Nạn nhân của vụ thanh toán chấn động này là “Nữ hoàng vũ trường” nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn bầy giờ - Cẩm Nhung. Và người đứng đầu vụ trả thù là vợ của một trung tá Sài Gòn, người đàn ông cặp kè với Cẩm Nhung một thời gian dài.
Lời tựa : Loạt bài "Sao Việt ngày ấy và bây giờ - Những khuôn hình xúc động đến từ quá khứ" được BBT triển khai với mong muốn đồng hành cùng độc giả các thế hệ, khi tìm về những ký ức văn hóa - giải trí của một thời sôi nổi, cách đây chưa xa... |
Từ gái quê thành “Nữ hoàng vũ trường” nổi tiếng
Bài báo trên Lao động cho hay, năm 1963, tại Sài Gòn đã xảy ra một vụ Đánh ghen được coi là khủng khiếp nơi đây. Lần đầu tiên, ”Hoạn Thư” ở Sài Gòn biết sử dụng axít đậm đặc để trả thù tình địch.
Nạn nhân của vụ thanh toán chấn động này là “Nữ hoàng vũ trường” nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn bầy giờ- Cẩm Nhung. Và người đứng đầu vụ trả thù là vợ của một trung tá Sài Gòn- người cặp kè với Cẩm Nhung một thời gian dài.
Vụ tạt axit ác độc này đã biến vũ nữ giàu có, lộng lẫy bậc nhất Sài thành trở thành người mù lòa, xấu xí, phải lê la khắp chốn để xin ăn. Để trả thù những kẻ khiến đời mình cơ cực, Cẩm Nhung khi ấy đã đeo trước ngực bức ảnh mình chụp với người tình trung tá để rêu rao.
Theo thông tin trên Lao động, vũ nữ Cẩm Nhung sinh năm 1940 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi, cô phải rời quê để theo gia đình di cư vào Sài Gòn. Cha của Cẩm Nhung lâm bệnh nặng và qua đời khi vào Sài Gòn được ít năm, bỏ lại 3 người phụ nữ: mẹ cô, bà vú Sọ và cô. Cuộc sống gia đình khốn khó khiến Cẩm Nhung phải bỏ học, xin đi làm bồi bàn. Nhờ làm sớm làm quen với những bản nhạc trong quán bar của nhà hang, khi chưa đầy 19 tuổi, Cẩm Nhung đã trở thành gái nhảy chuyên nghiệp, thậm chí được phong là “Nữ hoàng vũ trường” khi phong trào nhảy đầm phát triển rầm rộ ở Sài Gòn.
Cẩm Nhung đi qua nhiều sàn nhảy, cuối cùng dừng lại với vũ trường Kim Sơn trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi, quận 1). Tại đây, cô đã trở thành người tình của tay trung tá công binh Trần Ngọc Thức- biệt danh “Thức công binh”. Thời ấy, “Thức công binh” nổi lên như cồn trong giới ăn chơi ở Sài Gòn.
Vợ trung tá Trần Ngọc Thức tên thật là Lâm Thị Nguyệt, có biệt danh là Năm Rađô- do bà chuyên buôn mặt hàng đồng hồ Rado của Thụy Sỹ nhập cảng vào Sài Gòn. Bà Năm Rađô không lạ gì thói trăng hoa của chồng, nhưng lần này biết chồng say mê cô vũ nữ trẻ đẹp quên cả gia đình, bà đã vài lần đón đường hăm dọa, thậm chí tát tai dằn mặt vũ nữ Cẩm Nhung, nhưng bấy nhiêu đó không đủ làm cho cô gái trẻ dừng bước.
Trên Đời sống và Pháp luật cho hay, thật ra, mối quan hệ của Cẩm Nhung và “Thức công binh” không chỉ là tình ái, mà còn liên quan tới hoạt động buôn lậu. Vì vậy, Cẩm Nhung nhất quyết ở bên trung tá Thức.
Vụ đánh ghen khủng khiếp nhất Sài Gòn
Vụ đánh ghen rùng rợn đã biến Cẩm Nhung thành bà lão mù lòa, ăn xin. Ảnh: Sưu tầm |
Để “thanh toán” Cẩm Nhung, bà Năm Rađô đã vạch một kế hoạch tỉ mỉ. Hai tên giang hồ được bà Năm Rađô thuê với giá 2 lượng vàng để hủy diệt nhan sắc của Cẩm Nhung bằng axit.
