Năm 2015 là năm lực lượng chức năng các tỉnh thành trong cả nước liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Dưới đây là những vụ bê bối thực phẩm đình đám, khiến dư luận choáng váng trong thời gian qua.
Bắt cơ sở chế biến mỡ heo bẩn bày la liệt trên nền gạch
Mỡ heo được bày la liệt trên nền nhà dơ bẩn. Ảnh: Đời sống & Pháp luật |
Theo Báo Đời sống & Pháp luật, ngày 5/2, Công an huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường phát hiện một cơ sở đang chế biến hàng trăm kg mỡ heo tại ấp Phúc Nhạc, xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất.
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có 2 người đang thực hiện công đoạn thái mỡ để chế biến mỡ heo bẩn. Bên cạnh đó nhiều mỡ heo được bày la liệt trên nền nhà dơ bẩn và một số lớn mỡ heo đang được nấu trên chảo lớn để lấy mỡ.
Chủ cơ sở chế biến mỡ heo bẩn là bà Phạm Thị Kim Hương (46 tuổi), đây là cơ sở không có giấy phép và được hoạt động chui nhiều năm. Bà Hương khai nhận, mỡ được chế biến xong thì sẽ được chuyển về TP.HCM bán cho một số mối sỉ và lẻ.
Sau khi phát hiện lực lượng chức năng đã lập biên bản, tịch thu toàn bộ số mỡ heo chưa và đã qua chế biến để tiêu hủy, đồng thời xử phạt theo quy định của pháp luật.
Kinh hãi thịt bò khô làm từ phổi lợn và hóa chất
Vừa qua, ngày 12/11, báo Pháp luật TP HCM đưa tin về cơ sở sản xuất thịt bò khô (hay còn gọi là khô bò) trái phép. Cụ thể, sau nhiều ngày theo dõi, vào ngày 30/10, đoàn liên ngành huyện Bình Chánh đã bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất khô bò của bà Thạch Thị Sa Rương làm chủ. Cơ sở ngụ tại địa chỉ 148C/6 ấp 1, xã An Phú Tây, Bình Chánh.
Lúc kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở này không đạt đủ yêu cầu an toàn thực phẩm. Đây là khu đất chật chội, đầy rác, nước tồn đọng. Dụng cụ sản xuất là những nồi nhôm, thau nhựa khá mất vệ sinh. Còn khô bò thành phẩm được đựng trong một thau nhựa khác, và nằm rải rác trên nền đất.
Khô bò được làm từ phổi lợn, chất tạo hương vị bò và chất bảo quản không rõ xuất xứ. Ảnh: Pháp luật TP HCM |
Tuy mang danh là sản xuất khô bò nhưng nguyên liệu chính tại đây là phổi lợn. Từng xô lớn đựng phổi lợn còn sống, bốc mùi thum thủm, ruồi nhặng bâu đầy. Một nồi lớn đang luộc phổi lợn, bốc mùi khó chịu. Sau khi được hỏi về xuất xứ của số phổi lợn này, bà Rương cho biết, tất cả được nhập tại chợ, không hề có giấy chứng nhận kiểm dịch.
Không dừng lại tại đó, cơ sở này còn sử dụng một loại hóa chất không rõ nguồn gốc, có màu đen và thơm mùi thịt bò cùng gói bột màu trắng, bao bì in tiếng nước ngoài để chế biến sản phẩm.
Khai báo với cơ quan chức năng, bà Rương nói rõ quy trình chế biến khô bò từ phổi lợn: đầu tiên là pha màu, tạo hương thịt bò với các chất bảo quản, rồi nấu lên. Phổi lợn được luộc chín, rồi nhúng vào hỗn hợp nói trên. Chỉ bằng 2 công đoạn như thế, cơ sở đã sản xuất ra hàng chục cân khô bò giả. Khô bò thành phẩm này được bán chủ yếu cho các người bán hàng ăn rong, có giá khoảng 30.000 đồng/kg.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng thu được 47kg khô bò thành phẩm, 31kg phổi lợn đang luộc chín và 27kg phổi lợn tươi. Do không hề có bất kỳ một giấy tờ kiểm dịch hay giáy phép hoạt động nào nên cơ sở bị đình chỉ hoạt động và tiêu hủy toàn bộ khô bò thành phẩm, phổi lợn, hương bò và các chất bảo quản.
Thực hư đặc sản chim quay Ninh Hiệp tẩm bột sắt
Món chim quay là đặc sản Ninh Hiêp, tuy nhiên người làng không dám ăn vì chim được tẩm bột sắt. Ảnh: Tri thức |
Thời điểm 12/11, theo thông tin ghi nhận trên Tri thức cho biết, hàng loạt chim cút quay được bán tại chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) đều tẩm bột sắt trong quá trình chế biến, bởi vậy người làng không dám ăn món đặc sản này mà chỉ bán cho khách hàng.
