Các bác sĩ ở Oxford đã phát hiện ra rằng loại virus này làm tăng nguy cơ phát triển các cơn co giật hoặc động kinh trong vòng 6 tháng sau khi nhiễm bệnh. Trên tạp chí Thần kinh học, nhóm nghiên cứu cho biết Covid có nguy cơ biến chứng cao hơn cúm, nhưng nguy cơ chung vẫn còn thấp.
Họ nhận thấy nguy cơ gia tăng đáng chú ý hơn ở trẻ em và cũng phổ biến hơn ở những người chưa nhập viện vì nhiễm Covid-19.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu hồ sơ y tế của hơn 150.000 người mắc cả bệnh cúm và Covid-19. Không bệnh nhân nào trước đây bị động kinh hoặc co giật và tất cả đều giống nhau về tuổi tác, giới tính, tiền sử bệnh.
Sau khi xem xét dữ liệu trong khoảng thời gian 6 tháng, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những người mắc Covid có khả năng mắc bệnh động kinh hoặc co giật trong 6 tháng tới cao hơn 55% so với những người bị cúm. Tuy nhiên, tác giả nghiên cứu Arjune Sen, Đại học Oxford cho biết nguy cơ phát triển động kinh hoặc co giật nói chung là thấp. Ông giải thích rằng con số này chưa đến 1% trong tổng số ca dương tính với Covid. "Nguy cơ co giật và động kinh ở trẻ em tăng lên cho chúng ta một lý do khác để cố ngăn ngừa nhiễm Covid-19 ở trẻ", ông nói thêm.
Một nghiên cứu trước đây do các chuyên gia Mỹ công bố vào tháng 9 cũng cho thấy những người từng mắc Covid có thể bị co giật, đột quỵ và vấn đề về trí nhớ. Nghiên cứu của các bác sĩ tại trường Y Đại học Washington tiết lộ những người mắc Covid-19 có khả năng bị động kinh hoặc co giật cao hơn 80% so với những người không nhiễm virus.
Tuy nhiên, có trường hợp từng bị bị động kinh thì không còn bị co giật kể từ sau khi nhiễm Covid. Stewart Laidlaw, 51 tuổi, đến từ Edinburgh, được chẩn đoán mắc bệnh động kinh ngay sau khi sinh và sẽ lên cơn co giật hàng tháng. Nhưng một năm sau khi mắc Covid, ông nói rằng mình chưa từng trải qua lần co giật nào nữa.
(Theo The Sun)