Lao động kể lại, khoảng 22 giờ đêm ngày 17/7/1963, Cẩm Nhung rời khỏi nhà để đến vũ trường Kim Sơn. Khi Cẩm Nhung còn cách chiếc taxi khoảng 10 mét, bất ngờ từ bên kia đường một gã đàn ông băng nhanh qua, tiến về phía cô. Cẩm Nhung chưa kịp phản ứng thì gã đàn ông đã tạt mạnh ca axít vào mặt cô. Cẩm Nhung chỉ kịp kêu lên: “Chết tôi rồi, cứu tôi với” rồi ngã gục trên đường. Người đàn ông sau khi tạt axít đã băng qua bên kia đường, leo lên xe taxi mở cửa chờ sẵn, trên ấy có bà Năm Rađô.
Ngày 18/7/1963, báo chí Sài Gòn đồng loạt đưa tin vũ nữ Cẩm Nhung bị tạt axít. Khuôn mặt xinh đẹp của cô biến dạng hoàn toàn, hai mắt lồi ra vô cùng gớm ghiếc.
Vụ việc đến tai bà Trần Lệ Xuân (vợ của Ngô Đình Nhu) khi đó đang ở nước ngoài. Một tuần lễ sau về tới Sài Gòn, Trần Lệ Xuân làm cho cả Sài Gòn như sôi lên vì vụ đánh ghen này, mà việc đầu tiên là bà chỉ đạo Nha An ninh phải vào cuộc, xử thật nặng những kẻ gây ra tội ác. Đích thân Trần Lệ Xuân cũng tới thăm Cẩm Nhung, rồi thu xếp đưa cô đi nước ngoài chữa trị, nhưng tất cả đều vô ích, không gì có thể cứu vớt cuộc đời cô vũ nữ.
Bà lão nghèo mù lòa
Một đám ma nghèo diễn ra vào một ngày đầu năm 2013 tại thị xã Hà Tiên (Kiên Giang). Một bà lão mù lòa bán vé số qua đời vì già yếu, bệnh tật. Sẽ không có gì đáng nói về đám ma nghèo của bà lão vô gia cư, nếu như người quá cố nói trên không phải là vũ nữ Cẩm Nhung nổi tiếng một thời.
Cuộc đời hào hoa mà truân chuyên của Cẩm Nhung khiến người đời không khỏi xót xa. Ảnh: Sưu tầm |
Trước giải phóng miền Nam, Cẩm Nhung khi sau khi bị tạt axit và tài sản lần lượt đội nón ra đi, đã phải lê bước khắp nẻo Sài Gòn để xin ăn qua ngày. Trên ngực bà lúc ấy, luôn có bức ảnh bà chụp chung cùng trung tá Thức thời còn mặn nồng. Về sau, khi bị người lạ săn đuổi, đòi giật bức ảnh của Cẩm Nhung, bà xuống ăn xin ở bến phà Mỹ Thuận trên đường về miền Tây. Tuy nhiên, từ khoảng năm 1978, không ai thấy người ăn mày đeo tấm ảnh trước ngực đâu nữa.
Người đời bàn luận rằng có lẽ bà đã bệnh chết hoặc đã quyên sinh. Tuy nhiên, theo lời kể của anh họ Cẩm Nhung- ông Ninh Văn Thắng trên báo Đời sống và Pháp luật, quãng thời gian này bà sống cùng người con nuôi tên Hoàng- cậu bé mà bà nhận nuôi khi còn giàu có.
Ông Thắng kể: "Năm 1979, tôi có gặp lại Cẩm Nhung. Lúc này, cô ấy đã không còn thấy đường, vẫn ở với đứa con nuôi. Cô ấy bảo vẫn muốn đi xin, đi rêu rao cho thiên hạ biết vợ chồng kẻ tạt axit cô là lũ man rợ nên cô ấy muốn triệt đường của chúng. Tuy vậy, đứa con nuôi vì thương Cẩm Nhung lặn lội cực khổ mà ngăn cản không cho đi nữa. Về sau chúng tôi không còn gặp nhau do biến cố xảy ra với gia đình tôi, khiến mọi thứ đều thay đổi. Tuy nhiên, có một điều mà tôi biết là cô ấy chưa bao giờ nguôi ngoai quá khứ vàng son của mình".
Bẵng đi một thời gian, sau này người ta phát hiện bà vừa bán vé số vừa ăn xin quanh các ngôi chùa ở thị xã Hà Tiên (Kiên Giang). Năm 2013, bà lão mù Cẩm Nhung vĩnh viễn từ giã cõi trần, chính thức khép lại một kiếp hồng nhan mà đa truân, sau đúng nửa thế kỷ từ vụ đánh ghen rùng rợn năm 1963.
Giao Anh (tổng hợp)