Trao đổi với PV xung quanh những bất cập về nhà giá rẻ, nhà xã hội, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tich Tổng hội Xây dựng Việt Nam chia sẻ quan điểm: “Nhà ở cũng nên đặt cơ chế cạnh tranh. Anh nào mà chơi xấu, lập tưc sẽ bị bứt ra khỏi thị trường.”
Thưa ông, ông có đánh giá gì về chủ trương của Chính Phủ ưu tiên phát triển nhà ở XH, nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp đang được áp dụng hiện nay?
Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã có nhiều biện pháp đáp ứng được yêu nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận thấy rằng có rất nhiều vấn đề trội lên. Trong đó nổi bật là sự thiếu đồng bộ.
Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, họ thực hiện việc này một cách rất đồng bộ, từ quy hoạch, rồi chuyển cho thị trường. Nếu chúng ta làm không khéo, lại quay lại thời kỳ Nhà nước bao cấp và Chính phủ không quản lý được.
Tôi cho rằng, phải làm tương tự như cách làm trước đây của Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, rồi gần 2 năm trở lại đây là Indonexia và Malaysia. Họ đưa ra một Chính sách, đề nghị nhà nước phát triển, sau đó lập Ban chỉ đạo Nhà nước về nhà ở, về lâu dài là các tiểu ban. Đây là vấn đề ổn định lâu dài, chứ không phải chỉ gói này gói kia.
Vậy theo ông, chính sách không đồng bộ có phải là nguyên nhân dẫn đến một thực tế đáng báo động là nhiều dự án cơ sở vật chất yếu kém, xuống cấp trầm trọng, rồi tình trạng quá tải, tắc nghẽn giao thông…tràn lan như hiện nay?
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam.
Đấy chính là cái để cho mọi việc “loạn xạ” lên. Việc cấp phép xây dựng đã sai, sau rồi lại còn vượt cấp phép, vi phạm chỉ giới… Điều đáng nói là tất cả những việc này đều của Nhà nước. Ông vừa quyết định, ông vừa quản lý, rồi lúc bắt đầu làm ông lại nể nang và cho làm bừa…
Để quản lý tất cả những điều trên thực sự là câu chuyện quy hoạch, làm theo đúng quy trình, kiểm tra chất lượng theo đúng hệ thống, như nước thế nào, đường thế nào, trường, trạm…
Nếu dự án nào không thực hiện theo đúng quy hoạch thì không cho bán. Như vậy rất sòng phẳng, rất minh bạch. Nhưng ở Việt Nam mình mắc cái bệnh không sòng phẳng, không minh bạch, không công khai.
Vậy theo ông, để xảy ra những tình trạng trên, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý lỏng lẻo hay do các nhà đầu tư lách luật?
Tôi cho rằng không hoàn toàn phải như vậy. Chính chúng ta quên một điều là đừng nên bao cấp, và lập tức hãy cạnh tranh thì sẽ tốt ngay. Tôi lấy ví dụ như trong kinh doanh, anh xe đạp cạnh tranh sẽ tốt ngay, xe máy cạnh tranh tốt ngay, và tương tự anh ô tô cũng vậy. Nhà ở cũng nên đặt cơ chế cạnh tranh. Anh nào mà chơi xấu, lập tưc sẽ bị bứt ra khỏi thị trường.
Đặc biệt, các công ty doanh nghiệp Nhà nước một thành viên mà đang gọi là doanh nghiệp Nhà nước nên xoá bỏ.
Chính chúng tôi là những nhà làm quy hoạch, đã đề nghị theo quy định của Chính Phủ năm 2015, ngành xây dựng hãy “trả lại tên cho em”, không có công ty nào của Nhà nước nữa. Và cũng xin nói rằng, sắp tới đây cổ phần hoá thì đừng có cổ phần hoá giả vờ, đừng chỉ tạo hình thức.
Cổ phần của Nhà nước chiếm 50%, còn 50% hãy để cho các cổ đông bầu rồi từ đó quyết định, anh nào sống thì sống, chết là chết. Phải cho họ đi một thời gian rất ngắn thôi, khoảng một vài năm rồi anh nào sống sẽ sống, còn anh nào chết thì chết luôn.
