Các bác sĩ đã cảnh báo về những nguy hiểm của tai nghe earbuds (loại tai nghe chỉ được gài vào phần ngoài của tai, bám vào phía trong của vành tai).
Josh Musto đã sớm có dấu hiệu mất thính giác, bắt đầu từ một buổi hòa nhạc Heavy metal (một thể loại nhạc rock, đặc trưng bởi tiếng ghi-ta rè lớn, nhịp điệu mạnh, âm bass và trống đặc, cùng với giọng ca khỏe) và sau đó trở nên nghiêm trọng hơn sau nhiều năm chơi ghi-ta trong 2 ban nhạc. Nghe nhạc to và liên tục bằng tai nghe earbuds có thể là nguyên nhân Josh Musto bị mất thính giác.
Musto không phải là người duy nhất. Các bác sĩ cảnh báo rằng sự tác động liên tục của âm thanh lớn, đặc biệt là qua tai nghe earbuds sẽ phá hủy từ từ khả năng nghe, mặc dù chúng ta có thể không nhận thấy điều này trong nhiều năm.
Hiểm họa khôn lường từ việc đeo tai nghe thường xuyên |
Đầu năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo rằng 1,1 tỷ người trẻ tuổi có nguy cơ mất thính giác vì ảnh hưởng từ các thiết bị âm thanh cá nhân như điện thoại, máy nghe nhạc hay những dàn loa công suất cao. Tại những nơi này, cường độ âm thanh có thể lên tới 120dB trong nhiều giờ.
Tình trạng mất thính giác ở thanh thiếu niên ngày nay cao hơn khoảng 30% so với những năm 1980 và 1990, Tiến sĩ Cherukuri ước tính.
Theo Viện Y tế quốc gia, nghe âm thanh trên 85 dB lặp đi lặp lại có thể gây ra mất thính giác. Tổn thương vĩnh viễn có thể xảy ra trong vài phút và không có khả năng phục hồi. “Sự ảnh hưởng của tiếng ồn đến trẻ em là một vấn đề đang ngày càng được quan tâm,” Nicole Raia, một chuyên gia thính học lâm sàng Bệnh viện Đại học ở Newark, New Jersey cho biết.
Một nghiên cứu được công bố năm 2014 cho thấy các khớp thần kinh dễ tổn thương hơn nhiều so với các tế bào ở bên trong tai. Khi những động vật nhỏ tiếp xúc với âm thanh lớn thậm chí dù chỉ 1 lần, chúng cũng bị tăng khả năng mất thính giác sau này..
Các chuyên gia nói rằng cách tốt nhất để những người trẻ bảo vệ tai là áp dụng quy tắc “60/60”: giữ âm lượng của MP3 player dưới 60% và chỉ nghe tối đa 60 phút mỗi ngày.
Josh Musto đã sớm có dấu hiệu mất thính giác. |
Khi sử dụng tai nghe ở những nơi ồn ào như trên xe buýt hay tàu điện ngầm, xu hướng chung là sẽ vặn to âm lượng lên, để át đi những tiếng ồn xung quanh. Đó cũng là một trong những sai lầm thường mắc phải của giới trẻ hiện nay.
Để bảo vệ con bạn, hãy sử dụng ứng dụng kiểm soát của Apple để cài đặt mức độ âm thanh thấp hơn trên iPhones và iPods. Với những trẻ nhỏ hơn, hãy mua cho chúng thiết bị bảo vệ tai khi đến những sự kiện thể thao lớn, các buổi hòa nhạc hay đi tàu điện ngầm.
Đối với Musto, anh nói rằng anh “đã thông minh hơn rất nhiều.”, sau khi đến gặp bác sĩ, anh ấy chỉ còn sử dụng tai nghe bên ngoài và bảo vệ tai của mình khỏi những tiếng ồn lớn bằng cái nút tai tùy chỉnh. Anh ấy đã không còn sử dụng tai nghe earbuds một thời gian dài.
Hiện tại, anh ấy vẫn tiếp tục chơi trong 2 ban nhạc và đang thực tập tại đài Sirius XM, làm các cuộc phỏng vấn và thỉnh thoảng chơi DJ.
Quốc Việt (Theo nbcnews.com)