Liệu Hàn Quốc có triển khai THAAD và nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao?
Nhiều câu hỏi liên quan tới việc triển khai Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc vẫn chưa có đáp án. Các cuộc thảo luận về việc triển khai này đã được tiến hành từ đầu tháng 3/2016 nhưng sau hy vọng tìm ra được giải pháp nhanh chóng, vẫn chưa có gì ngã ngũ. Hàn Quốc sẽ làm gì? Cuối cùng thì họ chọn triển khai hay không? Lựa chọn của họ dẫn tới kết quả gì?
Theo Hàn Quốc, vấn đề quan trọng nhất là an ninh. Đến nay, tất cả mọi thứ được công khai đã chỉ ra thực tế rằng Hàn Quốc xem các tên lửa đạn đạo và khả năng hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa an ninh có thật. Nếu không rơi vào hoàn cảnh này, họ sẽ không dại gì phá vỡ mối quan hệ vô cùng tốt đẹp với Trung Quốc - mối quan hệ mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là "tốt nhất trong lịch sử".
Trung Quốc sẽ làm gì nếu Hàn Quốc quyết định triển khai THAAD? Bắc Kinh cực lực phản đối việc triển khai và thậm chí còn chuyển lời thông qua đại sứ tại Hàn Quốc - ông Qiu Guahong - rằng mối quan hệ Trung - Hàn sẽ bị "phá hủy ngay lập tức" và "cần một khoảng thời gian dài để khôi phục" nếu như hệ thống này được triển khai như kế hoạch. Điều cốt lõi khiến Trung Quốc phản đối là họ lo THAAD sẽ được sử dụng để chống lại Bắc Kinh mặc dù Mỹ đã đảm bảo rằng không làm vậy. Thậm chí, phía Mỹ còn đề nghị thảo luận với Trung Quốc để xua tan nỗi sợ này, song đề nghị không được chấp thuận.
Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối. Ảnh: Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ |
Về phần mình, Mỹ đang ở vị thế tốt. Bên cạnh Hàn Quốc, Nhật Bản cũng xem xét việc triển khai THAAD. Câu hỏi dành cho Washington đó là: sẽ có hậu quả gì nếu Hàn Quốc quyết định không cho triển khai THAAD trên đất của họ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter có vẻ tự tin khi hồi tháng 4 ông nói rằng việc này sẽ diễn ra. Về việc bị Trung Quốc phản đối, ông Carter nói rằng Mỹ không chỉ có trách nhiệm bảo vệ quân đội đồn trú tại Hàn Quốc mà còn phải bảo vệ cả nước đồng minh này.
Vậy thì chúng ta có thể mong đợi gì trong tương lai? Trước hết, Hàn Quốc sẽ làm gì? Trong khi chúng ta chỉ có thể suy đoán về quá trình hành động của họ thì chúng ta có thể phân tích tình hình thông qua lý thuyết các mối quan hệ quốc tế.
Lý thuyết thực tế là sự sống còn chính là yếu tố quan trọng nhất để xem các nước hành động thế nào. Với quan điểm này, việc Hàn Quốc triển khai THAAD là hoàn toàn chính đáng. THAAD là một hệ thống phòng thủ nhằm bảo vệ một khu vực khỏi bị tấn công từ trên không. Ở thời điểm hiện tại, tấn công từ trên không là nguy cơ nghiêm trọng được đặt ra do Triều Tiên tiếp tục nghiên cứu và phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa. Trong khi một cuộc tấn công từ Triều Tiên không nhất thiết đe dọa tới sự sống còn của Hàn Quốc thì nó có khả năng gây tổn hại cho kinh tế và đe dọa hòa bình. Chúng ta đã thấy thiệt hại từ một cuộc tấn công trên không vào năm 2010 khi Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong.
Một nguyên lý quan trọng của chủ nghĩa hiện thực nữa là cân bằng quyền lực. Trong khi Mỹ và Hàn Quốc xem THAAD là một cỗ máy bảo đảm hòa bình và giữ cho nền dana chủ Hàn Quốc được hùng mạnh thì Trung Quốc (và cả Nga) lại xem nó như một mối đe dọa cho sự cân bằng quyền lực. Về bản chất, vấn đề đang âm ỉ tại Đông Á mà chúng ta thấy tương tự như vấn đề đang sôi sục tại Đông Âu.
Trong một bài viết đăng trên tờ Foreign Affairs, John Mearsheimer, người theo chủ nghĩa duy thực tuyên bố Mỹ và Nga "đang chơi với những cuốn sách tiêu khiển khác nhau" liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Mỹ đi theo Chính sách tự do dân chủ, truyền bá những tư tưởng phương TÂy và phụ thuộc vào các tổ chức quốc tế. Nga quan tâm nhiều hơn tới sự tồn tại và cân bằng quyền lực.
