Tin mới

NSƯT Bùi Cường kể chuyện vào vai Chí Phèo

Thứ tư, 07/05/2014, 09:26 (GMT+7)

"Chí Phèo cười nhưng là cái cười chua chát, đớn đau của một kiếp người bị đẩy ra lề cuộc sống, không được đồng loại của mình thừa nhận. Tôi nhớ đến cảnh con chó bị hóc xương, nhả ra không được, nuốt vào cũng không xong, kêu ằng ặc", NSƯT Bùi Cường kể.

"Chí Phèo cười nhưng là cái cười chua chát, đớn đau của một kiếp người bị đẩy ra lề cuộc sống, không được đồng loại của mình thừa nhận. Tôi nhớ đến cảnh con chó bị hóc xương, nhả ra không được, nuốt vào cũng không xong, kêu ằng ặc", NSƯT Bùi Cường kể.

Lâu trước, tôi gọi cho NSƯT Bùi Cường xin một cái hẹn. Ông bảo ông đang bận quá, lúc nào rỗi sẽ gọi lại. Bùi Cường, hơn chục năm nay đã lui về đứng sau ống kính. Ông không “hot” theo kiểu thường xuyên lộ diện trên phim ảnh. Nhưng, với giới làm nghề, ông luôn là một đạo diễn tên tuổi. Nên, khi nghe ông nói thế, tôi có phần đinh ninh ông đang từ chối khéo.

Bất ngờ, một trưa Chủ nhật, khi tôi đang chuẩn bị cho một chuyến đi thì NSƯT Bùi Cường gọi cho tôi. Thâm tâm, tôi rất háo hức với chuyến đi ấy, vì nhiều lý do. Nhưng tôi cũng rất băn khoăn nếu lỡ dịp này thì không biết bao giờ mới được gặp ông. Một cuộc gặp sẻ chia chứ không theo kiểu hỏi nhanh đáp gọn.

Với một người làm nghề tận hiến như ông, tôi tin có rất nhiều điều thú vị. Lựa chọn luôn luôn là điều không phải dễ dàng. Tôi xin ông cho gác lại cuộc gặp để theo chuyến đi mà lòng vẫn lấn cấn. Tình cờ, xe thiếu chỗ và thừa người. Nếu thu xếp có lẽ vẫn ổn, nhưng tôi tin vào cái duyên của tôi với ông, tôi chọn ở lại.

Căn phòng ông trọ ở Sài Gòn đơn giản đến mức tối thiểu. Ông bảo, cần đi đâu thì bắt xe ôm, đi phim thì có đoàn rước. Cơm nước thì gần đấy có tiệm lo.

Chí Phèo – “ấn tượng không phai”

Bây giờ tóc cũng đã điểm sương ngày một nhiều, vậy mà cứ bay đi bay về giữa Sài Gòn – Hà Nội như người ta đi siêu thị, rồi lăn lộn trên phim trường, có khi nào bác nghĩ: “Hay là mình ngừng lại ở đây?”

(Cười) Có lẽ, là do mối duyên với phim ảnh, với Sài Gòn. Như khi, vừa làm xong Đồng tiền đen, định bụng cứ tà tà ở Hà Nội chơi vài tháng rồi vào, thì lại được lời mời vào làm Săn vàng. Tôi thấy mừng vì công việc nhiều, mình được nhiều người tin tưởng, vì thế càng cố gắng. Tôi nghĩ, ở cái tuổi của mình thì làm nhiều tốt hơn là ngồi an nhàn, đi chơi các kiểu. Ghê nhất là ngồi gặm nhấm quá khứ rồi chửi đổng ba lăng nhăng.

Mối duyên với điện ảnh được khơi nguồn trong bác từ khi nào?

Tốt nghiệp trung cấp điện ra, tôi được nhận vào làm ở một cơ sở bình dân. Tại đây, tôi được phân công làm công đoàn, đội văn hóa, văn nghệ của cơ quan. Tôi thường tham gia diễn kịch cùng anh em, thấy tôi có khiếu nên khi trường Điện ảnh tuyển diễn viên thì anh em động viên tôi đi thi. Tôi tốt nghiệp khóa 2 của trường vào năm 1977 và được mời về hãng phim truyện Việt Nam.

