Trước áp lực của người dân, sau gần 10 năm xả nước thải không qua xử lý, lãnh đạo KCN Suối Dầu (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) mới “khai quật” đường ống xử lý ô nhiễm.
Quá bức xúc vì nước thải ô nhiễm, người dân và chính quyền xã Suối Tân đã gây áp lực buộc Công ty CP KCN Suối Dầu - đơn vị quản lý KCN Suối Dầu - phải tìm ra đường ống nước thải xả vào kênh thủy lợi N5 chảy qua địa bàn 2 thôn Đồng Cau, Dầu Sơn. Nhiều năm qua, nguồn nước thải này đã làm hoa màu của người dân bị hư hại, môi trường bị ô nhiễm.
“Cháy nhà ra mặt chuột”
Ông Nguyễn Hồng Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Tân, cho biết: Vào chiều 1-10, việc “khai quật” ống nước thải có sự chứng kiến của đại diện KCN Suối Dầu. Tại vị trí phía trong cổng chính của KCN khoảng 25 m đã tìm thấy một cống thải có đường kính khoảng 0,5 m hướng từ một hố ga gần cổng KCN và một cống thải có đường kính 1,2 m hướng từ trung tâm KCN xuống. Cả 2 đều đổ vào kênh thủy lợi N5 với màu nước đen, hôi thối. Đại diện KCN cho rằng không hề hay biết về các cống này. Sau đó chính quyền xã cho lấp 2 cống này để ngăn nước thải vào kênh N5.
Sau khi lấp cống, từ tối 1-10 đến sáng 2-10, nước từ cống thoát của KCN chảy lênh láng ra ngoài, có nơi ngập sâu khoảng 25 cm, tràn ra cả Quốc lộ 1. Nước này đục ngầu, mùi hôi nồng nặc. Trưa cùng ngày, lãnh đạo KCN đã cho người đào chỗ 2 cống đã bị lấp để thoát nước tràn. Điều này đã làm nhiều người dân bức xúc, vây lấy Công ty CP KCN Suối Dầu. “Lãnh đạo KCN bảo 2 cống thải không liên quan vậy mà khi bị lấp thì nước ngập tràn. Cháy nhà ra mặt chuột. KCN phải có trách nhiệm xử lý vấn đề này” - bà Lê Thị Thắm, một người dân thôn Đồng Cau, phẫn nộ.
Nguồn nước thải từ KCN Suối Dầu đã làm người dân nơi đây mất ăn mất ngủ từ năm 2005. Họ đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng không được các cơ quan liên quan xử lý rốt ráo. Gần đây, UBND xã Suối Tân và huyện Cam Lâm mới khảo sát và có văn bản khẳng định nguồn nước thải này đã ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của gần 600 hộ dân tại 2 thôn Đồng Cau và Dầu Sơn. Nước thải cũng khiến hơn 12 ha lúa nơi đây phải bỏ hoang.
Xả thải tinh vi
Ông Vũ Văn Tâm, thôn trưởng thôn Dầu Sơn, bức xúc: “Việc xả thải này thường diễn ra vào sáng sớm, xế chiều và gần giữa đêm. Trước khi trời chuyển mưa, lập tức nước thải đổ về như thác. Nước hôi thối, màu đen kịt khiến người dân đau đầu, khó thở... Đặc biệt, việc xả lén hết sức tinh vi, hễ có đoàn kiểm tra đến là nước trong trở lại”.
Từ kiến nghị của UBND huyện Cam Lâm, tháng 7-2014, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa đã lấy 2 mẫu nước ở hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN Suối Dầu để phân tích. Kết quả, mẫu nước trước khi xả vào hồ sinh học có 4 chỉ tiêu (BOD5, COD, TSS, tổng nitơ) vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp; mẫu nước trước khi xả ra môi trường có 3 chỉ tiêu (BOD5, COD, tổng nitơ) vượt quy chuẩn này. Trong đó cả 2 mẫu nước đều có BOD5 vượt 1,67 lần, tổng nitơ vượt hơn 3 lần. Tuy vậy, các cơ quan chức năng vẫn chưa hề chế tài KCN này.
Chiều 2-10, trước phản ứng gay gắt của người dân, lãnh đạo KCN Suối Dầu đã tổ chức một cuộc đối thoại có sự chứng kiến của cơ quan chức năng địa phương. Ông Hồ Thượng Thâm, Phó Giám đốc Công ty CP KCN Suối Dầu, phân bua: “Công ty có một hệ thống xử lý nước thải và một hệ thống thoát nước mưa, nước rửa cát ở nhà máy nước. Hai cống thoát nước mà người dân phát hiện không thể hiện trên bản thiết kế nên ngay cả công ty cũng không biết. Chỉ khi chính quyền bịt 2 đường cống thì công ty mới biết cống này liên quan đến hệ thống nước thải của KCN. Công ty nhận sai sót về điều này”.
Sau khi đào lên kiểm tra vào sáng 3-10, ông Thâm thừa nhận cống thải đường kính 1,2 m thuộc hệ thống thoát nước của KCN nhưng lắp sai thiết kế. Cống nhỏ đường kính 0,5 m không biết lắp đặt từ đâu đổ vào. Trước mắt, công ty sẽ đấu nối hệ thống thoát nước của KCN vào kênh N5 và chịu toàn bộ trách nhiệm nếu hệ thống này gây ô nhiễm. Việc kiểm tra mức độ ô nhiễm như thế nào, ảnh hưởng ra sao, xử lý các trường hợp xả lén... cần được cơ quan chức năng kiểm tra cụ thể.
Theo Người lao động