Charles Robert Jenkins, quê ở Bắc Carolina, đã bỏ tiền đồn của mình ở Hàn Quốc năm 1965 và chỉ được phép rời Triều Tiên tới Nhật Bản vào năm 2004. Các binh sĩ đào tẩu khác gặp phải vấn đề trong đơn vị của mình hoặc bất hòa với gia đình ở nhà. Một người còn bị một nữ điệp vụ Triều Tiên dụ lừa sang nước này.
Trong nhiều thập niên sau chiến tranh, một số người Mỹ ấp ủ trong mình "ảo vọng Triều Tiên là một thiên đường xã hội chủ nghĩa", theo John Delury - một chuyên gia châu Á tại Đại học Yonsei ở Seoul. Đối với không ít người thì "đó là một nước bị xem là cấm vào" nên rất hấp dẫn kiểu người muốn phá vỡ các quy tắc xã hội.
Thậm chí có người còn liều mạng bơi qua sông để gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Tôn giáo cũng là một động lực. Việc phân phát kinh thánh và thực hiện các lễ cầu nguyện bí mật ở đất nước này đồng nghĩa với án tù hoặc án tử.
Với một cuốn kinh thánh trong tay, nhà truyền giáo Mỹ Robert Park lẻn sang Triều Tiên trong dịp Giáng sinh năm 2009 để lôi kéo sự chú ý vào tình trạng lạm dụng nhân quyền và kêu gọi lãnh đạo Triều Tiên lúc đó là Kim Jong-il phải từ chức. Park bị trục xuất khỏi Triều Tiên vào tháng 2/2010 và kể rằng ông đã bị tra tấn.
Công dân "máu" phiêu lưu: Mỹ đau đầu, Triều Tiên "đắc lợi"
Hôm 16/9, giới chức Triều Tiên cho biết, công dân Mỹ Matthew Miller đã thừa nhận xé visa tại sân bay Bình Nhưỡng khi tới đây vào ngày 10/4 vì muốn trải nghiệm cuộc sống tù nhân ở đây để có thể bí mật điều tra tình hình nhân quyền của Triều Tiên.
Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng, Bình Nhưỡng xét xử Miller nhằm lôi kéo sự chú ý của Mỹ và buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán với Triều Tiên.Trong những tháng gần đây, CHDCND Triều Tiên tìm cách nối lại đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của mình với Mỹ. Nhưng Washington cho rằng Bình Nhưỡng phải thể hiện cam kết rõ ràng cho phi hạt nhân hoá.
Tháng 12/2011, Kenneth Bae, một công dân Mỹ đã bị bắt tại Triều Tiên và bị kết án 15 năm tù khổ sai với cáo buộc "mưu đồ lật đổ chính quyền".
Trong quá khứ, từng có điệp viên Mỹ bị bắt tại Triều Tiên và thừa nhận hành vi gián điệp của mình nhưng sau đó phủ nhận khi đã được trả tự do. Merrill Newman, 85 tuổi, cựu binh Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên cũng được thả tự do sau khi thừa nhận tội trạng của mình. Trở về Mỹ, Merrill Newman nói ông bị "ép buộc" thừa nhận điều này trước khi ra khỏi biên giới Triều Tiên.
Công dân Mỹ Matthew Miller tại tòa án ở Bình Nhưỡng ngày 14/9
Chính phủ Mỹ đã nhiều lần đề nghị gửi đặc phái viên của mình đến Triều Tiên để thảo luận về việc trả tự do cho các công dân của họ hiện đang bị giam giữ tại quốc gia này, nhưng cho đến nay Bình Nhưỡng vẫn chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng.
Theo Andrei Lankov, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại đại học Kookmin của Hàn Quốc: "Triều Tiên không hề tỏ ra vội vàng. Họ giống như một người bán hàng và cái giá họ đưa ra là một chuyến viếng thăm của quan chức cấp cao Mỹ cùng một số nhượng bộ. Mặt hàng được đem ra 'bán' là những công dân Mỹ đang bị giam giữ. Nếu khách hàng không muốn trả tiền, đó là vấn đề của họ. Triều Tiên có thể đợi".
Dù lý do là gì thì những người Mỹ bị bắt giữ ở Triều Tiên - với 3 người hiện bị giam trong tù - đang mang lại nhiều rắc rối cho Washington. Mỹ sẽ phải quyết định liệu có nên để mặc cho công dân của mình héo mòn ở Triều Tiên, hay nên mang lại cho Bình Nhưỡng một chiến thắng tuyên truyền bằng cách cử đặc phái viên tới đàm phán tự do cho họ.
Năm 2010, cựu Tổng thống Jimmy Carter tới Triều Tiên để thương lượng tự do cho công dân Mỹ Aijalon Gomes đang bị giam giữ theo bản án 8 năm lao động khổ sai vì vượt biên trái phép từ Trung Quốc vào Triều Tiên.
Đối với Bình Nhưỡng, có được một quan chức cấp cao Mỹ hoặc một vị cựu Tổng thống tới nước này là một thắng lợi tuyên truyền rất lớn.
Yên Yên (Tổng hợp)
Theo Người đưa tin