Tin mới

Những kho báu, biệt thự bí ẩn ở Việt Nam

Thứ năm, 16/10/2014, 10:30 (GMT+7)

Trong dân gian, đến nay vẫn còn lưu truyền rất nhiều\nnhững câu chuyện về những kho báu khổng lồ bí ẩn của người xưa để lại. Những\ncuộc truy tìm kho báu mất không biết bao nhiêu tiền bạc, công sức và máu vẫn tiếp\ntục diễn ra… như đuổi theo một giấc mộng chưa có hồi kết.

 


Trong dân gian, đến nay vẫn còn lưu truyền rất nhiều những câu chuyện về những kho báu khổng lồ bí ẩn của người xưa để lại. Những cuộc truy tìm kho báu mất không biết bao nhiêu tiền bạc, công sức và máu vẫn tiếp tục diễn ra… như đuổi theo một giấc mộng chưa có hồi kết. 

 

Bí ẩn tòa ‘biệt thự’ trong lòng đất chứa kho báu ở Quảng Ninh

Những dải núi dọc Chí Linh, Kinh Môn (Hải Dương), kéo dài xuống vùng Thủy Nguyên (Hải Phòng), rồi dọc dải Đông Triều, Uông Bí (Quảng Ninh), tiếp giáp với đồng bằng, là nơi có rất nhiều mộ Hán vĩ đại. Rất nhiều công trình mồ mả kỳ vĩ, bí ẩn, thậm chí có cả cổ vật quý, còn chìm dưới lòng đất, chưa được khai phá.

Anh Đinh Văn Thắng, quê gốc ở xã Hiệp Hòa, kế bên cho biết, 10 năm trước, xã Song Khoai có dự án xây dựng khu văn hóa thiếu nhi, đặt tại xóm 5, nên đã san gạt khoảnh đất rộng. Còn thừa nhiều đất, nên chia lô bán cho dân. Anh Thắng đã mua một mảnh.

Hồi anh chuyển về, thì khu văn hóa cũng khởi công xây dựng. Theo lời anh, chỉ đào khu đất xây ngôi nhà, mà phát hiện tới 3 ngôi mộ vòm rất lớn trong lòng đất. Hồi đó, các nhà khoa học ùn ùn về nghiên cứu, thu gom di vật, rồi đi hết. Nhân dân phá bỏ mộ, xây dựng nhà văn hóa, rồi khu mộ cổ bị quên lãng.

Thời điểm đó, anh Thắng cũng đào móng xây nhà, thì trúng ngay vòm cuốn. Anh kêu thợ đào rộng ra, nhưng đào rộng đến 50 mét vuông, vẫn chỉ thấy nóc ngôi mộ. Biết rằng, đây là ngôi mộ khổng lồ, nên anh lấp lại, không đào nữa, mà xây nhà lùi về phía sau. Ngôi mộ lớn đó hiện giờ vẫn nằm dưới sân và bức tường nhà anh.

Anh Thắng bảo, hồi đào mở rộng, xuyên cả ra ngõ, thì lại chạm ngay ngôi mộ vòm cuốn nữa ở dưới ngõ. Một ông trong xóm đục lỗ chui vào, lấy được cái hũ rất đẹp, đựng tàn tro và than đen. Ông này đổ hết than tro, rồi mang hũ về.

Theo lời anh Thắng, khu vực này có thể từng là nghĩa địa khổng lồ, nên đào chỗ nào cũng sẽ thấy mộ vòm cuốn thời xưa. Anh cũng không biết đó là loại mộ gì, chỉ biết rằng, người dân thôn 5 thường gọi là “Hố Vàng”, bởi họ tin rằng, người Tàu xây dựng những công trình đó để… chôn vàng.