Thứ nữa, phải thay đổi chính sách cho đối tượng này, đối tượng kia. Vì không có ai nhà giàu mà đi ở nhà 4m2 cả. Còn ai muốn ở nhà 4m2 thì cứ cho vào đấy. Hai vợ chồng làm ăn kha khá thì chả ai ở 4m2 cả, phải ở nhà to hơn chứ, phải để cho người ta bán đi và mua nhà to hơn chứ.
Cho nên, chúng ta đang mắc phải một tình trạng là không chịu hạ theo cơ chế thị trường. Chính vì thế mà không đồng bộ.
Là một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng, ông có kế sách gì giúp cho vấn đề quy hoạch nhà ở nói chung và nhà ở XH nói riêng xây dựng một cách đồng bộ, quy củ hơn, thưa ông?
Thứ nhất là vấn đề quy hoạch. Vùng nào, dự án nào hay bất cứ khu đô thị mới nào đều cần một tỷ lệ thích hợp. Thậm chí, có nơi quy định chỉ trong 40 – 50% nhưng đều chuyển cho chủ đầu tư các nhà thương mại. Nhà nước không trực tiếp quản lý mà để chủ đầu tư làm đồng bộ khu đó.
Ví dụ, tỷ lệ 50% là nhà liền kề, nhà cao cấp, biệt thự, thì số còn lại vẫn do chủ đầu tư quản lý. Nếu Nhà nước quản lý theo quy hoạch rồi thì Nhà nước sẽ ưu tiên một cơ chế, chính sách đối với quy hoạch đó. Như chúng ta thực hiện liên quan đến việc giảm thuế đất, đầu tư hạ tầng… nhà đầu tư phải có trách nhiệm đến cùng với cái người mà người ta quản lý đồng bộ toàn bộ quy hoạch nhà ở xã hội và kể cả nhà ở thương mại.
Thứ 2 là vấn đề chọn quỹ đất dùng thử cho các nhà xã hội, đó là những khu đất ít phải xử lý nền móng và người ta quy định rằng, khu ấy chỉ được xây nhà.
Như ở Malaysia, người ta chỉ cho xây nhà 5 – 6 tầng, không có thang máy, không có tầng hầm. Thế nhưng, phải luôn có chỗ để xe. Điều quan trọng nhất là phải đưa ra một số tiêu chí nhà ở theo chất lượng đảm bảo hoàn toàn tuyệt đối về khung sườn, an toàn tuyệt đối về xây dựng.
Có một điểm cuối cùng mà tôi muốn nói, đó là giành một quỹ rất lớn của Nhà nước liên quan đến việc hỗ trợ không phải cho bên A là chủ đầu tư, mà người ta qua bộ ngành nào đó cho bên B vay với lãi suất thấp. Thậm chí đầu vào không cần thế chấp, tạo điều kiện tối đa.
Tuyệt đại đa số ở các nước phát triển, họ đều cho vay trực tiếp, cho vay bằng quỹ. Đặc biệt, nước nào càng giàu, càng phát triển thì người ta càng tạo điều kiện cho người mua nhà, còn chủ đầu tư với ngân hàng làm đối tác, làm ăn thương mại theo một cơ chế thị trường. Như thế sẽ lành mạnh hơn, tránh kiểu bao cấp. Mà đã là bao cấp thì thường là không đồng bộ, không có cạnh tranh. Đó là một vấn đề bức xúc nhất đòi hỏi luật nhà ở kỳ này phải có cơ chế kèm theo Nghị định đồng bộ nhà ở.
Ông có kiến nghị gì trong dự thảo Luật nhà ở tới đây sẽ được thông quan?
Tôi chỉ đề nghị một điều là nhà ở nói chung và nhà XH nói riêng nên trả nó về thị trường.
Nếu cấp dự án mới thì phải cấp một cách đồng bộ và làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
Nếu cấp dự án khu công nghiệp, làm công nghiệp mà không có hệ thống xử lý nước thải thì không được vào xây dựng. Trong cái dự án xây dựng khu công nghiệp ấy, phải có hệ thống xử lý nước thải được phê duyệt rồi. Bất cứ một công trình nào mà không có hệ thống xử lý nước thải thì không được xây dựng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nam Nam/Người đưa tin