Hàng may mặc khâu nhãn "Made in China" chỉ là một trong rất nhiều cách Triều Tiên "lách luật" lệnh trừng phạt từ Liên hợp quốc, và cho thấy thái độ lưỡng lự của Bắc Kinh.
Đi đường vòng
Khi những kiện hàng quần áo có mặt tại nhà kho của một công ty thời trang thuộc tỉnh Đan Đông nằm giữa biên giới Trung Quốc và , kế toán trưởng nhét khoảng 100 nghìn đô la Mỹ vào một chiếc ba lô, rồi lên tàu hỏa ọp ẹp cùng nhiều đồng nghiệp khác.
Cô yêu cầu giấu tên, do tính chất nhạy cảm của nơi họ sắp đến: Triều Tiên.
Sau chuyến tàu kéo dài 6 giờ đồng hồ, cô Lang thuật lại, họ đến một nhà máy nơi có hàng trăm công nhân nữ đang khâu nhãn mác "Sản xuất tại Trung Quốc" vào quần áo. Sếp của cô đưa tiền hàng cho quản đốc người Triều Tiên, toàn bộ bằng đô la Mỹ như đã thỏa thuận.
Công nhân Triều Tiên trong một xưởng dệt lụa ở Bình Nhưỡng. Ảnh: NYTimes
New York Times ghi nhận, mặc dù trong 11 năm qua Triều Tiên hứng chịu tới 7 lệnh trừng phạt từ phía LHQ, vẫn tồn tại nhiều phương thức thương mại giúp Bình Nhưỡng thu về ngoại tệ nhằm duy trì nền kinh tế và đầu tư vào tham vọng hạt nhân để tấn công Mỹ.
Chỉ riêng lĩnh vực giả mạo nhãn mác quần áo đã giúp nền công nghiệp may mặc Triều Tiên thu về hơn 500 triệu đô la Mỹ trong năm ngoái, theo dữ liệu thương mại của Trung Quốc.
Không chỉ vậy, Triều Tiên còn kiếm được 1,1 tỷ đô la Mỹ do lợi dụng một lỗ hổng trong lệnh cấm xuất khẩu than sang Trung Quốc, và hàng chục nghìn nhân công Triều Tiên đi xuất khẩu lao động đã gửi về quê hương tới 250 triệu đô la mỗi năm.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên cho đến cuối năm 2017, tờ New York Times cho rằng Bắc Kinh còn lưỡng lự trong việc ủng hộ các lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn do nước này không muốn phải tiếp nhận dòng người tị nạn và đối mặt với một Triều Tiên thù địch.
Mặc dù Triều Tiên vẫn còn phụ thuộc vào thực phẩm cứu trợ, nền kinh tế của họ có một số dấu hiệu khởi sắc kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền 5 năm trước.
Nhân công người Triều Tiên
Thị trấn Đan Đông nằm gần cửa sông Áp Lục là nơi phần lớn hoạt động thương mại của Triều Tiên với thế giới diễn ra, qua các cây cầu cũ kỹ hoặc cảng nước sâu tại đây.
Suốt nhiều thập kỷ, Triều Tiên bị phương Tây cáo buộc đưa lao động ra nước ngoài và tịch thu phần lớn thu nhập của họ. Theo NYT, dưới thời ông Kim Jong Un, con số lao động Triều Tiên ra nước ngoài đã lên tới 50.000 người ở 40 nước khác nhau.
Tại Đan Đông, chính quyền địa phương cho biết có khoảng 10.000 công nhân Triều Tiên đang làm việc ở các nhà máy dệt may từ 12 đến 14 tiếng mỗi ngày.
"Họ rất kỷ luật và dễ quản lý," NYT dẫn thông tin từ trang web của ủy ban thương mại Đan Đông, nhấn mạnh rằng công nhân đều đã qua kiểm tra lý lịch trước khi làm việc. "Họ không trốn việc, không can thiệp vào chuyện quản lý, không lấy cớ ốm để nghỉ làm hay trì hoãn công việc."
Bên trong một cửa hiệu cắt tóc tại Bình Nhưỡng. Ảnh: NYTimes
Cô Lang gửi các đơn hàng linh hoạt cho nhà máy sản xuất ở Triều Tiên, do chi phí sản xuất tại đây thấp hơn nhưng không thể đảm bảo thời hạn giao hàng do thường xuyên mất điện và thiếu xe tải.
Trả lời New York Times, cô Lang cho biết công ty cô vận chuyển vải vóc, cúc áo và khóa áo cho nhà máy ở Triều Tiên vì họ không có vật liệu thô, và công nhân ở đây sẽ đính nhãn mác "Made in China" lên các sản phẩm quần áo để dễ dàng mang đi bán ở nước ngoài.
Theo NYT, điều này được cho là lừa đảo và vi phạm quy định về nguồn gốc hàng hóa ở các nước nhập khẩu các mặt hàng trên.
Paul Tjia, giám đốc công ty tư vấn GPI - một công ty Hà Lan chuyên tư vấn về kinh doanh tại Triều Tên - cho biết một số khách hàng châu Âu của ông đã đặt sản xuất hàng trăm bộ quần áo từ Triều Tiên, và nhãn mác "Sản xuất tại Trung Quốc" có thể chấp nhận được do sản phẩm vẫn trải qua thêm một công đoạn nữa ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Tjia nói thêm: "Tôi không phải nhà sản xuất quần áo. Tôi chỉ là người giới thiệu thôi."
Lỗ hổng ở khắp nơi
Trung Quốc đã giúp ngành công nghiệp may mặc của Triều Tiên thoát khỏi danh sách hứng chịu lệnh trừng phạt của LHQ, trên cơ sở việc trừng phạt ngành may mặc sẽ ảnh hưởng đến người dân chứ không phải các chương trình quân sự.
Lệnh trừng phạt cũng không nhắm vào việc xuất khẩu lao động. Mỹ đã hối thúc nhiều quốc gia trục xuất lao động Triều Tiên, do nguồn thu nhập này là nguồn lợi cho quân đội Triều Tiên chứ không phải gia đình người lao động. Tuy nhiên, Trung Quốc, Nga và một số nước khác vẫn tiếp tục thuê nhân công Triều Tiên.
Một số nghị quyết kêu gọi kiểm soát các tàu hàng đến Triều Tiên, nhưng không thể ngăn được việc những tàu này di chuyển trên danh nghĩa nước ngoài. Các biện pháp mới cố gắng hạn chế Triều Tiên kiếm tiền qua đại sứ quán, nhưng Bình Nhưỡng đáp trả bằng cách chuyển việc kinh doanh sang các quốc gia có luật lệ nới lỏng hơn.
Daniel L. Glaser, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho hay, "Chúng ta nên truy lùng những mục tiêu này, nhưng cứ chơi trò mèo đuổi chuột mãi cũng không thể gây được áp lực đáng kể."
Ông Glaser nhận định, áp lực nói trên sẽ chỉ xuất hiện nếu Trung Quốc thực sự quyết định trừng phạt Triều Tiên.
"Mặc dù Trung Quốc đã có một số động thái trợ giúp, Bắc Kinh vẫn chưa muốn thực sự mạnh tay."