Mức lương trung bình của Việt Nam chỉ bằng một nửa Thái Lan, bằng khoảng 1/20 Singapore. Theo đó, mức lương của người lao động Việt thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo tiền lương toàn cầu 2014-2015 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố cho biết, lương tháng trung bình trong năm 2012 của Việt Nam là 3,8 triệu đồng tương tứng ứng 181 đôla Mỹ. Con số này chỉ cao hơn so với Lào (119), Campuchia (121) và Indonesia (174) và chỉ bằng khoảng một nửa so với Thái Lan, chưa bằng một phần ba của Malaysia và chỉ bằng khoảng 1/20 của Singapore (hơn 3.500 đôla).
Ngành được cho là đạt mức lương cao nhất ở Việt Nam là tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, với mức lương tháng trung bình là 7,23 triệu đồng; ngành chuyên môn, khoa học, công nghệ là 6,53 triệu đồng và ngành kinh doanh bất động sản 6,4 triệu đồng.
Trong khi người lao động Việt Nam được đánh giá cần cù, chịu khó và thông minh hơn nhiều nước trong khu vực. Vậy, tại sao mức lương lại thấp như vậy?
Theo báo An ninh thủ đô, sở dĩ lương trung bình ở Việt Nam được cho là thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực là do cách tính của ILO. Cách tính của họ là lấy tổng sản phẩm nội địa (GDP) chia cho số lượng lao động. Dĩ nhiên với cách tính này, năng suất lao động (NSLĐ) của chúng ta thấp là đương nhiên. GDP của chúng ta vốn đã thấp, dân số lại đông, lượng lao động của chúng ta cũng đông. GDP theo đầu người còn thấp, theo đầu lao động cũng thấp theo. Nhưng nếu xét NSLĐ như định nghĩa của nó là tính hiệu quả được đo bằng việc so sánh giữa khối lượng sản xuất trong thời gian nhất định thì NSLĐ của chúng ta không kém ai.
Chất lượng lao động của Việt Nam cũng không thua kém lao động các nước khác. Tại các nhà máy do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư như Intel, Samsung, Toyota... lao động Việt Nam hoàn toàn làm chủ được các công nghệ, kỹ thuật hiện đại, đạt năng suất kỹ thuật không thua kém lao động ở các nước khác, trong khi chi phí lao động chỉ bằng 10% hoặc 5% ở các nước công nghiệp.
Trong lĩnh vực nông nghiệp nông dân nước ta cần cù, sáng tạo, làm chủ quy trình sản xuất mới và áp dụng nhiều giống tốt, nhờ đó nền nông nghiệp nước ta tự hào có 12 loại cây trồng, vật nuôi có năng suất sinh học thuộc vào loại cao nhất thế giới là: Gạo, hạt điều, tiêu, cà phê, nho, dừa, cao su, chè, đay, thuốc lá, cá tra và bò sữa. Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 1990 mới là 1,1 tỷ USD, đến năm 2013 là 19,8 tỷ USD.
Mới đây, Công ty Samsung đã quyết định đóng cửa trung tâm nghiên cứu phát triển của mình tại Singapore và thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển ở Việt Nam với khoảng 3.000 người nghiên cứu vì các kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của Samsung và chi phí lao động thấp hơn nhiều so với Singapore.
Năm 2013, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Bắc Ninh đã xuất khẩu khoảng 130 triệu chiếc điện thoại di động và các thiết bị khác với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 23,9 tỷ USD đóng góp hơn 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, hiện đang sử dụng 45 nghìn lao động, trong đó chỉ có khoảng 70 người Hàn Quốc.
Tuy lao động ở nước ta rất chịu khó nhưng sản phẩm lao động tạo ra đáng tiền. Khả năng tự tích lũy để tái đầu tư thấp dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia đầy đủ vào tất cả các khâu của chuỗi sản xuất hàng hóa, do đó giá trị gia tăng tạo ra chưa cao.
Chia sẻ về mức lương này trênVnMedia, ông Kenichi Ohono, chuyên gia tư vấn của Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản cho rằng, hiện, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn chậm. Cùng với đó, năng suất lao động giữ ở mức thấp, thậm chí là kém và chuyển dịch cơ cấu chỉ mang tính hình thức.
Theo ông Kenichi, các chính sách dành cho FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như khu công nghiệp chưa thực sự quan tâm nhiều. Trong đó, liên kết và thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu như chưa có gì. Nhiều khu công nghiệp cấp trung ương, cấp tỉnh, tư nhân nhưng nhiều trong số đó chỉ mới là dự định.
Với các quốc gia đang phát triển hiện nay, chất lượng chính sách là nhân tố chủ chốt giúp các nước này vượt qua bẫy thu nhập trung bình, chứ không phải tài nguyên, lợi thế địa lý, FDI hay ODA.
“Chính sách quan trọng nhất là nâng cao năng lực của con người và doanh nghiệp. Các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng, môi trường kinh doanh, khung pháp lý, dòng vốn, ODA, cũng quan trọng nhưng không quan trọng như yếu tố con người và doanh nghiệp”, ông Kenichi Ohono khẳng định.
Ông Kenichi Ohono cũng chỉ ra rằng, các quốc gia đang phát triển khác cần học hỏi kinh nghiệm về chính sách. Thông qua học tập kinh nghiệm, các quốc gia có thể tự xây dựng gói chính sách phù hợp nhất với bối cảnh và điều kiện của quốc gia mình.
Phan Thủy (tổng hợp)