Suốt từ đầu tháng 6 đến nay, miền nam Trung Quốc hứng chịu những trận mưa rất lớn và kéo dài khiến nhiều nơi rơi vào tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Tình trạng này gây ảnh hưởng tới cuộc sống ít nhất 2 triệu người, thiệt hại kinh tế lên tới hàng tỉ nhân dân tệ.
Những cơn mưa lớn, lũ lụt đã khiến hồ chứa của đập Tam Hiệp chạm mốc 147m vào cuối tháng 6, khiến con đập này phải xả lũ lần đầu tiên trong năm 2020. Bên cạnh đó, rất nhiều thông tin từ báo chí phương Tây cho thấy sự lo ngại về cấu trúc đập có thể bị phá hủy trước sức nước khủng khiếp.
>>> Xem thêm: Đập Tam Hiệp lần đầu xả lũ trong bối cảnh mưa lũ đe doạ vỡ đập
Đập Tam Hiệp xả lũ hồi cuối tháng 6 vừa qua. Ảnh: Internet
Đập Tam Hiệp có thể coi là một trong những niềm tự hào lớn của người Trung Quốc. Đây là con đập lớn nhất thế giới với chiều dài 2.308m, cao 185m.
Quy mô của con đập này ở mức khổng lồ khi Trung Quốc sử dụng 27,2 triệu m khối bê tông, chủ yếu cho thành đập, 463.000 tấn thép, đủ xây 63 tháp Eiffel, đào 102,6 triệu mét khối đất.
Có nhiều thông tin cho rằng đập Tam Hiệp có thể nhìn thấy từ không gian, nhưng các nhà khoa học khẳng định điều này không đúng.
Số lượng thép để xây đập Tam Hiệp có thể dựng lên 63 tháp Eiffel. Ảnh: Internet
Vùng hồ chứa có chiều dài trung bình khoảng 660 km và rộng 1,12 km. Vùng hồ chứa có thể tích 39,3 tỷ m3 và tổng diện tích bề mặt nước 1045 km2. Khi hoàn thành, tổng diện tích đất bị ngập nước của hồ là 632 km2.
Con đập được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 14/12/1994 và đưa vào vận hành vào năm 2009. Người ta thường thấy những thông tin tiêu cực về con đập này nhưng có một sự thật không thể phủ nhận, đập Tam Hiệp cũng giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của người dân.
Thứ nhất, nó giải quyết tình trạng "đói điện" tại Trung Quốc. Đập Tam Hiệp tạo ra năng lượng gấp 11 lần so với đập Hoover của Mỹ xây dựng năm 1936, trở thành nhà máy điện lớn nhất thế giới có công suất 22.500 MW. Với lượng điện năng cực kỳ lớn này, con đập được cho là phần lớn hỗ trợ toàn bộ quốc gia Trung Quốc.
Nhờ có đập Tam Hiệp, tình trạng "đói điện" tại Trung Quốc đã phần nào được giảm tải. Ảnh: Internet
Thứ hai, đập Tam Hiệp giúp giải quyết vấn đề lũ trên sông Dương Tử, con sông dài thứ 3 trên thế giới với nhiều nỗi khiếp sợ cho người dân bản địa. Khi đập này được hoàn thành, nó giúp bảo vệ hàng triệu ngôi nhà và cuộc sống ở hạ lưu cũng như các thành phố quan trọng nằm liền kề với Dương Tử như, Vũ Hán, Nam Kinh và Thượng Hải.
Năm 2017, một nghiên cứu đăng trên trang tin Futurism cho rằng sự dịch chuyển của khối lượng nước khổng lồ ở đập thủy điện Tam Hiệp khiến Trái Đất quay chậm hơn.
>>> Xem thêm: Phượng Hoàng cổ trấn ngập trong biển nước giữa lo lắng vỡ đập Tam Hiệp
Khi đầy hồ chứa, mực nước của hồ chứa Tam Hiệp sẽ cao 175 trên mực nước biển; hồ dài tới 660 km, rộng 1,12 km, thể tích hố lên tới 39,3 km3, tức lượng nước hồ Tam Hiệp khi đầy sẽ nặng tới 42 tỷ tấn.
Việc đẩy 42 tỷ tấn nước tại đập Tam Hiệp lên cao 175 mét so với mực nước biển sẽ làm tăng mô-men quán tính của Trái Đất, qua đó là chậm chuyển động xoay của địa cầu.
Vị trí của đập Tam Hiệp. Ảnh: VnExpress
Các nhà khoa học NASA tính toán ra rằng khối lượng nước lớn của hồ Tam Hiệp sẽ tăng độ dài ngày lên 0,00000006 giây. Nếu không có biến động gì khác, và tiếp tục giả định nước hồ sẽ giữ nguyên mức trên để độ dài ngày liên tục cộng dồn thêm 0,00000006 giây, thì vào năm 47.650, thời gian trong ngày sẽ tăng thêm được 1 giây.
Dù đem lại những lợi ích khổng lồ nhưng đập Tam Hiệp cũng khiến người Trung Quốc phải đánh đổi rất nhiều. Khu vực xung quanh đập Tam Hiệp là ngôi nhà của 6.400 loài thực vật, 3.400 loài côn trùng, 300 loài cá và hơn 500 loài động vật có xương sống trên cạn.
Khi con đập này được xây dựng, môi trường sống xung quanh của các loài động thực vật cũng bị xáo trộn nghiêm trọng.
Không chỉ có động thực vật và hệ sinh thái, chính những người dân sinh sống tại đây cũng chịu ảnh hưởng. Khi dự án được xây dựng, 1,2 triệu người dân đã buộc phải di dời và tìm nhà mới.
Hiện tại, chính phủ Trung Quốc vẫn đang di cư người dân ra khỏi khu vực và dự kiến sẽ di chuyển thêm hàng trăm ngàn người ra khỏi khu vực trong những năm tới.
Câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất vào lúc này, liệu đập Tam Hiệp có đủ vững chắc trước sức mạnh của thiên nhiên?
Đập Tam Hiệp giống như một pháo đài sắt. Nó được xây dựng bằng 27 triệu tấn bê tông, và 463.000 tấn thép. Ngoài ra, đập Tam Hiệp là đập trọng lực bê tông và mỗi phần của đập có thể đảm bảo sự ổn định của nó tùy thuộc vào trọng lực của đập.
>>> Xem thêm: Trung Quốc vận hành siêu đập thủy điện tầm vóc hơn cả đập Tam Hiệp
Đập Tam Hiệp có sức chứa 22,15 tỉ mét khối và dung tích nước tối đa 39,3 tỉ mét khối. Với những trận lũ thông thường, đập Tam Hiệp có thể kiểm soát hoàn toàn. Trong trường hợp lũ lớn, các biện pháp ngăn lũ và trữ lũ sẽ được thực hiện để giảm lũ.
Tuy nhiên, khả năng kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp và các hồ chứa trong lưu vực sông Dương Tử chưa đến 20% lưu lượng nước hàng năm của sông. Nếu một trận lụt nghìn năm có một xảy ra, phần chính của đập Tam Hiệp sẽ không bị phá hủy, nhưng chức năng của nó sẽ bị ảnh hưởng.
Ngay cả khi một phần bị hư hại, toàn bộ con đập sẽ không sụp đổ, và nó có thể được sửa chữa trực tiếp. Vũ khí thông thường không thể làm gì với đập Tam Hiệp, trừ khi vũ khí hạt nhân được sử dụng.