Chim ở đây được chia thành 2 loại, loại to và loại nhỏ. Chim to có giá 16.000 đồng/con, chim nhỏ chỉ có giá 8.000 đồng/con. Trung bình, khách sẽ mua từ 5 con trở lên.
Sau khi PV báo Tri thức tìm hiểu thì được biết, đây thực chất là chim cút. Bí quyết để chim có màu gạch non bắt mắt như vậy là nhờ gia vị tẩm chim, bao gồm bột điều, hoa hổi, hoa quế, đường, ớt, tiêu,… Tuy nhiên , do giá bột điều khá đắt nên ngày nay không còn quán nào sử dụng, thay vào đó để làm nổi màu họ lại sử dụng bột sắt, một loại phẩm màu công nghiệp có giá rẻ hơn rất nhiều. Do chim cút đã được tẩm ướp gia vị sẵn nên khách rất khó phát hiện ra.
Theo thông tin trên Sức khỏe & Đời sống, bột sắt có xuất xứ từ Trung Quốc, là một loại phẩm màu công nghiệp được bán phổ biến tại các hàng khô. Bề ngoài chúng có màu đen, nhưng sau khi tiếp xúc với nước sẽ chuyển sang màu vàng ruộm. Đây là một loại độc tố, nếu bị tích tụ quá nhiều trong cơ thể con người sẽ gây tổn hại cho gan, thận, gây ung thư da, ung thư bàng quang. Tiếp xúc nhiều với bột sắt còn gây viêm da, kích ứng mắt, hen suyễn, suy thận, hôn mê,…
"Rợn người" xem cảnh làm mứt Tết từ chanh, quất thối
Bãi đất trống chăn thả gia súc tại phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội là nơi chế biến chanh, quất. Ảnh: Lao động |
Theo tin tức từ báo Lao động đã khiến dư luận trong nước xôn xao vào ngày 29/12 khi phát hiện một cơ sở chuyên sản xuất mứt, ô mai chanh quất phục vụ Tết đang gấp rút chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán Bính thân 2016. Tuy nhiên, PV đã rất bất ngờ trước quy trình chế biến ra những mặt hàng này.
Cơ sở này nằm tại phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội. Họ công khai sản xuất ngay tại khu đất của nhà văn hóa tổ 7. Khu đất này khá bụi băm, đông đúc người và xe cộ đi qua, bên cạnh đó đây còn là bãi chăn thả gia súc, gia cầm.
Tại đây, chủ cơ sở phơi hàng loạt chanh, quất lổn nhổn trên những tấm bạt nylon, không màng để tâm đến những đám phân bò bên cạnh, từng đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ và tất nhiên là ruồi nhặng bay vo ve. Chưa dừng lại tại đó, những hố đất được đào ra làm nhiệm vụ chôn, ủ chanh quất nằm gần con sông Nhuệ nước đục ngầu.
Quá trình ủ chanh quất được làm theo phương thức vô cùng đơn giản. Chanh, quất được đổ đống xuống hố sâu 3-5m, rộng 2-3m có trải bạt nylon, phía trên có căng tấm fibroximang để che nắng che mưa, tiếp theo họ rắc vào hố một lớp vôi bột. Cuối cùng rải một lớp muối lên mặt trên đống chanh quất và phủ kín miệng hố lại. Cứ vậy, chỉ khoảng 10 ngày sau khi số chanh quất chuyển màu thâm sì, chảy nước và bốc mùi chua thì được vớt lên phơi khô và thành sản phẩm.
Tất cả mọi quá trình làm việc tại đây đều diễn ra hết sức mất vệ sinh, phản cảm tuy nhiên đối với nhóm người làm thì đây chỉ là việc bình thường. Những chiếc hố đục màu bốc mùi hôi thôi liên tục ủ từng đống chanh quất này qua đống khác mà không được qua tác động vệ sinh gì. Khi được PV tờ Công an nhân dân hỏi, người làm cho biết, toàn bộ nguyên liệu chính là chanh, quất được cơ sở mua từ Hòa Bình, số hàng được đóng thành từng bao tải và vận chuyển về tận nơi. Mức giá thu mua khá rẻ, chỉ từ vài trăm nghìn đến gần 1 triệu đồng/tấn nguyên liệu.
Hoạt động sản xuất này diễn ra đều đặn vào mỗi dịp cuối năm, tuy nhiên điều đáng nói ở đây là lực lượng chức năng địa phương dường như không quản lý chặt chẽ cơ sở này.
Hoài An (tổng hợp)