Ông Prahlad Jani sống nhờ tập yoga và thiền định đã qua đời ở tuổi 90. Ảnh: Straistime
Prahlad Jani để tóc và dâu dài, mặc áo đỏ, đeo khuyên mũi theo phong cách của các nữ thần Hindu. Ông được dân làng Charada, bang Gujarat, phía tây Ấn Độ ngợi ca khi dành cả đời để tập luyện yoga và thiền định. Dựa trên tuyên bố ngày sinh là tháng 8/1929, ông Jani qua đời khi đã 90 tuổi.
"Ông ấy đã chết vào sáng thứ ba (26/5) tại nơi cư trú do tuổi già", bà Sheetal Chaudhary, một người hàng xóm nói với phóng viên. "Được đưa đến bệnh viện lúc nửa đêm nhưng các bác sĩ tuyên bố ông đã chết".
Thi thể ông Jain được đưa đến Ambaji, một thị trấn nổi tiếng với những ngôi đền và là nơi ông đã xây dựng một ashram (tu viện) nhỏ gọi là Mataji (nữ thần). Bà Chaudhary cho biết: "Thi thể sẽ được để ở ashram trong 2 ngày tới để mọi người tới viếng", sau đó, ông Jani sẽ được hỏa táng vào ngày 28/5.
Người ta truyền rằng ông Jani được một nữ thần ban phước khi còn nhỏ, cho phép ông sống được mà không cần ăn uống. Vì vậy, ông có một nhóm nhỏ những con chiên đi theo bất chấp sự nghi ngờ từ các chuyên gia y tế.
Năm 2003, ông nói với báo chí rằng mình đã nhận được "Tiên đơn cho sự sống từ lỗ trong vòm miệng của mình, cho phép tôi sống mà không cần thức ăn hay nước uống". Không có cách nào xác minh tuyên bố của ông Jani nhưng các bác sĩ nói rằng một người không thể đi lại trong thời gian dài mà không ăn uống và cơ thể, nội tạng vẫn bình thường.
Tuy nhiên, tuyên bố của ông Jani đã thu hút sự chú ý của cộng đồng y tế Ấn Độ. Vào năm 2010, một nhóm các bác sĩ quân y đã nghiên cứu về ông trong 2 tuần tại bệnh viện ở Ahmedabad, thành phố lớn nhất bang Gujarat. Ông được theo dõi với camera và camera giám sát. Các bác sĩ đã quét nội tạng, não và mạch máu của ông, làm xét nghiệm về tim, phổi và khả năng ghi nhớ. Họ nói ông đã không ăn, uống hay đi vệ sinh. Sự tiếp xúc với chất lỏng duy nhất của ông là khi súc miệng và tắm định kỳ.
"Chúng tôi vẫn không biết làm thế nào mà ông ấy sống sót", nhà thần kinh học Sudhir Shah nói với phóng viên khi đó. "Loại hiện tượng này vẫn là một bí ẩn". Kết quả nghiên cứu do Tổ chức Nghiên cứ và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ thực hiện không bao giờ được công bố hay đưa đi kiểm định.