Tin mới

Nhật có thể điều tàu lớn giúp Philippines tuần tra Biển Đông

Thứ sáu, 20/11/2015, 14:30 (GMT+7)

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể xem xét yêu cầu từ phía Philippines để điều tàu cảnh sát biển lớn tới tuần tra Biển Đông sau khi 2 nước đồng minh đạt được một thỏa thuận về công nghệ và thiết bị quốc phòng.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể xem xét yêu cầu từ phía Philippines để điều tàu cảnh sát biển lớn tới tuần tra Biển Đông sau khi 2 nước đồng minh đạt được một thỏa thuận về công nghệ và thiết bị quốc phòng.

Mặc dù không có yêu sách tại khu vực này nhưng Nhật Bản vẫn lo lắng việc Trung Quốc tăng cường quân sự tại tuyến đường biển quan trọng nhất khu vực nơi phần lớn thương mại hàng hải của Nhật Bản đi qua.

Thỏa thuận giữa Philippines và Nhật Bản đánh dấu lần đầu Tokyo đồng ý tặng trang thiết bị quân sự trực tiếp cho nước khác và là ví dụ mới nhất cho chương trình nghị sự an ninh tích cực hơn của ông Abe.

Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố: "Tổng thống Benigno Aquino đã yêu cầu cung cấp tàu tuần tra lớn cho Cảnh sát biển Philippines và Nhật Bản sẽ xem xét các chi tiết cụ thể".

2 nhà lãnh đạo đã gặp nhau tối 19/11 trước thượng đỉnh APEC ở Manila.

Ông Abe nói mình hoan nghênh thỏa thuận và "đã đồng ý làm việc cùng nhau trong việc ký kết thỏa thuận bước đầu và hợp tác trong trang thiết bị quốc phòng".

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp Tổng thống Philippines Aquino tại APEC 2015. Ảnh: Reuters

Các phương tiện truyền thông đưa tin Tokyo sẽ cung cấp cho Manila 3 máy bay Beechcraft T-90 King Air đã qua sử dụng, thích hợp với việc tuần tra trên Biển Đông. Manila cũng đã theo đuổi máy bay tuần tra săn ngầm P3-C của Lockheed Martin.

Thay vì trực tiếp thách thức Bắc Kinh bằng cách gửi tàu chiến hay máy bay tới để tuần tra Biển Đông, Nhật Bản lại đang giúp các nước có yêu sách trên Biển Đông xây dựng khả năng quân sự.

Một quan chức cấp cao Nhật Bản nói với Reuters rằng "Các cuộc đàm phán sẽ mất một thời gian", có thể từ 1-2 năm trước khi 2 bên ký thỏa thuận về công nghệ và trang thiết bị quốc phòng.

"Nhật Bản muốn đảm bảo rằng bất cứ trang thiết bị nào họ đưa ra cũng sẽ không bị chuyển giao cho nước thứ 3".

Để hợp hiến, các nhà lập pháp Nhật Bản sẽ phải điều chỉnh hoặc là kiềm chế việc bán trang thiết bị của chính phủ sở hữu, hoặc thiết lập một cơ chế tài chính riêng.

Nhật Bản cũng đang sản xuất 10 tàu dài 40m cho cảnh sát biển Philippines. Manila cần các tàu tuần tra dài khoảng 100m.

Nhật Bản đã thay đổi Chính sách quốc phòng trong năm nay để cho phép quân đội chiến đấu ở nước ngoài lần đầu kể từ sau năm 1945. Động thái này được Mỹ chào đón nhưng trở thành quan ngại với Trung Quốc.

Bảo Linh (theo Reuters)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news