Đóng nhiều phim cho đến năm 1982 thì tôi đóng Chí Phèo trong Làng Vũ Đại ngày ấy. Bộ phim ấy là bước ngoặt lớn với cuộc đời tôi.

Lúc nhận vai Chí Phèo, bác có sợ xấu không?

(Cười) Không sợ xấu mà sợ làm không được. Nhà văn Nam Cao chỉ miêu tả Chí Phèo chửi chứ không tả Chí Phèo cười như thế nào. Suốt cả tháng tôi miên man nghĩ không biết Chí Phèo cười như thế nào bây giờ. Tình cờ tôi đọc được một bài báo viết về anh diễn viên thủ vai thầy Đề trong tuồng Thị Hến. Anh ấy chia sẻ, khi đóng vai đó, anh tưởng tượng mình là con nghé đang ghẹo con trâu.

Chí Phèo trong truyện bị người ta xem như một loài vật nhưng là con gì thì hợp? Tôi nghĩ Chí Phèo vạch mặt ăn vạ như chó cắn càn, cắn đủ kiểu. Càng bị dồn vào chân tường càng đập phá chửi bới. Thế con chó thì làm sao biết cười?

Bỗng tôi nhận ra, Chí Phèo cười nhưng là cái cười chua chát, đớn đau của một kiếp người bị đẩy ra lề cuộc sống, không được đồng loại của mình thừa nhận. Tôi nhớ đến cảnh con chó bị hóc xương, nhả ra không được, nuốt vào cũng không xong, kêu ằng ặc. Vậy là tôi chui vào phòng vệ sinh cười thử coi sao, thấy coi cũng được.


Sau đó, tìm hiểu, nghiên cứu thêm cái dáng đi say xỉn của Chí Phèo. Cái say ấy là cái say triền miên, say từ bên trong ra chứ không chỉ là say vì rượu, nên không thể cứ đi lảo đảo, chân nam đá chân chiêu là được. Tôi soi gương tập đi tập lại miết. Cho đến khi thấy ổn nhất thì bắt đầu tôi lồng nội tâm nhân vật vào. Tôi nghĩ rằng, lúc mình tưởng tượng nhân vật thì mình nhìn từ bên ngoài vào sao cho hình dung toát lên được. Còn khi thể hiện thì phải làm toát từ bên trong ra.



Phim được đón nhận nồng nhiệt, vai diễn thành công vang dội, lúc đó vui lắm, bác nhỉ?

Trong thâm tâm, tôi nghĩ rằng mình được như vậy là mình may mắn được hóa thân vào một nhân vật nổi tiếng. Không biết tôi nói, có ai tin không nhưng tôi nghĩ, mình là một diễn viên chuyên nghiệp thì khi nhận được vai, mình phải làm cho tròn, cho hết khả năng. Đó là trách nhiệm của mình. Còn khán giả yêu mến mình thì đó là tấm lòng của khán giả.

Tôi mừng là mấy bà giáo xem xong phim đến bắt tay chúc mừng. Họ nói với tôi rằng, lúc chưa xem họ rất lo. Vì Chí Phèo đã quá quen thuộc trong từng trang sách ở nhà trường rồi, còn nhà văn Nam Cao đã đậm đặc trong lòng người đọc rồi. Nhưng khi xem xong, họ thấy Chí Phèo qua sự thể hiện của tôi gần với tưởng tượng của họ.

Tuy nhiên, cũng có đôi khi nó làm tôi mệt. Một lần tôi đang ngồi uống bia thì thấy có ông kia vác gạch tới ném mình. Lần khác cũng vui vui, khi tôi vừa kéo ghế ngồi thì một anh say tiến lại phía tôi nói rằng: “Này tôi nói cho ông biết, Chí Phèo không phải của riêng ông đâu nhá. Ông nhìn tôi đây này.”

