Ngày 17/3, Iran thông báo đã xác nhận thêm 135 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại nước này lên 988 ca. Theo người phát ngôn của Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour, báo cáo từ hơn 56 phòng thí nghiệm xác nhận đã có thêm 1.178 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 16.169 ca.
Người dân đổ ra đường đông như trẩy hội bất chấp dịch Covid-19 tại Iran. Ảnh: AP
Nhiều chuyên gia cho rằng, Covid-19 đã âm thầm lây lan tại Iran từ đầu tháng 2 và bùng phát mạnh mẽ khi người dân nước này đổ ra đường để kỷ niệm 41 năm ngày Cách mạng Hồi giáo thành công.
Ngay sau đó, Iran tổ chức bầu cử quốc hội và hàng triệu người đã đi bỏ phiếu, bất chấp một số ca nhiễm Covid-19 được phát hiện từ trước.
Mặc dù có hệ thống y tế được đánh giá là tốt nhất khu vực, các bệnh viện Iran cũng không chịu nổi áp lực do số người cần điều trị Covid-19 quá đông. Iran đang cần sự hỗ trợ của nước ngoài để chống dịch hơn bao giờ hết.
Sau khi một số ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện hôm 19/2, Iran vẫn tổ chức cho người dân đi bầu cử quốc hội, mặc dù số người đi bỏ phiếu bắt đầu từ hôm 21/2 là thấp nhất trong lịch sử nước này kể từ sau Cách mạng Hồi giáo.
Qom là thành phố tổ chức nhiều lễ cầu nguyện của người theo đạo Hồi nhất Iran. Đám đông cầu nguyện ở Qom gần như 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần.
Một số người còn chạm tay và hôn lên vách những đền thờ bất chấp nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Những người này sau đó đã bị cảnh sát Iran bắt giữ.
Sau khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, mặc dù chính quyền đã yêu cầu dừng hoạt động nhưng một số đến thờ tại Qom vẫn mở cửa. Ông Mohammad Saidi, giáo sĩ quản lý một đền thờ tại địa phương thậm chí còn cho rằng, việc đóng cửa các đền thờ là âm mưu chống lại người Hồi giáo của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn đến sự bùng phát của Covid-19 tại Iran đó là thiếu hụt vật tư y tế. Nước này đang cố gắng nhập thêm 172 triệu khẩu trang y tế từ nước khi sản xuất trong nước không đáp ứng kịp nhu cầu của người dân.
Mặc dù là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh nhưng cho đến nay, Iran vẫn đang trong quá trình chế tạo bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19. Gần như toàn bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 tại Iran đều do nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu đến từ Trung Quốc.
Chính quyền Iran cho rằng, sự thiếu hụt vật tư y tế tại nước này đến từ những lệnh trừng phạt và cấm vận từ phương Tây. Iran cũng kiên quyết từ chối đề nghị hỗ trợ của Mỹ giúp chống dịch Covid-19.
Truyền hình nhà nước Iran hôm 17/3 cảnh báo dịch bệnh Covid-19 có thể giết chết hàng triệu người ở nước này nếu công chúng tiếp tục đi lại và phớt lờ hướng dẫn y tế.
Theo bác sĩ Afruz Eslami, một nghiên cứu của Trường ĐH Công nghệ Sharif danh tiếng của Iran, đưa ra 3 kịch bản.
Thứ nhất, nếu người dân bắt đầu hợp tác với chính quyền ngay bây giờ, Iran sẽ ghi nhận khoảng 120.000 ca nhiễm và 12.000 ca tử vong trước khi dịch bệnh bùng phát.
Thứ hai, nếu họ hợp tác ở mức vừa phải, Iran sẽ có 300.000 ca nhiễm và 110.000 ca tử vong.
Trường hợp xấu nhất, nếu người dân không tuân theo bất kỳ hướng dẫn về sức khoẻ nào, Covid-19 có thể đánh sập hệ thống y tế vốn đang bị quá tải của Iran. Lúc đó, sẽ có khoảng 4 triệu ca nhiễm và 3,5 triệu ca tử vong.