MC Phan Anh chia sẻ cảm xúc nghẹn ngào sau khi bật khóc trong chương trình "Giai điệu tự hào tháng 7" vì không được chia sẻ hết nỗi lòng.
Trong chương trình "Giai điệu tự hào tháng 7" với chủ đề "Chiều biên giới", sau khi nghe nhạc sĩ Thế Hiển trình bày ca khúc “Hát về anh”, Phan Anh bật khóc nức nở.
Nam MC tâm sự trên sóng truyền hình: "Ba mẹ con cũng là bộ đội. Khi nghĩ về những chiến công thầm lặng đó, con cảm thấy rất nhiều cảm xúc. Chúng con xin lỗi vì đôi lúc, chúng con đã quên đi điều đó. Nhưng con hiểu bây giờ, con không được phép quên và các thế hệ sau cũng sẽ không bao giờ quên. Con xin hứa về điều đó".
Sau khi chương trình kết thúc, MC Phan Anh tiếp tục chia sẻ lý do vì sao bật khóc trên sóng truyền hình. MC Vietnam Idol viết:
"Thật lòng chia sẻ, khoảng thời gian này, tôi thay đổi rất nhiều.
Có những giây phút nếu thật sự tập trung, và khi cảm xúc là của trái tim, trong đầu tôi, những hình ảnh có sự kết nối nhau bỗng tràn về với tốc độ kinh khủng, giống như một giây giờ mình có thể gặp tới cả nghìn hình ảnh và phân tích chúng với tốc độ chóng mặt. Đó là điều tôi chưa lý giải được.. Nhưng cũng là một phần của lý do vì sao tôi không làm chủ được cảm xúc của mình trong trường quay hôm đó!
Ba mẹ tôi đều là những người lính, đều đã để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường. Bạn bè của họ cũng vậy, phần đông cũng đều là những người đã vào sinh ra tử, những người chẳng tiếc tuổi trẻ, chẳng tiếc thân mình, những người đặt Tổ quốc lên trên hết, sẵn sàng phải chấp nhận mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha.. trong chớp mắt.
MC Phan Anh nghẹn ngào trên sóng truyền hình. Ảnh VTV |
Thật may mắn, khi tôi được thấy họ những lúc bên nhau. Ở họ có một thứ tình cảm đặc biệt, thứ tình cảm hồn nhiên, đẹp, hào sảng, bình dị và trong sáng khó tả. Có lần tôi hỏi: các chú không sợ chết à? Mọi người cười, sợ chứ, có anh lúc đầu sợ tè ra quần ấy, nhưng sợ cũng không làm được gì, thành quen, đối mặt với nó ngạo nghễ, có khi lại còn thèm được chết, có những lúc ôm xác đồng đội mà chỉ mong được chết thay bạn của mình.
Và rồi, những người lính ấy trở về, những người chưa bao giờ rao giảng cho tôi bài học đạo đức: chúng cháu phải biết ơn, chúng tao phải được đền đáp. Dù tôi biết nhiều người trong số họ khó khăn đến thế nào, được nghe kể những sự đối xử bất công ra sao, những câu chuyện hành là chính nghe càng thêm chua sót với những người đã chiến đấu cho độc lập hôm nay.
Tôi đã từng đứng trước nghĩa trang Trường Sơn nơi bạt ngàn những ngôi mộ vô danh, bạt ngàn những tiếc thương, những nỗi đau không thể cất thành lời. Tôi đã từng đến thành cổ Quảng Trị để hiểu cảm giác dưới chân mình là đất Mẹ hòa lẫn xương máu biết bao chiến sỹ, đồng bào. Tôi đã từng bao lần như hóa đá khi lắng nghe câu chuyện của những người mẹ, những người vợ, của những người lính về sự khốc liệt của chiến tranh… Tôi hiểu cái giá của chiến tranh. Tôi sợ những nỗi đau khủng khiếp của chiến tranh.
Vì… Tôi cảm thấy hèn yếu. Hèn yếu vì nhiều, nhiều lắm những thứ mình biết mà chưa thể viết ra đây!
Mà viết, và lên tiếng thế nào đây??? Thôi thì, tôi hiểu lý do là thời lượng phát sóng nên tất nhiên biên tập cần rút gọn lại.
Vì ngay cả việc tôi xin được chỉ thẳng tên để phản đối trong trường quay mà lúc phát sóng đã không còn thấy nữa rồi. Thôi thì, tôi hiểu lý do là thời lượng phát sóng nên tất nhiên biên tập cần rút gọn lại. Tôi cũng làm việc trong bộ máy, nên tôi hiểu lắm: nó rất đúng quy trình. Chúng ta không nên làm những chuyện tổn hại cho quốc gia!Và thế đấy!"
Quốc Huy (tổng hợp)