Vấn đề triển khai THAAD tại Hàn Quốc có thể được xem xét qua những lăng kính tương tự. Hàn Quốc, cùng với Nhật Bản là những pháo đài dân chủ kiểu mẫu tại châu Á; Mỹ quan tâm sâu sắc tới việc đảm bảo cho nền dân chủ tiếp tục tồn tại tại khu vực này.
Với Hàn Quốc, THAAD đúng là sẽ bảo vệ những binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại bán đảo này. Nhưng tại sao họ lại triển khai ở đây đầu tiên? Tại Hàn Quốc, Mỹ đang theo đuổi chính sách tự do dân chủ, lan truyền tư tưởng phương Tây và sự phụ thuộc vào các tổ chức quốc tế. Đầu tiên, quân đội Mỹ đang đảm bảo cho nền dân chủ tại Hàn Quốc, chống lại chủ nghĩa cộng sản ở Triều Tiên. Quân đội cũng ở đây để đảm bảo khi sự thống nhất diễn ra, nó sẽ diễn ra dưới chế độ dân chủ ở miền nam. Về việc dựa vào các tổ chức quốc tế, Liên hợp quốc chính là trung tâm ra các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên cũng như những tác động qua lại với Bình Nhưỡng trong những năm gần đây. Cuối cùng, bạn có thể thấy những tư tưởng và văn hóa phương Tây phát triển rất mạnh tại Hàn Quốc.
Về phần mình, Trung Quốc quan ngại nhất không phải là chủ nghĩa tự do mà là sự cân bằng quyền lực tại khu vực. Bắc Kinh không muốn nhìn thấy sự sụp đổ của Triều Tiên và cũng không muốn sự thống nhất bán đảo này diễn ra dưới nền dân chủ phương Tây. Trung Quốc sử dụng Triều Tiên như một bộ đệm trước phương Tây cũng như cách mà Nga sử dụng Ukraine như bộ đệm trước châu Âu. Những bộ đệm này cũng cần thiết để hạn chế những nhóm quân sự chống đối ngay tại quê nhà. Vì thế, khá công bằng khi nói rằng Mỹ và Trung Quốc đang chơi 2 cuốn sách tiêu khiển khác nhau tại Đông Á.
Phillip Schrank, nghiên cứu sinh tại trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc ĐH Hàn Quốc cho rằng nói Hàn Quốc sẽ triển khai THAAD là chắc chắn. Vậy Trung Quốc sẽ làm gì khi điều đó xảy ra? Nếu hỏi Mearsheimer câu hỏi này, ông sẽ chỉ ra những mối đe dọa an ninh sắp xảy ra tại khu vực Đông Á. Sau khi triển khai THAAD, có khả năng Trung Quốc sẽ phát triển công nghệ để vô hiệu hóa hệ thống này, do đó, nó sẽ dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang. Chúng ta có thể bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới có khả năng biến thành chiến tranh nóng. Ông Mearsheimer không đưa ra dự đoán hòa bình cho khu vực Đông Nam Á. Việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc có thể là chất xúc tác khiến Mỹ và Trung Quốc (và các hiệp hội, Hàn Quốc, Triều Tiên) lâm vào một cuộc xung đột.
Liệu đây có phải là tương lai mà chúng ta hướng tới? Chúng ta sẽ chứng kiến chiến tranh? Tôi nghĩ hầu hết chúng ta không đồng tình với ông Mearsheimer. Viễn cảnh nhìn thấy 4 trong số 7 đội quân hàng đầu đối mặt với nhau thật sự là đáng sợ. Chắc chắn là những cái đầu lạnh sẽ thắng thế. Việc xem xét hệ thống THAAD sẽ không can thiệp tới Trung Quốc, không có đe dọa an ninh, không chạy đua vũ trang. Phillip Schrank nghĩ rằng Trung Quốc đang gạt người khi nói rằng việc triển khai THAAD sẽ làm tan vỡ quan hệ Trung - Hàn. Chắc chắn có động cơ thầm kín cho sự phản đối mạnh mẽ như vậy.
Vậy thì chúng ta bắt đầu từ đâu? Chúng ta phải chờ cho tới sau bầu cử tổng thống Mỹ. Nếu ông Donald Trump lên làm tổng thống thì không thể đoán trước điều gì. Không biết liệu chính phủ của ông có tiếp tục theo đuổi việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc hay không. Nhưng chắc chắn ông sẽ đánh chìm ý tưởng chi tiền cho an ninh Hàn Quốc. Còn nếu bà Hillary Clinton - kiến trúc sư của chiến lược "xoay trục sang châu Á" - lên làm tổng thống, chúng ta hoàn toàn có thể tin là THAAD sẽ được triển khai sang Hàn Quốc. Về phần mình, Trung Quốc sẽ tiếp tục phản đối nhưng cuối cùng họ sẽ không phá vỡ quan hệ với Hàn Quốc. Quan hệ có thể chững lại nhưng họ sẽ tiếp tục là những đối tác kinh tế mạnh mẽ.
Bảo Linh (The Diplomat)