Tin mới

Mỹ - Trung bắt đầu đối thoại thường niên dưới bóng đen ngờ vực lẫn nhau

Thứ ba, 23/06/2015, 14:37 (GMT+7)

Tuần này, hơn 400 quan chức Trung Quốc đã tới Washington để tham gia các cuộc đàm phán kinh tế, an ninh, chính trị kéo dài 3 ngày.

Tuần này, hơn 400 quan chức Trung Quốc đã tới Washington để tham gia các cuộc đàm phán kinh tế, an ninh, chính trị kéo dài 3 ngày.

Các nhà ngoại giao và các quan chức tài chính hàng đầu 2 nước đang tụ họp tại đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ-Trung. Đây được xem là một diễn đàn quan trọng để quản lý mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Cuộc đàm phán đã diễn ra đến nay là 7 lần, phản ánh rõ nỗ lực đào sâu và củng cố mối quan hệ giữa các cường quốc toàn cầu.

Nhưng cuộc đối thoại năm nay lại bị phủ bóng bởi sự mất lòng tin và căng thẳng do sự quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông và mối nghi ngờ Bắc Kinh đứng sau vụ tấn công mạng nhằm vào các máy tính của chính phủ Mỹ để đánh cắp hàng triệu tài liệu cá nhân.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và Phó Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại dẫn đầu các cuộc đàm phán giữa các quan chức quân sự và dân sự vào ngày hôm qua để thảo luận về các vấn đề an ninh.

Vào tối 22/6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew đã dẫn đầu cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương. Các vị này đã có một bữa tối riêng trước khi bước vào thảo luận về các vấn đề kinh tế và chính trị trong 2 ngày sau đó.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho các phóng viên biết cuộc thảo luận ngày hom qua "thẳng thắn và đi vào vấn đề chính", mục đích của các cuộc thảo luận an ninh là "thật sự cố gắng đạt tới những vấn đề có thể gây mất lòng tin chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc".

Cả 2 bên đều nhấn mạnh đến các lĩnh vực hợp tác giữa 2 nước như ngoại giao với Triều Tiên, thỏa thuận hạt nhân với Iran, biến đổi khí hậu, Afghanistan và chiến đấu với dịch Ebola.

"Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là để cho thấy chúng tôi có thể quản lý hiệu quả các lĩnh vực khác nhau và đang thu hẹp sự khác biệt ấy theo thời gian", vị quan chức này nhấn mạnh.

Ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đối với châu Á đã vẽ ra những viễn cảnh cho cuộc đàm phán sắp tới. Ông nói rằng cách tiếp cận trực tiếp là tốt nhất.

"Chúng tôi không nhắm mắt làm ngơ trước các vấn đề. Chúng tôi thảo luận chúng và tìm cách để giải quyết chúng một cách trực tiếp. Chúng tôi cũng không phải lúc nào cũng đồng tình với nhau nhưng sự thật là những thách thức toàn cầu đòi hỏi chúng tôi phải hợp tác với nhau".

Quy mô xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Biển Đông của Trung Quốc đã làm gia tăng mối lo ngại trong khu vực về tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh.

Đối thoại Mỹ - Trung năm nay bị phủ bóng bởi sự nghi ngờ lẫn nhau

Tháng trước, Mỹ đã có một chuyến bay giám sát quân sự hiếm và công khai tại khu vực để làm nổi bật quy mô khổng lồ của các hoạt động này. Trung Quốc gọi các đảo này là lãnh thổ của mình nhưng Mỹ cho biết Trung Quốc đang xây dựng tại vùng biển tranh chấp và đang đe dọa đến tự do hàng hải tại các tuyến đường biển quan trọng của thương mại quốc tế.

Cuối tuần vừa rồi, Trung Quốc tuyên bố tiếp tục và mở rộng việc xây dựng trên những tiền đồn khai hoang tại Biển Đông. Ông Russel đã gọi đây là sự "quấy rối".

"Cả tuyên bố lẫn hành vi đó đề không góp phần làm giảm bớt căng thẳng".

Mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã căng thẳng vì an ninh mạng lại càng trở nên gay cấn hơn trong thời gian gần đây, sau khi Trung Quốc hoãn các cuộc đàm phán để thảo luận về vấn đề từ 1 năm trước, khi Mỹ buộc tội 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc tội tấn công mạng.

Vấn đề trở nên cấp bách khi có khoảng 14 triệu nhân viên liên bang Mỹ từ trước tới nay đã bị trộm thông tin cá nhân. Chính quyền Obama tin rằng chính phủ Trung Quốc, chứ không phải tin tặc, jphair chịu trách nhiệm cho vụ đánh cắp thông tin nhân viên tình báo và quân sự của Mỹ.

Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này và nói rằng mình cũng là nạn nhân của các cuộc tấn công mạng.

Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp Mỹ lo ngại rằng các rào cản pháp lý tại Trung Quốc đang ngày một tăng lên, không hề giảm bớt bất chấp lời hứa để thúc đẩy cải cách kinh tế của ông Tập Cận Bình. Tiến độ hiệp ước đầu tư song phương giữa Mỹ và Trung Quốc từ cách đây 2 năm đang được thực hiện rất chậm. Trung Quốc còn đệ trình một danh sách dài các ngành mà họ muốn loại trừ.

Đặc biệt, Trung Quốc sẽ xem cuộc đối thoại lần này như khúc dạo đầu cho chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Nhà Trắng vào tháng 9 tới kể từ khi ông lên lãnh đạo Trung Quốc vào năm 2013.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng gọi đây là cơ hội để "thúc đẩy sự tiến bộ mới trong việc xây dựng mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới", theo tin tức từ Tân Hoa Xã.

Nhưng đây là một mô hình có những vết nứt. Quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới với hệ thống chính trị và những ưu tiên đa dạ hiếm khi bằng phẳng. Nhưng trong những tháng gần đây, mối quan hệ này càng trở nên lung lay hơn.

Việc Trung Quốc khai hoang hơn 2.000 mẫu đảo tại các đảo và rạn san hô ở Biển Đông kể từ năm ngoái đã làm gia tăng báo động về tham vọng lãnh thổ của Bắc Kinh. Washington đã có bước đi bất thường vào tháng trước khi công khai đưa máy bay giám sát quân sự tới khu vực và cho thấy quy mô xây đảo cực lớn của Trung Quốc.

Trung Quốc nói rằng các đảo này là lãnh thổ có chủ quyền của họ nhưng Washington lập luận rằng việc tiếp tục xây dựng và quân sự hóa các đảo có thể gây bất an cho những tranh chấp lãnh thổ phức tạp với láng giềng của Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói: "Chẳng ai có lợi trong cuộc xung đột tại đây và không có lý do nào để mong có xung đột. Vì thế, đó là lý do tại sao cuộc họp tuần tới lại rất quan trọng".

Bảo Linh (Theo CNN/AP)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: đối thoại