Tin mới

Những sự cố “muối mặt” của Vietnam Airlines và Hàng không Việt Nam

Thứ tư, 17/12/2014, 10:39 (GMT+7)

Cơ trưởng ấn nhầm nút khủng bố, rơi bánh máy bay, đánh ghen trên máy bay hay mất điện đài không lưu… là những sự cố hy hữu của Vietnam Airlines và Hàng không Việt Nam khiến hành khách không khỏi “thót tim”.

 

Cơ trưởng ấn nhầm nút khủng bố, rơi bánh máy bay, Đánh ghen trên máy bay hay mất điện đài không lưu… là những sự cố hy hữu của Vietnam Airlines và Hàng không Việt Nam khiến hành khách không khỏi “thót tim”.

Cơ trưởng “ấn nhầm” nút khủng bố

Theo nguồn tin từ báo Người lao động, chiều tối ngày 16/12 do khoang máy bay bị giảm áp, cơ trưởng người CH Séc điều khiển máy bay Vietnam Airlines từ TP HCM đi Vinh thay vì nhấn nút khẩn nguy Code 7700 lại nhấn nhầm sang nút khủng bố Code 7500 khiến toàn bộ mặt đất phải triển khai đối phó theo tình huống nghiêm trọng này.

Khoảng ít phút sau, cơ phó người Việt Nam phát hiện sai sót, điều chỉnh về tần số khẩn nguy.

Song khi trao đổi với không lưu lại có nhầm lẫn nên máy bay bị đặt vào tình huống khủng bố khiến toàn bộ mặt đất phải triển khai đối phó theo tình huống nghiêm trọng này. Thay vì đáp xuống sân bay Vinh, chuyến bay đã hạ cánh an toàn xuống sân bay quốc tế Nội Bài lúc 19 giờ 10 phút.

Đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất mất tín hiệu

Trưa ngày 20/11, sự cố mất điện tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC Hồ Chí Minh), khiến Trung tâm kiểm soát không lưu không thể truyền tín hiệu tới phi công.

Tại thời điểm xảy ra sự cố mất quyền điều hành bay, có 54 tàu bay trong khu vực trách nhiệm của AACC Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trong thời gian sự cố. Nhiều phi cơ trong vùng Thông báo bay Hồ Chí Minh và các Vùng thông báo bay Hà Nội, Sanya, Pnom Penh, Singapore, Kuala Lumpur đã phải đình hoãn cất cánh tại sân, quay trở lại hạ cánh sân bay khởi hành, hạ cánh tại sân bay dự bị.

Trước đó, tại Trung tâm AACC Hồ Chí Minh, các nhân viên đã thực hiện thao tác ngắt lưới điện gồm hai nguồn để kiểm tra định kỳ hệ thống máy phát điện. Lúc này ba hệ thống máy phát điện có ba máy hoạt động bình thường. Chỉ 5 phút sau, ba hệ thống lưu điện (UPS) đã thông báo có lỗi.

Điều hành bay trong Đài kiểm soát không lưu khu vực Tân Sơn Nhất. Ảnh minh họa

Theo quy trình, nhân viên phải cô lập hệ thống lưu điện (UPS) để sửa chữa. Gần 11h20 phút, các nhân viên tiến hành đóng lại lưới điện. Nhưng ông Lê Trí Tình với nhiệm vụ là kíp trưởng ca trực đã tự động can thiệp vào hệ thống lưu điện (UPS) và đã có thao tác sai quy định, dẫn đến hệ thống lưu điện (UPS) bị mất điện. Từ đó dẫn đến toàn bộ Trung tâm mất điện. Đến 11h36 phút trưa cùng ngày hệ thống mới được khôi phục.

Sự cố trục trặc điều hành bay khiến hàng chục chuyến bay đến và đi từ sân bay Tân Sơn Nhất bị ảnh hưởng trong ngày 20/11, kéo theo chậm chuyến liên tiếp hàng loạt tại nhiều sân bay khác trên cả nước, gây thiệt hại kinh tế cho các hãng hàng không và ảnh hưởng việc đi lại của hàng nghìn hành khách.

Đến sáng ngày 11/12, cơ quan công an đã cho bắt tạm giam ông Lê Trí Tình, kíp trưởng ca trực liên quan đến sự cố mất điện tại sân bay Tân Sơn Nhất này và tiến hành khám xét tại nơi làm việc của ông Tình.

