Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã đưa hơn 1.200 binh sĩ của lực lượng đặc biệt tới đồn trú tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng với những vũ khí tiên tiến nhất để kiềm chế sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực.
Đây là tin tức được đăng tải trên trang Mạng Quân sự Sina có trụ sở tại Bắc Kinh.
Bài báo đã đưa ra ý kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong chuyến công du kéo dài 10 ngày tới các nước châu Á - Thái Bình Dương và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á lần thứ 14 tại Singapore (Đối thoại Shangri-La). Trong đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của châu Á - Thái Bình Dương đối với các lợi ích của Mỹ, nhấn mạnh rằng Washington đã được xác định để tạo ra một bầu không khí tin cậy, hỗ trợ việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và đảm bảo sự ổn định, an toàn trong khu vực.
Cuối tháng 4, ngay trước khi bắt đầu chuyến đi này, trong bài phát biểu tại ĐH Stanford, ông Carter cũng nói rằng trong khi Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ thì Lầu Năm Góc cần phải duy trì sự hiện diện của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương "bởi vì đó là một sự đảm bảo cho vai trò duy trì hòa bình tại khu vực của Mỹ trong vòng 70 năm qua".
Chiến lược quân sự quốc gia gần đây nhất của Mỹ được đưa ra hồi tháng 2 rõ ràng cho thấy Mỹ đang, đã và sẽ luôn hiện diện tại Thái Bình Dương. Washington đã duy trì mối quan hệ đa dạng với các nước châu Á khác nhau trong khi tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì mục đích đảm bảo lợi ích an ninh trong khu vực. Thật vậy, Mỹ đã hoạt động rất tích cực trong việc xây dựng mối quan hệ mạnh hơn với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Philippines cũng như thăm dò các đối tác với những quốc gia châu Á như Việt Nam, Indonesia và Malaysia.
Rõ ràng là đối thủ cạnh tranh chính để kiểm soát khu vực với Mỹ là Trung Quốc, mạng Quân sự Sina nói, nhưng Washington vẫn đang theo đuổi mối quan hệ thân thiết hơn với Bắc Kinh bởi đó là lợi ích của cả đôi bên. Theo đó, Washington cần chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết những trở ngại giữa 2 nước thông qua các biện pháp ngoại giao và hòa bình, song cũng cần sẵn sàng cho việc có thể xảy ra một cuộc xung đột bất ngờ.
Đội quân chịu trách nhiệm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ là Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ. Lực lượng này có thẩm quyền tại Alaska, Bắc Cực, Ấn Độ Dương và Đông Nam Á. Tổng cộng, khu ực mà Bộ tư lệnh Thái Bình Dương chịu trách nhiệm lên đến 36 nước - 5 trong số đó có vũ khí hạt nhân - và chiếm hơn 50% dân số cũng như diện tích bề mặt thế giới.
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ được đưa tới Hong Kong vào 22/5 |
Các quân chủng thành phần của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương gồm bộ binh, hải quân, không quân, thủy quân lục chiến và lực lượng đặc biệt. Trong điều khoản quân đội, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương do Sư đoàn Bộ binh 25 tại Hawaii và Alaska dẫn đầu. Cùng với các lực lượng đồn trú tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Alaska, Hawaii, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ kiểm soát hơn 106.000 quân tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng với hơn 300 máy bay và trực thăng cũng như 5 hạm đội hải quân phụ trợ khác.
Trên không, Lực lượng Không quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương có khoảng 29.000 binh sĩ và sĩ quan cùng với hơn 300 máy bay đồn trú tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Alaska và Hawaii. Trên biển, Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ được tiếp sức bởi Hạm đội 3 đóng quân dọc bờ biển từ tây Mỹ tới Đường đổi ngày quốc tế (IDL), Hạm đội 5 từ vịnh Ba Tư tới Tây Ấn Độ Dương và Hạm đội 7 có trụ sở tại Nhật Bản - chịu trách nhiệm khu vực châu Á - Thái Bình Dương và kiểm soát 41 tàu ngầm tấn công, khoảng 200 tàu và hơn 600 máy bay gồm 5 nhóm tàu sân bay tấn công và nhóm chiến đấu đổ bổ. Tổng nhân lực của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ vào khoảng hơn 140.000 người.
Trong khi đó, 2/3 Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ (khoảng 85.000 người) đang đồn trú tại châu Á - Thái Bình Dương gồm Lực lượng Viễn chinh Thủy quân lục chiến I tại California và Lực lượng Viễn chinh Thủy quân lục chiến II tại Nhật Bản. Ngoài ra, còn có hơn 1.200 lực lượng lượng quân đội đặc biệt nằm rải rác trong khu vực, được tiếp cận công nghệ vũ khí mới nhất của Mỹ.
Các số liệu của Hải quân Mxy tiết lộ rằng cho đến nay, có khoảng 360.000 sĩ quan Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Con số này có thể tăng lên khi Lầu Năm Góc có kế hoạch để đồn trú hơn 60% các tàu của Hải quân và Không quân Mỹ tới khu vực vào năm 2020 cùng với hầu hết các loại vũ khí và trang thiết bị quân sự hiện đại gồm vũ khí chống tên lửa trên tàu, các tàu ngầm mới cũng như các máy bay cảnh báo sớm, máy bay giám sát, máy bay trinh sát.
Theo mạng Quân sự Sina, các chuyên gia Mỹ đã xác định được những rủi ro an ninh chính tại châu Á - Thái Bình Dương như mối đe dọa khủng bố tại các nước Đông Nam Á, sự phát triển vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên và tiềm năng hạt nhân của Trung Quốc. Đặc biệt, ảnh hưởng toàn cầu và sức mạnh quân sự của Trung Quốc được đánh dấu như một mối nguy hiểm ngày càng tăng. Trung Quốc có tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5 có khả năng tấn công các mục tiêu từ khoảng cách 13.000 km và tên lửa đạn đạo trên biển có thể mang đầu đạn hạt nhân phá hủy được những mục tiêu trong bán kính 1.700 km.
Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh Mỹ nếu họ tiếp tục nâng cấp khả năng quân sự của mình với tốc độ hiện nay.
Trong khi một số chuyên gia cho rằng Washington đơn thuần muốn Trung Quốc tham gia vào cấu trúc an ninh khu vực hiện có thì mạng Quân sự Sina cho biết không có cách nào khiến Bắc Kinh nghe theo lệnh của Mỹ. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục con đường thực hiện các chiến lược riêng của mình, bao gồm cả việc chống lại sự hiện diện của Mxy tại khu vực và tăng cường quan hệ quân sự với Nga.
Bảo Linh (Theo Wantchinatimes)