Tin mới

Nhà báo Anh Ngọc: "Đừng nuông chiều Công Phượng"

Thứ tư, 19/11/2014, 17:28 (GMT+7)

Xung quanh nghi án tuổi thật của Công Phượng đang gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, Nhà báo Anh Ngọc - BLV, nhà báo Thông tấn xã Việt Nam đưa ra quan điểm: "Nếu không có đủ bản lĩnh để vượt qua những rắc rối đang mắc phải, cậu ấy sẽ không thể lớn được nữa. Chẳng có cách bảo vệ nào tốt hơn cho cậu ấy bằng cách có những cái nhìn khách quan và tỉnh táo về cậu ấy, đừng nuông chiều Phượng và bản thân Phượng cũng phải biết cách tự vệ. Tự vệ bằng cách thi đấu tốt trên sân cỏ. Đó là cách tốt nhất."> Phòng Tư pháp Đô Lương xác nhận Công Phượng sinh năm 1995> Nghi án tuổi thật của Công Phượng: Làm đúng nhưng đừng làm quá 

 

 

Xung quanh nghi án tuổi thật của Công Phượng đang gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, Nhà báo Anh Ngọc - BLV, nhà báo Thông tấn xã Việt Nam đưa ra quan điểm: "Phượng đã đủ tuổi công dân, đã là một người đủ năng lực hành vi và chưa thể coi là một cầu thủ ở dạng "quý hiếm" để cần được bảo vệ. Tài năng bóng đá thì đúng, cái đó ai cũng công nhận. Nhưng con đường phía trước của cậu ấy còn dài. Nếu không có đủ bản lĩnh để vượt qua những rắc rối đang mắc phải, cậu ấy sẽ không thể lớn được nữa. Chẳng có cách bảo vệ nào tốt hơn cho cậu ấy bằng cách có những cái nhìn khách quan và tỉnh táo về cậu ấy, đừng nuông chiều Phượng và bản thân Phượng cũng phải biết cách tự vệ. Tự vệ bằng cách thi đấu tốt trên sân cỏ. Đó là cách tốt nhất."

Nhà báo Anh Ngọc cho biết quan điểm của mình về vụ Công Phượng.

Bà Nguyễn Thị Hoa - mẹ Công Phượng, một mực khẳng định con mình sinh năm 1995. "Không có chuyện con tôi sinh 1993. Người ta đố kỵ nên đặt điều đó thôi". Cùng với đó, ông Nguyễn Văn Bảy - bố Công Phượng, cũng khẳng định con mình sinh tháng 1-1995, năm nay 19 tuổi chứ không phải 21 tuổi "như người ta đặt điều".

Tuy nhiên, những chứng cứ nêu trên đều được ekip của Chuyển động 24h đặt dấu hỏi về “tính hợp lệ”. Cụ thể, ekip đặt ra nghi vấn về tờ giấy khai sinh của Công Phượng được gia đình đưa ra không hề được đánh số và đánh quyển. Như vậy nó không có giá trị về pháp lý.

Thứ hai, về bản học bạ tiểu học được gia đình đưa ra. Trả lời PV Chuyển động 24h, đại diện trường tiểu học Mỹ Sơn (Đô Lương, Nghệ An) cho biết, toàn bộ hồ sơ về quá trình học tập của Công Phượng ở trường này đã... bị mất.

Trước những nghi vấn về việc những chứng cứ của người thân đưa ra về tuổi thật của Công Phượng là không hợp lệ, chuyển động 24h đặt ra câu hỏi có hay không việc những giấy tờ về năm sinh của Công Phượng đã bị sửa đổi.

Về vấn đề này trong buổi giao lưu trực tuyến với báo Trí thức trẻ, nhà báo Anh Ngọc - BLV, Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam đã đưa ra những quan điểm của mình.

Độc giả Nguyễn Trung Kiên - Đắc Lắc: “Báo chí có nên tiếp tục tranh luận về độ tuổi của Công Phượng không? Dư chấn của cuộc tranh luận sẽ ảnh hưởng thế nào tới tâm lý của cầu thủ trẻ người Nghệ An?

BLV Anh Ngọc: Tôi nghĩ, trên báo chí cũng như trên các mạng xã hội, đã hình thành hai chiến tuyến, phe bảo vệ Công Phượng và phe đưa bằng chứng. Cuộc tranh luận này còn kéo dài đến đâu thì còn phụ thuộc vào việc người ta có tiếp tục đưa ra những lí lẽ, lập luận, đổ lỗi, chỉ trích nhau nữa hay không. Nhưng tôi thấy, loanh quanh mãi cũng chỉ xung quanh chuyện chứng minh ở mấy tờ giấy chứng minh về tuổi và sự "sai sót" ở đó có hay không.