Ngoài nhân vật Chí Phèo, bác còn có nhiều vai diễn khá thành công. Nhưng dường như khi nhắc đến NSƯT Bùi Cường thì khán giả chỉ nhớ mỗi vai diễn đó thôi. Bác có thấy chạnh lòng không?

Thật ra, không chỉ riêng đóng phim mà cả những phim tôi đạo diễn khán giả cũng không nhớ nữa. (Cười) Có lẽ do vai đó ấn tượng quá. Tôi nghĩ đó là cái duyên, cái may của mình khi có được một vai diễn tốt được nhiều người nhớ đến như vậy. Đến bây giờ vẫn có nhiều khán giả muốn gặp tôi để coi ông Chí Phèo ngoài đời ra sao… (cười). Còn thì mình cứ làm, cứ say mê, một lúc nào đấy người ta sẽ nhớ thôi.

Cháu nghe nói, trong đời thường bác rất đào hoa ạ…

(Cười lớn) Cái này… khó nói quá! Tôi thấy mình may mắn vì vợ tôi cũng say mê phim ảnh. Nếu không có sự ủng hộ của vợ thì tôi không làm được đâu. Còn chuyện tình cảm thì người làm nghệ thuật, thường có cái quyến rũ của nó. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng, mình sướng hơn vợ, được đi nhiều, biết nhiều thì mình càng phải sống tử tế hơn. Nếu không vững, dễ sa ngã lắm.

Tôi với bà ấy lấy nhau từ lúc chưa có gì, đến khi có danh vọng mà mình nọ nọ kia kia thì mình thấy mình hèn, mình tệ lắm. Vợ chồng là cái duyên với nhau. Cuộc sống có nhiều điều đặc biệt lắm, con người ta thì vô thường, ai cũng có những khuyết điểm, những phút yếu lòng. Song quan trọng là biết nghĩ đến nhau, chăm sóc cho nhau.

Ấp ủ Lão Hạc

Chuyển từ diễn viên sang làm đạo diễn, bác có gặp nhiều khó khăn lắm không?

Làm phim cũng giống như một trận bóng đá vậy. Đã là cầu thủ thì khi chuyển sang làm HLV sẽ có thế mạnh của nó. Từ diễn viên chuyển sang làm đạo diễn cũng có những thuận lợi nhất định. Nhưng không có nghĩa rằng cứ là diễn viên thì sẽ làm được đạo diễn vì đây là hai nghề hoàn toàn khác nhau.

Nếu như diễn viên đối mặt trước ống kính, lấy hình thể, động tác, cử chỉ làm công cụ biểu diễn thì đạo diễn đứng sau ống kính, đòi hỏi phải có kiến thức tổng quát ở nhiều bộ môn để bao quát được toàn bộ khung hình. Nói một cách đơn giản thì khi đạo diễn thực hiện một bộ phim cổ trang, chiến tranh thì họ phải làm cho ra được cái không khí, màu sắc riêng của phim ấy.



Hồi còn làm diễn viên, tôi cũng có học hỏi, quan sát rồi được anh em chỉ cái này một chút, cái kia một chút nên thấy rất say mê. Phim đầu tiên tôi đạo diễn cũng là người bỏ vốn sản xuất nên không chịu áp lực gì lắm. Chỉ mỗi băn khoăn là không có khán giả xem thì lỗ chắc chết. Lúc đó điện ảnh ngoi ngóp thở, không có nhà sản xuất nào dám bỏ tiền ra làm phim. Khi sản xuất, tôi phải nhờ hãng phim Thanh niên đứng tên giúp vì thời điểm đó chưa có hãng phim tư nhân như bây giờ. May là phim được công chúng từ Nam ra Bắc đón nhận rộng rãi.

Bác “mát tay” sản xuất quá ạ…

Vì mình bỏ vốn ra thì phải có trách nhiệm thu hồi vốn lại cho vợ con chứ. (cười) Thật ra, lúc đó tôi nghĩ không ai làm thì mình làm có thể được. Phần nữa là tôi có tìm hiểu thị trường thì thấy từ Nam ra Bắc, khán giả vẫn chuộng hài nên tôi nghĩ làm hài là tốt nhất.

