Trước Tòa trọng tài thường trực, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario khẳng định Trung Quốc đang thực hiện chiến thuật cắt lát ở Biển Đông, tận dụng "lợi thế áp đảo" để tiến tới kiểm soát toàn bộ khu vực này.
Tin tức trên Inquirer cho biết, phát biểu trước 5 thành viên Tòa trọng tài thường trực tại The Hague, Ngoại trưởng Del Rosario nhấn mạnh Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên Hợp quốc về luật biển (UNCLOS) bằng cách tuyên bố chủ quyền phi lý đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.
"Những quan điểm và cách cư xử của Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng và gây rối hơn. Theo các nhà quan sát bên ngoài, Bắc Kinh đang áp dụng chiến thuật cắt lát, đó là triển khai những bước nhỏ mà từng bước đơn lẻ không đủ để gây nên khủng hoảng. Nhưng khi cùng được thực hiện, chúng cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh trong việc từng bước tạo ra những sự đã rồi trên khắp Biển Đông", Inquirer dẫn lời ông Del Rosario hôm 8/7.
Del Rosario nhấn mạnh, Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) được ký kết bởi 162 quốc gia, là một yếu tố cân bằng để giúp các nước nhỏ hơn có thể yêu cầu những nước lớn ngừng vi phạm lãnh thổ của mình. Công ước này có thể bị suy giảm hiệu lực nếu không được sử dụng để ngăn Trung Quốc khỏi việc vi phạm các quyền trên biển của những nước liên quan.
Phái đoàn Philippines tham dự phiên điều trần tại Tòa thường trực để phản bác những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. |
Theo ông Del Rosario, Philippines không yêu cầu tòa án quyết định các khía cạnh trong việc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
"Chúng tôi đến đây để làm rõ những quyền lợi hàng hải của mình trên Biển Đông, và rõ ràng hội đồng xét xử có thẩm quyền đối với điều này. Đây là vẫn đề quan trọng không chỉ đối với Philippines mà còn cho tất cả các quốc gia có vùng lãnh hải trên Biển Đông, thậm chí cho cả những quốc gia đã ký kết UNCLOS", ông nói.
Manila cho rằng, Trung Quốc đã thực thi chủ quyền và quyền tài phán đối với các tài nguyên biển và đáy biển trên Biển Đông, vượt xa cả những quy ước được thiết lập trước đó.
"Trung Quốc thách thức các giới hạn mà công ước Liên Hợp quốc đã đặt ra, không màng đến quyền lợi của các nước khác. Điều này liệu có khiến các quốc gia láng giềng buộc phải vũ trang tốt hơn?", Ngoại trưởng Del Rosario đặt nghi ngại.
Bắt đầu từ hôm 7/7, tòa PCA đã bắt đầu xem xét vụ kiện của Philippines đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết biển Đông dựa trên "đường 9 đoạn" nước này tự đưa ra. "Đường 9 đoạn" đi vào sát bờ của các nước láng giềng như Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.
Hình ảnh cho thấy các tàu nạo vét Trung Quốc đang bồi đắp trái phép tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. |
Theo thông cáo báo chí của PCA, phiên điều trần sẽ kéo dài đến cuối tuần và không được công khai. Tuy nhiên, sau khi nhận được "những đề nghị bằng văn bản của các nước và tham khảo ý kiến từ các bên, Tòa cho phép các nước Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản, cử phái đoàn nhỏ đến với tư cách là quan sát viên.
Từ khi đệ đơn lên tòa PCA hồi đầu năm 2013, Philippines đến nay đã nộp hàng nghìn tài liệu và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Manila muốn tuyên bố "đường 9 đoạn" của Trung Quốc là bất hợp pháp và tin rằng tòa án sẽ đưa ra phán quyết có lợi cho mình.
Trong khi đó, Trung Quốc từ chối dự vụ kiện và cho rằng PCA không có thẩm quyền xem xét vụ kiện của Philippines. Bắc Kinh còn cảnh báo Manila "chớ có đối đầu" và vẫn khẳng định giải quyết vấn đề theo song phương.
Vụ việc đang được các lãnh đạo châu Á và Mỹ theo dõi chặt chẽ, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, đặc biệt tại quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang cấp tập xây dựng 7 đảo nhân tạo.
Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, các quan chức ngoại giao và chuyên gia pháp lý Trung Quốc cũng đang theo dõi sát sao vụ kiện. Đại sứ quán Trung Quốc tại The Hague còn lập đường dây liên lạc chính thức với PCA.
Yên Yên (Inquirer)