Tin mới

Nguy cơ virus cổ đại 'thức giấc' do băng vĩnh cửu tan chảy

Thứ ba, 14/12/2021, 20:00 (GMT+7)

Chính phủ Nga mới đây đã cảnh báo rằng lớp băng vĩnh cửu đang tan chảy ở vùng bắc cực của nước này có thể giải phóng những virus cổ xưa và cực nguy hiểm.

Nikolay Korchunov, một nhà ngoại giao  cấp cao của Nga, Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực mới đây cho biết hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể khiến những vi khuẩn mắc kẹt trong lớp băng giá hàng nghìn năm "thức giấc" khi băng tan. Hiện Hội đồng đã thành lập một dự án "an toàn sinh học" để nghiên cứu những rủi ro và tác động có thể xảy ra nếu mầm bệnh tái xuất. Theo ông Korchunov, những mầm bệnh này đã kẹt trong đó ít nhất từ kỷ băng hà cuối cùng.

Ông Nikolay Korchunov phát biểu trên truyền hình, nói về nguy cơ virus cổ đại 'thức giấc'.
Ông Nikolay Korchunov phát biểu trên truyền hình, nói về nguy cơ virus cổ đại "thức giấc".

Phát biểu trên kênh truyền hình Zvezda, ông Korchunov cho biết dự án này có nhiệm vụ đánh giá những "rủi ro và nguy cơ" liên quan đến "sự xuống cấp của lớp băng vĩnh cửu" và "các bệnh truyền nhiễm trong tương lai".

Khoảng 65% lãnh thổ Nga được xếp vào loại băng vĩnh cửu và mặt đất vẫn bị đóng băng vĩnh viễn ngay cả trong những tháng hè. Tuy nhiên, khi nhiệt độ tăng do hiện tượng nóng lên toàn cầu, mặt đất đang dần tan băng. Điều này sẽ giải phóng những động vật, đồ vật đã bị đóng băng hàng nghìn năm.

Một loại virus được tìm thấy trong lớp băng vĩnh cửu. Ảnh: CNRS-AMU
Một loại virus được tìm thấy trong lớp băng vĩnh cửu. Ảnh: CNRS-AMU

Những năm gần đây, người ta còn tìm thấy cả phần còn lại của tê giác lông cừu đã tuyệt chủng khoảng 14.000 năm trước và đầu một con sói 40.000 năm tuổi được bảo quản hoàn hảo trong băng. Thậm chí, những người thợ săn còn đi tìm kiếm hài cốt của những con voi ma mút đã tuyệt chủng khoảng 10.000 năm trước để lấy ngà đem bán.

Nhưng, việc phát hiện ra những mẫu vật được bảo quản tốt như vậy cũng dấy lên nỗi sợ rằng những căn bệnh mà các con vật này mang theo không bị đông lạnh. Và khác với vật chủ, virus có thể sống sót sau khi được rã đông.

Phần còn lại của một con tê giác lông, đã tuyệt chủng khoảng 14.000 năm trước, được đào ra khỏi lớp băng vĩnh cửu vào tháng 7/2021. Ảnh: Reuters
Phần còn lại của một con tê giác lông, đã tuyệt chủng khoảng 14.000 năm trước, được đào ra khỏi lớp băng vĩnh cửu vào tháng 7/2021. Ảnh: Reuters

Năm ngoái, ông Jean Michel Claverie, một nhà virus học tại ĐH Aix-Marseille đã cảnh báo về bằng chứng "cực kỳ tốt" cho thấy "bạn có thể hồi sinh vi khuẩn từ lớp băng vĩnh cửu sâu. Thậm chí, ông Claverie còn tự mình phát hiện ra một loại virus như vậy, có tên pithovirus. Nó được lấy ra sau khi rã đông khỏi lớp băng vĩnh cửu và bắt đầu tấn công, giết chết amip. Dù pithovirus bị đông lạnh khoảng 30.000 năm trước và vô hại với người nhưng nó là minh chứng cho thấy virus bị đông lạnh lâu vẫn có thể "thức dậy" và bắt đầu lây nhiễm trở lại vật  chủ.

Bên cạnh nỗi lo phát tán các căn bệnh cổ xưa, các nhà khoa học còn cảnh báo sự tan băng vĩnh cửu sẽ gây ra mối đe dọa lớn hơn khi giải phóng khí carbon dioxide và methane do các chất hữu cơ bị mắc kẹt trong băng tan bắt đầu thối rữa. Cả hai loại khí đều góp phần vào sự nóng lên toàn cầu, từ đó sẽ đẩy nhanh quá trình tan chảy.

(Theo Dailymail)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news