Kho báu 4.000 tấn vàng ở Bình Thuận 

Sau khi thất bại với kho báu Ioshida ở Vũng Tàu, ông Trần Văn Tiệp vẫn không nản chí. Ông tiếp tục dồn tâm sức vào việc chinh phục một kho báu khác, đó là kho báu ở Núi Tàu (thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), nơi được cho là đang chôn giấu một kho báu lên đến 4000 tấn vàng.

Số vàng này là tài sản mà tướng Nhật Tomoyuki Yamashita đã vận chuyển từ các nước châu Á mà Nhật chiếm đóng đem về Núi Tàu chôn giấu trước khi đầu hàng quân đội Đồng minh trong Thế chiến thứ hai. Ông Tiệp đã có những thông tin đầu tiên về kho báu này vào năm 1963, thông qua tỉnh trưởng tỉnh Bình Tuy là Lê Văn Bường, người giữ tấm bản đồ chỉ nơi chôn kho báu.

"Hầm thần của" ở Hà Nam

"Hầm thần của" ở  xã Thanh Tâm (Thanh Liêm, Hà Nam) là một di tích cổ bí ẩn mà cho đến nay, nhiều nhà khoa học vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc cũng như  thời gian ra đời ở một vùng quê hẻo lánh. Tuy nhiên, dọc theo "hầm thần của" đầy bí ẩn, những câu chuyện vừa hư vừa thực từng một thời làm xáo động cả vùng quê chiêm trũng.

Người địa phương cho rằng, "hầm thần của" là nơi chôn giấu vàng và  kho báu của phú hào thời xưa, cũng có thể là nơi cất giấu vàng của người Trung Quốc thời cổ. Có điều, do "hầm thần của" được yểm bùa nên không ai có thể phát hiện và lấy đi kho báu đó.

Chính những bí ẩn chưa có lời giải nên hàng loạt giai thoại vừa hư vừa thực cứ thế lan truyền ở xã Thanh Tâm. Như câu chuyện xuất hiện đàn lợn vàng cho đến nay vẫn như chuyện cổ tích có thật.

Cửa "hầm thần của"

Trước "hầm thần của" có một bụi tre um tùm gai góc mà chính các cao niên trong làng cũng không biết nó có từ bao giờ. Đây là cổng cửa hầm dẫn sâu vào trong núi nên đàn lợn vàng cũng từ đó đi ra. Cụ Lê Đình Bảng, người dân ở đây, cho hay: "Đó là một bụi tre thiêng, cứ đến giữa trưa là cuốn xuống, hễ ai bước qua là tự bật lên như để bảo vệ cho hầm mộ...".

Vào mỗi đêm trăng sáng đứng bóng, một đàn lợn vàng khoảng hơn chục con nối đuôi nhau đùa giỡn trên Trà Trâu Núi. Trong số ấy, con cuối đàn bị què nên chậm chạp, lặng lẽ theo sau. Có người nhiều lần nhìn thấy liền đuổi theo để bắt nhưng đàn lợn đều chạy đến chân đồi rồi mất hút.

Theo người dân địa phương, có nhiều tay săn đồ cổ, có cả đội săn lùng kho báu ở xa đến hỏi thăm dùng bẫy bắt nhưng không thành.

 Kho vàng Hời ở Khánh Hòa

Chùa Hoa Tiên ở thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa bấy lâu nay vẫn được cho là nơi chôn giấu “kho vàng Hời”, một kho báu cực lớn mà người xưa để lại. Theo lời đồn, kho báu này nằm dưới một gốc cây đại thụ có đường kính thân bằng vòng ôm của hơn chục người, được gọi là cây cốc.

Lời kể từ xa xưa truyền lại rằng, đó là một kho báu của quý tộc Chăm gồm vô số tượng vàng, ngọc ngà. Kho báu được canh giữ bởi những trinh nữ bị chôn sống làm ma nhằm trấn giữ kho vàng.

