Nhà Trắng hôm 24/10 đã lên tiếng giải thích về lý do đưa tàu chiến đến gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi cuối tuần trước.
Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest, việc Mỹ đưa tàu chiến vào Hoàng Sa dịp̣ cuối tuần qua là để "thực thi quyền tự do đi lại".
"Mỹ không phải là một bên tuyên bố chủ quyền đối với các vùng đất, đảo và đá ở Biển Đông. Quan điểm của Mỹ là tranh chấp về các tuyên bố chủ quyền đối với những vùng này không nên được giải quyết thông qua vây ép, sức mạnh quân sự hay đe dọa, mà phải nên thông qua đàm phán", BBC dẫn lời đại diện Nhà Trắng cho biết.
"Việc chúng tôi đưa tàu vào đây không chỉ đại diện cho Mỹ và quân đội Mỹ. Đó là việc chúng tôi làm nhân danh tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Trung Quốc", ông Earnest nói.
Tàu khu trục Mỹ USS Decatur. Ảnh: America's Navy |
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 21/10 xác nhận tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Decatur vừa đến gần hai đảo Tri Tôn và Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép, nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Đây là lần thứ tư Mỹ điều tàu đến Biển Đông để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong năm qua. Trong ba lần trước, các tàu chiến Mỹ đều đi vào khu vực 12 hải lý quanh các hòn đảo và khiến Trung Quốc tức giận.
Trung Quốc ngang nhiên áp đặt chủ quyền với hầu hết Biển Đông bằng yêu sách "đường lưỡi bò", bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế. Trung Quốc có một đường băng và đã lắp đặt các tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm, nơi nước này hiện diện nhiều nhất ở quần đảo Hoàng Sa.
Việt Nam khẳng định có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời kiên quyết phản đối và đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động trái phép tại đây, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.
Xem thêm video:
[mecloud]wXIprQVR66[/mecloud]
Lê Huyền (tổng hợp)