Tin mới

Myanmar biến thành 'vùng chiến sự', tình hình vô cùng căng thẳng

Thứ năm, 04/03/2021, 15:14 (GMT+7)

Ít nhất 38 người đã thiệt mạng sau khi lực lượng an ninh Myanmar nổ súng vào người biểu tình ôn hòa tại các thị trấn, thành phố khắp đất nước. Myanmar giờ được mô tả là "một vùng chiến sự".

Hàng nghìn người Myanmar xuống được biểu tình kể từ sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2. Lực lượng an ninh đã tăng cường phản ứng trong những ngày gần đây, nổ súng bắn đạn thật vào đám đông và sử dụng hơi cay, bom mù và lựu đạn gây choáng vào người biểu tình. Các hình ảnh ghi lại ngày 3/3 cho thấy những nạn nhân nằm trên đường phố trong khi người biểu tình chạy đi tìm chỗ nấp.

LHQ cho biết tổng số người thiệt mạng kể từ sau cuộc đảo chính đã tăng lên 50, mặc dù các nhà hoạt động cho rằng con số thực tế còn cao hơn. "Hôm nay là ngày đẫm máu nhất kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra. Khoảng 1.200 người đã bị bắt giam, nhiều người thân không rõ họ đang bị giam giữ ở đâu", Đặc phái viên Christine Schraner Burgener nói tại cuộc họp báo ngày hôm qua. "Mọi công cụ hiện có là cần thiết để ngăn chặn tình trạng này. Chúng ta cần sự thống nhất của cộng đồng quốc tế, vì vậy, các nước thành viên phải đưa ra biện pháp thích hợp".

Người biểu tình Myanmar chạy trốn khỏi làn hơi cay của lực lượng quân sự. Ảnh: CNN
Người biểu tình Myanmar chạy trốn khỏi làn hơi cay của lực lượng quân sự. Ảnh: CNN

Đài CNN đã liên hệ với chế độ quân sự cầm quyền của Myanmar qua email nhưng chưa được phản hồi.

Trong nhiều tuần qua, những người biểu tình đã yêu cầu trả tự do cho các quan chức được dân bầu ra, trong đó có lãnh đạo nhà nước, bà Aung San Suu Kyi đang bị giam giữ. Đảng Liên đào Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng vang dội trogn cuộc bầu cử hồi tháng 11. Các lãnh đạo quân đội cáo buộc gian lận bầu cử nhưng không đưa ra được bằng chứng nào.

Trong các cuộc thảo luận với quân đội, bà Burgener đã cảnh báo rằng Hội đồng bảo an LHQ và các quốc gia thành viên có khả năng sẽ thực hiện những biện pháp mạnh. "Câu trả lời là: 'Chúng tôi đã quen với các lệnh trừng phạt và chúng tôi đã sống sót sau các lệnh trừng phạt đó trong quá khứ'. Khi tôi cảnh báo họ sẽ bị cô lập, câu trả lời là: 'chúng tôi phải học cách bước đi chỉ với vài người bạn".

Theo nhóm hoạt động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), lực lượng an ninh Myanmar đã bị bắt quả tang đánh nhân viên dịch vụ khẩn cấp. AAPP đã công bố một đoạn video vào ngày hôm qua, tuyên bố sự việc xảy ra tại Bắc Okkalapa, Yangon. "Quân đội đang coi những người biểu tình ôn hòa ở Yangon như một vùng chiến sự. Quân đội đang tạo ra nỗi kinh hoàng", AAPP cho biết.

Một người biểu tình dùng bình xịt cứu hỏa trong khi những người khác dùng đồ gia dụng làm khiên khi tham gia biêu tình. Ảnh: CNN
Một người biểu tình dùng bình xịt cứu hỏa trong khi những người khác dùng đồ gia dụng làm khiên khi tham gia biêu tình. Ảnh: CNN

Các nhà lãnh đạo thế giới đang kêu gọi khôi phục cho chính quyền được dân bầu tại Myanmar. "Việc sử dụng vũ lực chết người chống lại người biểu tình ôn hòa và bắt giữ tùy tiện là không thể chấp nhận được", phát ngôn viên Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tuyên bố hôm 28/2. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế "gửi một tín hiệu rõ ràng tới quân đội rằng họ phải tôn trọng ý chí của người dân Myanmar được thể hiện thông qua cuộc bầu cử".

Tuần trước, bài phát biểu của Đại sứ Myanmar tại LHQ Kyaw Moe Tun đã nhận được những tràng pháo tay hiếm hoi. Ông nói mình đại diện cho chính phủ dân sự của đất nước, kêu gọi cồng đồng quốc tế sử dụng "bất cứ phương tiện cần thiết nào" để giúp chấm dứt cuộc đảo chính. Ngày hôm qua, phó đại sứ U Tin Maung Naing đã từ chức sau khi nhà cầm quyền quân sự chỉ định ông thay thế Kyaw Moe Tun.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án vụ bạo lực, nói rằng Washington đang xem xét các Chính sách để ứng phó với những leo thang gần đây. Giáo hoàng Francis cũng kêu gọi chấm dứt bạo lực: "Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy hành động để khát vọng của người dân Myanmar không bị bạo lực dập tắt. Những người trẻ của mảnh đất thân yêu đó có cơ hội hy vọng vào một tương lai mà hận thù, bất công được thay thế bằng các cuộc gặp gỡ, hòa giải".

(Theo CNN)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: Myanmar biểu tình