Trong báo cáo hôm 13/5, Lầu Năm Góc đã tố Trung Quốc dùng "chiến thuật cưỡng chế" để mở rộng sự hiện diện trên Biển Đông và các khu vực khác, thúc đẩy những lợi ích riêng một cách có tính toán dưới ngưỡng tạo ra xung đột.
Hãng AP đưa tin trong báo cáo thường niên có tên "Sức mạnh Quân sự Trung Quốc" trình lên Quốc hội, Lầu Năm Góc đã nhận định: "Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật cưỡng chế để thúc đẩy lợi ích của họ bằng cách thức có tính toán để giảm xuống dưới ngưỡng kích động xung đột".
Ví dụ như, trong năm 2015, Bắc Kinh triển khai tàu bảo vệ bờ biển và tàu hải quân tới Biển Đông và duy trì hiện diện "gần như liên tục" tại khu vực này. Tại Hoa Đông, Trung Quốc điều máy bay, tàu tuần tra sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có tranh chấp với Nhật Bản.
Phó trợ lý Bộ trưởng quốc phòng phụ trách Đông Á, ông Abraham Denmark đã mô tả chiến thuật cưỡng chế của Trung Quốc là: tàu hải cảnh, tàu cá của họ đôi khi hành động theo cách "không chuyên nghiệp". Họ hành động như vậy "khi ở gần lực lượng quân đội hoặc tàu cá quốc gia khác nhằm thiết lập mức độ kiểm soát nhất định với những thực thể có tranh chấp. Những hành động này nằm dưới ngưỡng xung đột nhưng dần dần chứng minh và khẳng định tuyên bố chủ quyền".
Một tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Reuters |
Theo CNN, ngoài việc đòi yêu sách, triển khai tuần tra, Trung Quốc còn tiến hành bồi đắp trái phép tại khu vực này. Trong 2 năm qua, Trung Quốc đã bồi đắp thêm 3.200 mẫu Anh tại 7 nơi mà nước này chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.
Tại các đảo nhân tạo, Trung Quốc đã đào những kênh đào sâu để cải thiện việc tiếp cận các tiền đồn, tạo ra những bến cảng nhân tạo, nạo vét các cảng tự nhiên và xây dựng những khu vực bến mới cho phép các tàu lớn hơn truy cập. 3 tiền đồn lớn nhất, mỗi nơi sẽ có một sân bay dài khoảng 3.000m.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng chỉ ra Trung Quốc đã chứng minh việc sẵn sàng chịu đựng căng thẳng ở mức độ cao hơn trong việc theo đuổi các tuyên bố chủ quyền biển mà họ đưa ra hồi năm ngoái.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tăng chi tiêu cho quốc phòng, tiến hành hiện đại hóa quân sự. Báo cáo đã đề cập đến việc Bắc Kinh cải thiện đáng kể về khả năng vũ khí trong năm qua và đang hiện đại hóa các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn, các máy bay hiệu suất cao, hệ thống phòng không tích hợp, các khả năng về hoạt động thông tin và các đơn vị tấn công trên không, đổ bộ.
Bảo Linh (tổng hợp)