Vào ban đêm, dân trong vùng thường thấy ánh vàng sáng rực di chuyển quanh gốc cây thần và khuôn viên chùa. Hiện tượng này được gọi là "vàng đi ăn". Có người cho rằng, những luồng sáng đó là hồn của những trinh nữ bị chôn sống hóa thân thành…

Một câu chuyện khác kì dị không kém là khoảng hơn nửa thế kỷ trước, dưới gốc cây cốc đại thụ kia bỗng lồi lên pho tượng. Vì nghĩ đó là vật thiêng nên thầy trụ trì kính cẩn mang vào chùa thờ. Ai ngờ nửa đêm thì tượng bỗng dưng rơi xuống đất, đầu lìa khỏi thân. Lời đồn rằng pho tượng không muốn rời khỏi cây cốc nên thầy trụ trì đã mang tượng ra đặt trở lại vị trí cũ. Vì những câu chuyện nhuốm màu ma quái mà không có người nào cả gan xâm phạm đến gốc cây thiêng cùng kho báu của chùa Hoa Tiên.

Kho báu khổng lồ của vua Chăm

Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, nơi vốn là lãnh thổ của đế chế Chăm Pa ngày xưa, giờ đây vẫn còn lưu truyền những lời đồn đại về kho báu khổng lồ được chôn giấu trong lòng đất của các bậc vua chúa Chăm.

 Dân gian đã thêu dệt nên những huyền thoại kì bí về kho báu này, như việc nó gồm những chiếc rương bằng gỗ quý trĩu nặng vô số vật dụng, đồ trang sức, triều phục, biểu tượng quyền lực (kiếm và ấn triện) bằng vàng, bạc, ngọc ngà... được trấn giữ bởi những trinh nữ bị táng sống để làm thần giữ của.

Theo những biến thiên lịch sử, những báu vật ấy đã bị mất mát rất nhiều. Nhưng rất có thể một phần của nó vẫn còn nằm trong lòng đất. Điều này được minh chứng bằng việc đôi khi lại rộ thông tin có người tìm thấy nải chuối bằng vàng, con ngựa bằng vàng, pho tượng bằng vàng... tại ngôi cổ mộ, cánh đồng hay khu rẫy nào đó. 

  Vương quốc Chăm Pa từng trải qua nhiều thế kỷ phát triển rực rỡ.

 

Quay ngược lại lịch sử, hơn 170 năm trước, các bảo vật Chăm vẫn do các thế hệ con cháu vua Chăm giữ. Số phận lưu lạc của chúng bắt đầu năm 1831, khi Lê Văn Khôi nổi loạn chống lại triều đình nhà Nguyễn, chiếm 3 tỉnh Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết.

Sau khi dẹp được Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng đã thẳng tay đàn áp con cháu vua Chăm vì tội hợp tác với quân nổi loạn. Một bộ phận người Chăm phải di cư sang Campuchia lánh nạn, số khác mang theo các bảo vật của tổ tiên lên núi sống với người Churu và Raglai. Đến đời Vua Thiệu Trị, lệnh đàn áp mới được hủy bỏ. Dù vậy con cháu của vua Chăm không mang báu vật cha ông xuống núi mà gửi lại cho những bộ tộc đã chở che cho mình lúc hoạn nạn.

Số báu vật này lúc đầu rất nhiều, nhưng do chiến tranh, loạn lạc, cướp bóc mà không còn lưu giữ được bao nhiêu bảo vật. Tấn bi kịch của kho báu này đã xảy ra cuối thập niên 1970, khi 3 ngôi đền Sóp, Krayo và Sópmadronhay do người Churu xây dựng để thờ các vua chúa Chăm và lưu giữ kho báu đã bị máy bay Mỹ ném sập và các toán quân Mỹ tràn vào chiếm đóng. Đến nay người Raglai vẫn cất công lưu giữ các báu vật còn lại mà vua chúa Chăm ngày trước gửi lại, và người Chăm cũng không có ý định thu hồi là vì giữa hai tộc người có mối quan hệ mật thiết, gần gũi như anh với em.

 Theo Bảo An/Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news