Vấn đề duy nhất mang tính đạo đức mà chẳng ai đặt ra, là đằng sau cái tờ giấy ấy là sinh mệnh và số phận của những con người. Những tờ giấy có thể sửa được một cách vô tình hay cố ý, những số phận cũng có thể thay đổi vì nó, nghe thật đơn giản nhưng chua xót. Đó không phải là chuyện đơn giản, mà là chuyện những số phận con người. Nghe các quan chức địa phương của Phượng nói về những hồ sơ bị mất thấy đơn giản quá.

Trong đó là số phận của biết bao con người chứ không chỉ một mình Phượng. Chuyện mất hồ sơ, chuyện làm lại hồ sơ nghe cứ như một chuyện đương nhiên nào đó, trong khi điều ấy phơi bày những thiếu sót nghiêm trọng của công tác hộ tịch và nhân thân. Có thể đưa ra lí giải nào cho việc hàng nghìn hồ sơ bị mất, những sổ học bạ với nét mực giống nhau, những nét gạch, xóa... liên quan đến hàng bao con người? Đây mới chỉ là quê Phượng, còn những quê khác thì sao? Hình như chúng ta đã coi đó là chuyện bình thường. Khi những điều bất thường được chấp nhận là bình thường, tôi tin, đã có điều gì không ổn xảy.

Trở lại chuyện tranh luận, tôi tin rằng, ở Việt Nam mình, khi cái tình đôi khi còn được trọng hơn cái lí, sẽ hòa cả làng thôi. Câu chuyện sẽ chìm xuống và đi vào quên lãng. Đội tuyển Việt Nam sắp đá AFF Suzuki Cup rồi. Nếu có chuyện xảy ra với Phượng, người ta sẽ có cớ để mà đổ lỗi.

Nếu Công Phượng sa sút và thất bại, họ sẽ bảo, đó là lỗi của truyền thông. Nếu Công Phượng thành công, tên tuổi của cậu sẽ còn được tung hô nữa, không chỉ vì khía cạnh tài năng bẩm sinh, mà còn trên khía cạnh bản lĩnh nữa. Tôi không thể trả lời thay cho Công Phượng câu hỏi, rằng dư chấn của tranh luận sẽ ảnh hưởng ra sao đến tâm lí của cậu. Dù cậu 19 hay 21 tuổi, thì cậu cũng là một người đã đủ tuổi công dân. Cậu không phải một đứa trẻ và chỉ trông cậy vào công chúng để thể hiện tài năng của mình. Tôi thấy công chúng có vẻ chiều Phượng quá.

Theo nhà báo Anh Ngọc, sau sự việc này giá trị của Công Phượng sẽ thay đổi như thế nào và liệu có ảnh hưởng gì tới tương lai chơi bóng của cầu thủ này? Nguyễn Đức - Trần Phú, Hoàng Mai hỏi.

Nhà báo Anh Ngọc: Tôi chưa biết định giá của cầu thủ này là bao nhiêu và đã có ai đánh giá giá trị trên thị trường của Phượng chưa, nhưng nếu thực sự Phượng "có vấn đề" về tuổi, và những tranh cãi kéo dài, thì việc Phượng có muốn thi đấu ở nước ngoài, trong trường hợp có đội bóng nào đó quan tâm, cũng sẽ khó khăn hơn. Các CLB nước ngoài, nhất là Châu Âu, rất ngại các cầu thủ có giấy tờ thiếu minh bạch, hoặc giấy tờ đó đã vướng vào những tranh cãi nào đó. Tôi cho rằng, việc đang xảy ra có thể cản trở Phượng thi đấu ở nước ngoài, nếu Phượng có giá trị.

Công Phượng đứng trước nghi án tuổi thật, tuổi giả.

Phượng đã đủ tuổi công dân, đã là một người đủ năng lực hành vi và chưa thể coi là một cầu thủ ở dạng "quý hiếm" để cần được bảo vệ. Tài năng bóng đá thì đúng, cái đó ai cũng công nhận. Nhưng con đường phía trước của cậu ấy còn dài. Nếu không có đủ bản lĩnh để vượt qua những rắc rối đang mắc phải,cậu ấy sẽ không thể lớn được nữa. Chẳng có cách bảo vệ nào tốt hơn cho cậu ấy bằng cách có những cái nhìn khách quan và tỉnh táo về cậu ấy, đừng nuông chiều Phượng và bản thân Phượng cũng phải biết cách tự vệ. Tự vệ bằng cách thi đấu tốt trên sân cỏ. Đó là cách tốt nhất.