Hai máy bay suýt... đụng nhau

Hãng hàng không Việt Nam (VNA) đã lập đoàn công tác xác minh về sự cố để xảy ra nguy cơ xung đột giữa máy bay chở khách của hãng và máy bay trực thăng huấn luyện Mi172 của quân sự tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo đó, ngày 29/10, chuyến bay VN1376 của VNA vừa cất cánh, được kiểm soát viên không lưu yêu cầu giữ nguyên hướng và bay ở độ cao 500 feet AGL (khoảng 152m). Tuy nhiên, khi đang lên độ cao được chỉ định, phi công thấy 1 máy bay trực thăng cắt ngang phía trước với khoảng cách được ước lượng là khoảng dưới 200 feet (khoảng 60m).

Theo đánh giá của ông Đỗ Quang Việt, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam, kiểm soát viên không lưu quân sự đã không thực hiện đúng quy trình an toàn, không phối hợp hiệp đồng đúng theo quy trình.

Hành khách đánh ghen trên máy bay

Tối ngày 21/11, chuyến bay của Vietnam Airlines từ TP.HCM đi Hà Nội đã bị chậm khởi hành do sự cố đánh ghen giữa hai người phụ nữ.

Trước đó, trên chuyến bay VN274 của Vietnam Airlines hành trình TP HCM - Hà Nội dự định xuất phát lúc 21 giờ đêm ngày 21-1, trong lúc đón khách lên tàu bay, 3 hành khách ngồi tại số ghế 32D, 32E và 32G đã xảy ra xô xát với nhau.

Khi phát hiện sự việc, tổ tiếp viên đã kịp thời ngăn cản, đề nghị 3 hành khách giữ trật tự nhưng những hành khách này đã không tuân thủ, khiến tổ tiếp viên báo cáo cho Cơ trưởng xử lý tình huống này. Được lệnh của Cơ trưởng, tiếp viên đã yêu cầu cả 3 người rời khỏi máy bay, chuyến bay phải dỡ hành lý của khách nên chậm gần 30 phút so với hành trình dự kiến. Cả 3 hành khách với sự hộ tống của nhân viên mặt đất và an ninh hàng không đã rời khỏi máy bay trong trật tự.

Thông tin được làm sáng tỏ sau đó cho thấy đây là một vụ đánh ghen. Ông Đ. trước đây từng có quan hệ tình cảm với bà H., giữa 2 người đã có con. Nhưng người mà ông Đ. cưới làm vợ sau này lại là bà L. (có đăng ký kết hôn). Không biết vì cố tình hay ngẫu nhiên mà cả 3 người lại cùng có mặt trên chuyến bay VN274, lại ngồi cùng hàng ghế và ngạc nhiên hơn là ông chồng được sắp xếp ngồi giữa người tình cũ và vợ. Hơn 200 hành khách của chuyến bay bất đắc dĩ phải chứng kiến màn đánh ghen chưa từng có và bị chậm bay tới nửa giờ.

Một trong 2 nữ hành khách đánh ghen trên máy bay được đưa xuống khỏi Máy bay Vietnam Airlines. Ảnh Người lao động

Cảng vụ Hàng không miền Nam đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 người phụ nữ này, mỗi người đã bị phạt 7,5 triệu đồng mỗi người vì có hành vi gây rối, mất trật tự trên máy bay. Người đàn ông không bị phạt vì không đánh nhau mà ngược lại còn có hành động tích cực là can ngăn. Đáng lưu ý, đây là một vụ việc đánh ghen hi hữu ngay trên máy bay Vietnam Airlines.

Máy bay Việt Nam Airlines rơi bánh

Ngày 21/10, chiếc ATR-72 của Vietnam Airlines mang số hiệu VN-B219 cất cánh từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) đi Đà Nẵng, chở 41 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn bị phát hiện gãy càng mũi và lốp đã bị rơi ra.

Rất may máy bay vẫn hạ cánh an toàn bằng một bánh mũi còn lại xuống sân bay Đà Nẵng. Sự việc chỉ được phát hiện ra khi máy bay đã hạ cánh.

Cận cảnh cụm càng trước của chiếc máy bay ATR-72 bị rơi mất một chiếc bánh bên phải.

Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, đây là sự cố được xếp vào hạng nghiêm trọng, mặc dù chuyến bay vẫn hạ cánh an toàn.

Bảo An (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news