Căn cứ vào những mảnh vỡ máy bay và thi thể nạn nhân mới được tìm thấy, các chuyên gia hàng không cho rằng QZ8501 không bị nổ tung trước khi lao xuống biển Java.
Tin tức từ The Straits Times cho biết, các chuyên gia hàng không nhận định các phần mới được tìm thấy của máy bay AirAsia cùng thi thể một số nạn nhân, chứng minh rằng nó không nổ trên không trung mà đâm thẳng xuống biển rồi chìm.
John Cox, phi công đã nghỉ hưu của Mỹ cho hay: "Nếu phần cánh, mũi và đuôi máy bay được tìm thấy ở cùng một nơi, có thể kết luận rằng máy bay còn nguyên vẹn khi chạm mặt nước".
Ông Jacques Astre, Chủ tịch công ty tư vấn Giải pháp An toàn hàng không quốc tế nhận định, khu vực tìm thấy mảnh vỡ tương đối nhỏ nên có thể máy bay vỡ ra khi rơi xuống biển chứ không bị vỡ từ trước đó.
Khu vực máy bay QZ8501 gặp nạn được khoanh tròn
Nếu thi thể các nạn nhân cũng còn nguyên vẹn, thì giả thuyết này là đúng, ông H.R. Mohandas, một cựu phi công và hiện đứng đầu chương trình quản lý hàng không tại Republic Polytechnic, nói.
"Khu vực tìm thấy mảnh vỡ ở phạm vi hẹp, gần vị trí cuối cùng của nó cũng tạo nên giả thuyết máy bay bị sụt độ cao khá nhanh", ông Astre dự đoán.
Còn theo chuyên gia lĩnh vực hàng không Indonesia Alvin Lee, nhiều khả năng máy bay hành khách mang số hiệu QZ 8501 đã vỡ khi rơi xuống biển.
Video phát hiện những mảnh vỡ của máy AirAsia trên biển
Vali màu xanh dương của trẻ em, bình dưỡng khí và máng trượt khẩn cấp của máy bay được vớt lên ngày 30/12 tại nơi máy bay QZ8501 rơi
"Theo quan điểm của tôi, chiếc máy bay đã bị phá huỷ khi rơi xuống biển. Nếu máy bay phát nổ trên không, mảnh vụn sẽ phát tán ra khu vực rộng lớn hơn nhiều”, ông A. Lee cho hay.
Trước đó, giám đốc Cơ quan tìm kiếm-cứu nạn quốc gia Indonesia Andriandi cho biết, mảnh vụn của chiếc QZ 8501 rơi rải rác trong khu vực có diện tích khoảng 5km vuông tại lối vào eo biển giữa đảo Sumatra và Kalimantan.
Khu vực tìm thấy các mảnh vỡ cách vị trí cuối cùng của nó trên radar khoảng 10 km trong biển Java. Số liệu của Indonesia cho thấy máy bay QZ8501 có thể bay qua núi mây tích mưa, mây này có thể gây ra sét và các điều kiện thời tiết nguy hiểm, như gió mạnh, mưa đá và lốc xoáy.
Ông Mark D. Martin, giám đốc điều hành công ty tư vấn Martin Consulting nói: "Khi máy bay không may bay vào khu vực có mây tích mưa ở độ cao khoảng từ 9 đến hơn 11km, thường có độ tròng trành lớn, khiến bàn điều khiển bị đóng băng, phi công không thể thao tác, máy bay vượt khỏi tầm kiểm soát và lao xuống với tốc độ 1,5km mỗi phút".
Những mảnh vỡ và thi thể nạn nhân mới được tìm thấy khẳng định giả thuyết QZ8501 không bị phát nổ trên không
Một tai nạn tương tự xảy ra hồi tháng 6/2009 khi chuyến bay AF447 của Hàng không Pháp đâm xuống Đại Tây Dương, khi đang trên đường từ Rio de Janeiro đến Paris, không còn ai sống sót. Cuộc điều tra chính thức kết luận là máy bay rơi sau khi phi công không thể thao tác chính xác.
"Điều tương tự có thể xảy ra với QZ8501. Khi nỗ lực tránh các điều kiện thời tiết cực đoan, phi công có thể cố nâng máy bay lên. Cộng với thời tiết đối nghịch, như nhiễu loạn và đóng băng trên bề mặt máy bay ở độ cao, có thể khiến hệ thống lái tự động bị hỏng", ông Mohandas nói.
"Với tầm nhìn thấp hoặc không còn, mà chế độ lái tự động hỏng, bạn không biết cái gì trước mặt và phi hành đoàn có thể mất phương hướng. Trong những hoàn cảnh đó, máy bay có thể rơi tự do", ông Mohandas khẳng định.
Trong khi đó, chuyên gia vận tải hàng không Nga Roman Gusarov trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Nga RIA Novosti cho hay, chỉ khi tìm thấy hộp đen của máy bay thì nguyên nhân tới vụ tai nạn chiếc máy bay mang số hiệu QZ 8501 của hãng hàng không Air Asia mới được xác định. Tuy nhiên, để tìm được hộp đen đã chìm dưới biển sâu sẽ là điều không hề dễ dàng.
Theo Yên Yên (tổng hợp)