Có phải dư luận trong nước đang quá dễ dãi với các tài năng trẻ và đang đặt tình cảm trên lý trí? Là một người sống ở nước ngoài nhiều năm, đã bao giờ anh chứng kiến 1 sự việc nào tương tự như thế này ở nước bạn chưa? và phản ứng của người dân ra sao? Độc giả Trần Trung Dũng – Quỳnh Hưng, Thái Bình.

Nhà báo Anh Ngọc: Tôi nghĩ công chúng đã đi quá xa trong việc phản ứng. Là một người làm truyền thông và nghiên cứu truyền thông mạng, tôi nhìn sự kiện này ở một góc độ khác. Phượng và đội U19 của cậu giống như những người xuất hiện đúng lúc người hâm mộ đang thiếu thần tượng mới, đang tìm kiếm những gì trong sạch trong một nền bóng đá không còn làm cho họ yêu thích nữa.

Cậu được tung hô như một người hùng, được ca ngợi, được ngưỡng mộ sau những gì cậu và các đồng đội đã làm được trong các trận đấu ở lứa trẻ (chứ không phải ĐTVN). Thế rồi, khi người ta đang sung sướng với một người hùng đưa họ đến những giấc mơ vốn trước nay quá ít ỏi, thì họ bỗng nhiên bị kéo tụt xuống đất bằng một cuộc điều tra vào những nghi vấn liên quan đến giấy tờ của thần tượng-người cứu rỗi. Người ta hoảng hốt trước nguy cơ đổ vỡ thần tượng, và họ phản ứng rất bản năng: hãy làm mọi cách để bảo vệ cậu ấy.

Chĩa mũi dùi vào cơ quan tung ra bằng chứng là chuyện dễ hiểu, xét về mặt tình cảm. Nhưng xét về mặt lí trí, tôi tin là họ đã quá đà và những cách thể hiện sau đây bộc lộ điều quá đà ấy: 1) Phượng là 1 tài năng. Phải bảo vệ cậu ấy bằng mọi giá trước những âm mưu hãm hại cậu, bất chấp cậu có đúng hay sai, 2) Nếu chuyện sai tuổi là đúng, thì đó là lỗi của người lớn, không phải lỗi cậu ấy (trong khi trên thực tế, bản thân cầu thủ bị tố gian tuổi cũng là người được hưởng lợi từ sự gian lận ấy-nếu thực sự có gian lận), 3) Cách làm của cơ quan tung ra bằng chứng là lá cải, là hình sự hóa, là kết luận thay tòa án, thay công an, là sai, 4) 19 hay 21 tuổi không quan trọng, miễn là đem đến niềm vui cho người hâm mộ, miễn là cống hiến cho đất nước, 5) VTV giết chết tài năng, trong trường hợp Phượng bị phạt, nếu việc gian lận tuổi được chứng minh. Những lời "tố cáo" vẫn còn rất dài.

Điều duy nhất người ta cần quan tâm, là tại sao các giấy tờ của Phượng có nhiều chi tiết có vấn đề như thế, tại sao phải như thế và những ai đã thực hiện những giấy tờ đó, những chi tiết đó, để đạt mục đích gì? Nói rộng ra hơn nữa, ở đây, cũng nên nhắc lại rằng, chuyện gian lận tuổi trong bóng đá trẻ Việt Nam là một căn bệnh trầm kha và xảy ra ở rất nhiều các địa phương trong nước, vì thành tích của địa phương đó.

Số phận của bao con người đá bóng nằm trong những giấy tờ đó. Người ta không thể dùng sự gian dối để khẳng định là mình đang hướng đến những mục đích cao đẹp. Không thể nói rằng, tại sao công an bắt tôi đi ngược chiều, mà không bắt những người khác cũng đi ngược chiều. Không thể dúi vào tay nhân viên công quyền chút tiền để được thoát, rồi sau đó quay đi và chửi xã hội này toàn thằng ăn chặn, ăn cắp được.

Hoàn toàn trung lập và không bênh ai trong chuyện này, tôi tin rằng, trong một xã hội mà các giá trị thật giả lẫn lộn, nếu người ta đã nghi ngờ ai đó tìm cách giết chết tài năng, thì cũng sẽ có người nghi ngờ rằng, đã có ai đó muốn gian lận tuổi của Phượng để phục vụ mục đích của họ.

