Ngày 1/2, Nhật Bản đã bày tỏ ủng hộ quyết định đưa tàu khu trục tới tuần tra Biển Đông của Mỹ để thực hiện "tự do hàng hải".
Đài NHK dẫn lời Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: "Việc cộng đồng quốc tế hợp tác để bảo vệ vùng biển mở, hòa bình, tự do là vô cùng quan trọng". Ông Suga cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Mỹ điều tàu hải quân tới khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc xây trái phép ở Hoàng Sa.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ủng hộ Mỹ điều tàu tuần tra Biển Đông. Ảnh chụp màn hình |
Phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản đưa ra những bình luận trên sau khi tàu khu trục được bảo vệ của Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa vào ngày 30/1. Đây là lần thứ 2 Mỹ đưa tàu tới khu vực này, sau vụ việc tương tự diễn ra hồi tháng 10/2015.
Trước động thái của Mỹ, Bộ Quốc phòng và Ngoại giao Trung Quốc đều lớn tiếng cáo buộc tàu chiến Mỹ vi phạm lãnh hải.
Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho rằng chuyến đi của tàu Mỹ là "vi phạm luật của Trung Quốc, đe dọa an ninh trên biển".
Ông Dương còn cho rằng hoạt động của tàu Mỹ có thể gây ra "hậu quả vô cùng nguy hiểm", đồng thời lớn tiếng đe dọa rằng lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp nào cần thiết" để bảo vệ cái mà họ gọi là chủ quyền và an ninh.
Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh thì nói rằng "Theo luật pháp Trung Quốc, bất kỳ một tàu chiến nước ngoài nào xâm nhập lãnh hải nước này đều phải xin phép từ chính phủ Trung Quốc", đồng thời yêu cầu "Mỹ tuân thủ luật pháp Trung Quốc và có hành động củng cố sự tin cậy và sự ổn định trong khu vực".
Phản ứng về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm 31/1 nói: "Một lần nữa, chúng tôi khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa".
Ông Lê Hải Bình cho biết, là quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Điều 17).
"Việt Nam đề nghị tất cả các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế”", Người Phát ngôn Lê Hải Bình nói.
Ngoài Nhật Bản, Australia cũng đã bày tỏ ủng hộ việc Mỹ tuần tra Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne nói rằng đây là hành động nhằm bảo vệ luật pháp quốc tế.
Bảo Linh (tổng hợp)