Tin mới

Nước đầu tiên trên thế giới tái phong tỏa ngăn Covid-19: Bước đi liều lĩnh và cực đoan

Thứ hai, 14/09/2020, 10:53 (GMT+7)

Israel trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố phong tỏa toàn quốc ngăn Covid-19 lần thứ 2.

Trước tỷ lệ lây nhiễm và tử vong tăng cao, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tiết lộ về quyết định này trong một cuộc họp báo muộn trên truyền hình tối qua. Lệnh phong tỏa sẽ kéo dài 3 tuần và có hiệu lực lúc 14h ngày 18/9, trùng với lễ Rosh Hashana của người Do Thái.

"Tôi biết bước đi này là cái giá quá đắt đối với tất cả chúng ta. Đây không phải là ngày lễ mà chúng ta từng biết. Chúng ta chắc chắn sẽ không thể ăn mừng với đại gia đình của mình", ông Netanyahu nói. Trả lời những chỉ trích, ông nói: "Nếu chúng ta tuân thủ những quy tắc và tôi tin tưởng điều này, chúng ta sẽ đánh bại virus. Tôi thấy vắc xin đang được triển khai và quá trình xét nghiệm nhanh cũng đang diễn ra".

Israel hiện có tỷ lệ nhiễm Covid-19 trên đầu người cao nhất thế giới. Nước này hiện còn 37.482 ca nhiễm đang được điều trị. Cuối tuần vừa rồi, khoảng 2.715 người có kết quả dương tính với Covid-19. Cả nước đạt kỷ lục với 513 bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng, 139 người được đặt nội khí quản và ít nhất 1.108 người đã tử vong vì Covid-19.

Israel là một quốc gia nhỏ với dân số chỉ dưới 9 triệu người. Trong thời gian 3 tuần, tất cả các nhà hàng, cửa hiệu và cơ sở giải trí sẽ phải đóng cửa. Trường học cũng bị đóng cửa, người dân không được phép đi xa nhà quá 500m.

Những người mua sắm tại một khu chợ ở Jerusalem khi số ca Covid-19 tăng cao. Ảnh: Skynews

Các siêu thị, hiệu thuốc và những nhà cung cấp thiết yếu khác được phép mở cửa. Các nhà hàng được phép cung cấp dịch vụ mua đồ mang đi và giao hàng.

Quyết định tái phong tỏa gây ra căng thẳng chính trị đáng kể trong một chính phủ vốn đã rốn loạn. Cuộc họp nội các Israel được cho là đã kéo dài 7 giờ đồng hồ. Ông Netanyahu đã phải đối mặt với rất nhiều người biểu tình khi ông tới sân bay vào tối qua để đến Washington DC. Tại Mỹ, ông sẽ ký thỏa thuận bình thường hóa ngoại giao với Bahrain và UAE.

Những tuần gần đây, ông Netanyahu gặp phải những lời kêu gọi từ chức ngày một gia tăng vì các cáo buộc tham nhũng và việc xử lý đại dịch Covid-19. Nhiều bộ trưởng phản đối việc tái phong tỏa. Một số người quan ngại vì lý do quan hệ, một số khác thì vì kinh tế. Cả Bộ trưởng khoa học và kinh tế đều cảnh báo rằng thiệt hại kinh tế sẽ vô cùng nặng nề và có thể không thể phục hồi.

>> Xem thêm: Phát hiện Covid-19 có thể xâm nhập trực tiếp vào não

Bộ trưởng Tài chính Israel Katz đã đổ lỗi cho bộ y tế vì không ngăn chặn được đại dịch và cảnh báo hàng trăm nghìn người sẽ bị mất việc làm. Một bộ trưởng khác, ông Yucal Steinitz nói: "Thật tốt khi bạn dương cao cờ đỏ lúc này, khi mà các bệnh viện đã quá tải, nhưng lẽ ra bạn phải giương cao cờ đỏ từ cách đây 1 hoặc 2 tháng".

Bộ trưởng Du lịch Asaf Zamir thì nói: "Việc phong tỏa toàn bộ đất nước trong những ngày nghỉ lễ là một bước đi quá cực đoan và có tác động kinh tế khiến toàn bộ các ngành công nghiệp sẽ không thể phục hồi". Bộ trưởng Bộ Nhà ở Ya'acov Litzman đã từ chức trước cuộc họp nội các. Ông phản đối việc phong tỏa vì lý do tôn giáo. Theo ông, Thủ tướng Netanyahu đã thiếu đánh giá đối với việc tuân thủ tôn giáo.

Theo đài truyền hình Kan, Bộ tài chính Israel dự kiến thiệt hại kinh tế mỗi tuần sẽ là 6,5 tỷ shekel (1,4 tỷ bảng Anh) do hậu quả của việc phong tỏa toàn quốc.

Một số báo cáo của Trung tâm Thông tin Virus Corona Israel được công bố hôm chủ nhật nói rằng các bệnh viện nước này sắp đạt công suất tối đa mặc dù một số bác sĩ đã phản đối điều này.

Benjamin Netanyahu tuyên bố phong tỏa trong một cuộc họp báo trên truyền hình. Ảnh: Skynews

Một loạt các ngày lễ của người Do Thái diễn ra trong suốt tháng 9 và 10 đã làm dấy lên lo ngại rằng tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 sẽ còn tăng cao hơn nữa. Việc phong tỏa lần 2 đánh dấu một sự thay đổi bất thường về vận mệnh của Israel.

Vào thời điểm đầu xảy ra đại dịch, Israel được coi là ngọn hải đăng về cách ngăn chặn virus. Lệnh phong tỏa đầu tiên được áp đặt từ sớm và người dân tuân thủ, nó có vẻ có tác dụng. Tuy nhiên, việc phong tỏa được gỡ bỏ nhanh như lúc bắt đầu. Rất ít người đeo khẩu trang đúng cách, việc giãn cách xã hội gần như không được thực hiện tại một đất nước có tôn giáo, văn hóa, chính trị. Điều này tạo nên một cơn bão đại dịch hoàn hảo.

Ủy viên về virus corona của chính phủ, ông Ronni Gamzu hồi tháng trước cảnh báo: "Tình trạng bệnh tật tại Israel là tồi tệ và phức tạp nhất thế giới".

Tại Bờ Tây, một phần do chính quyền Palestine quản lý, có 9.845 ca Covid-19 đang hoạt động. Không có quyết định phong tỏa nào được đưa ra. Tại Gaza, do bè phái Hamas quản lý, có 1.588 ca nhiễm đang hoạt động và 15 ca tử vong. Số ca nhiễm đang tăng lên theo cấp số nhân.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news