Tất nhiên, không phải kiểu hài dễ dãi. Và làm nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng thì phải có cái tôi. Nhưng không phải vì vậy mà để cái tôi lấn át tất cả. Tôi cho rằng làm phim thì phải có cái nhìn thấu đáo, dung hòa với nhu cầu của khán giả, biết khán giả cần gì. Nhạy cảm với nghề, với thị trường là điều vô cùng cần thiết. Nếu không có cái cảm ấy rất nguy hiểm.

Có lẽ do tôi có duyên với nghề nên có được sự nhạy cảm ấy. Nhưng mà nhờ người ta phát hành nên cũng có nhiều chuyện xảy ra. Lời cho vui thôi cháu ạ. Vì mình mê nghề quá mà…

Cháu thấy, bác và biên kịch Nguyễn Anh Dũng có duyên với nhau trong rất nhiều phim…

Rất ít khi gây nhau là đằng khác. Anh Dũng gắn bó từ phim đầu tay của tôi. Có lẽ do chúng tôi tuổi gần nhau nên dễ hiểu và cảm thông cho nhau. Nhiều khi ông Dũng cũng phàn nàn vì tôi “cắt” kịch bản của ông dữ quá. Nhưng rồi ông hiểu, để như vậy không được duyệt cho nên chịu để tôi “cắt” bớt. (cười)

Sau “Người hùng râu quặp” bác còn tự sản xuất phim nào nữa?

Có Kẻ cướp cô dâu, Chuyện tình một ngôi sao, Con bạc cháu vàng...

Hiện tại bác đang ấp ủ đề tài nào cho riêng mình?

Tôi đang ấp ủ đề tài về lão Hạc nhưng vẫn chưa có kinh phí để thực hiện. Hồi về thăm quê của cố nhà văn Nam Cao, mọi người trong xã bảo, anh thành công với vai Chí Phèo của ông cụ ở vai trò diễn viên rồi, bây giờ làm đạo diễn, anh phải làm cái gì đấy đi.

Tình cảm của mọi người rất chân thành. Tôi nghĩ đến lão Hạc. Kịch bản cũng đã xong, tôi có đến trao đổi với Cục Điện ảnh xin hỗ trợ vốn nhưng Cục cho biết đề tài này không thuộc dạng Nhà nước hỗ trợ. Thôi thì đành cất lại.

Tôi thích đề tài này lắm. Ngày trước, lão Hạc đấu tranh bằng cách ăn bả chó để giữ toàn vẹn nguồn huê lợi và mảnh vườn lại cho con. Lão thương con Vàng là thế mà phải đứt ruột bán đi rồi xót xa, ân hận. Tôi muốn lồng vào câu chuyện của ngày nay. Khi đất biến thành vàng thì lòng người trở nên bạc bẽo. Cha mẹ, anh em quay lưng, thậm chí chém giết nhau. Bà mẹ ngày nay cũng chọn cái chết nhưng là để giữ cho con khỏi vòng đại tội giết mẹ… (xúc động)

Cảm ơn bác đã dành thời gian chia sẻ!

Thành danh và chết tên Cường Chí Phèo, ít ai biết những vai diễn về sau này của ông, dù vai nào cũng xuất sắc. Thế rồi, từ diễn viên ông quyết định chuyển nghề đứng sau ống kính máy quay. Đó là một cơ duyên vì với Bùi Cường, ông luôn đau đáu chữ nghề.

Thời buổi thị trường làm phim luôn gắn liền với câu chuyện kinh tế, vì thế ông cho rằng cân đối và cân bằng khó lắm. Với cương vị một đạo diễn có nghề, những trăn trở, suy tư của ông cũng là của biết bao nhiêu người yêu nghề như thế. Đón đọc bài viết về câu chuyện làm nghề nhiều ưu tư, lắm nỗi ngặt nghèo của NSƯT Bùi Cường trên mục PHIM vào lúc 0h Thứ Năm ngày 8/4.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news