Ở Ý, tôi chưa chứng kiến những chuyện liên quan đến tuổi của một cầu thủ nào đó. Họ cũng quan liêu giấy tờ lắm, nhưng không có chuyện xảy ra như với Phượng. Còn chuyện dư luận nổi giận và đứng về phía cầu thủ nào đó, thì đấy là khi họ gây áp lực để buộc các HLV Zoff và Trapattoni phải đưa Roberto Baggio vào đội tuyển Ý. Chuyện xảy ra cách đây cả chục năm rồi.

Có ý kiến cho rằng phóng sự của VTV nhằm để tăng rating. Ông nghĩ sao về ý kiến này? Tuấn Nam - Ba Đình, Hà Nội

Nhà báo Anh Ngọc: Cách làm của VTV trong sự kiện này có vẻ là quá mới đối với nhiều người. Tôi không bàn đến cách mà họ đã làm như thế nào về mặt chuyên môn, mà tôi chỉ nói rằng, việc tạo rating cũng là một chuyện bình thường đối với truyền hình hiện đại. Khán giả đã quen với những khung giờ vàng, quen với các chương trình vào giờ đẹp thì cũng sẽ phải quen với việc rating quyết định các khung giờ của truyền hình. Chuyện này rất quen thuộc với truyền hình nước ngoài, và những ngôi sao hay "chuyện hot" sẽ có tác dụng trong việc tăng hay giảm rating của chương trình ấy.

Người ta sẵn sàng cắt bỏ một serie phim dựng rất công phu, hoặc một chương trình lớn, một khi rating thể hiện số lượng người xem quá thấp. Nếu VTV dùng những lùm xùm quanh giấy tờ của Công Phượng để tăng rating thì cũng là chuyện bình thường, chẳng khác gì chuyện Beckham sang Việt Nam để quảng cáo rượu, hay các siêu mẫu xuất hiện trong các quảng cáo đồ lót cả. Chúng ta phải quen với điều này thôi.

Ở các nước tiến bộ, như Italia, người ta làm như thế nào để chống gian lận tuổi? Bên đó, họ có cương quyết với việc chống gian lận tuổi không? ý thức của con người bên đó về việc gian lận tuổi như thế nào? Phan Mỹ Dung – Bắc Ninh.

Nhà báo Anh Ngọc: Các nước tiên tiến không chỉ dựa vào giấy tờ để chống gian lận tuổi. Họ đo tuổi của xương. Chuyện gian lận tuổi chủ yếu xảy ra ở nền bóng đá của các nước thứ ba, nhất là ở cấp độ đội trẻ. Ở Việt Nam cũng thế thôi. Chẳng ai gian lận tuổi khi đã ở ngưỡng hết sự nghiệp cầu thủ, mà thường là khi những cầu thủ này còn rất trẻ.

Các ông cò cầu thủ và gia đình hoàn toàn có thể thống nhất chuyện mua chuộc các nhà chức trách địa phương để làm giả hoặc sửa đổi nhân thân cho những cầu thủ trẻ, sau đó tìm cách bán họ sang Châu Âu.

Ở Italia, người ta đã từng điều tra ra cầu thủ Eriberto của đội Chievo gian lận 4 tuổi (khai sinh năm 1979, trên thực tế, tên thật là Luciano, sinh năm 1975). Anh này sau đó bị phạt 160 nghìn euro và treo giò 6 tháng. Gian dối thể thao là một lỗi nặng và sẽ bị phạt nặng. Các LĐBĐ thường kiểm tra rất kĩ hồ sơ của các cầu thủ trước khi cho phép họ được CLB mua về đăng kí thi đấu.

Sự việc lần này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp đang lên của Công Phượng? Liệu có vì scandal này mà Việt Nam mất đi 1 tài năng? Lý Quốc Huy – Cần Thơ.

Nhà báo Anh Ngọc: Phượng là một người đã đủ tuổi công dân và có năng lực hành vi. Dù 19 hay 21 tuổi thì cậu ấy cũng không phải là trẻ con nữa. Cậu ấy phải có trách nhiệm với mình và với người hâm mộ. Tôi có cảm tưởng chúng ta cưng chiều cậu ấy quá. Nếu đủ bản lĩnh và biết coi sự cố này như là một động lực để thể hiện mình, Phượng sẽ vượt qua tất cả.

Còn liệu Việt Nam có mất đi tài năng hay không thì là một câu hỏi mà cũng chỉ Phượng mới có thể trả lời rõ được. Trong quá khứ, Việt Nam đã mất nhiều cầu thủ tài năng vì những thói hư tật xấu, vì những tệ nạn xã hội, mà chính những cầu thủ ấy cũng từng được người hâm mộ quá nuông chiều. Các bạn có thể bảo vệ Phượng, nhưng đừng nuông chiều Phượng.

Trang Lê (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news