Trả lời câu hỏi về khả năng giữ giá tiêu dùng trong cam kết với Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết giá xăng, lương thực tăng cao tạo áp lực lên CPI.
Tăng lương không phải là tất cả nội dung của cải cách tiền lương, nhưng là cốt lõi
Lần đầu đăng đàn thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn trong kỳ họp Quốc hội khóa 14, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết một trong những yêu cầu cho quá trình cải cách tiền lương là thiết kế vị trí việc làm, tạo hệ thống chức năng công việc, chức vụ lãnh đạo làm cơ sở để điều chỉnh lương.
Sau 3 lần lỡ hẹn tăng lương do thiếu nguồn lực, lần cải cách tiền lương này, Chính phủ sẽ thực hiện triệt để giải pháp về tài chính đột phá để đáp ứng nhu cầu nguồn lực cho lần điều chỉnh này.
"Tăng thu, triệt để giảm thất thu, triệt để tiết kiệm chi tiêu, trong đó có 10% chi thường xuyên để tạo nguồn lực điều chỉnh lương. Trước đây, phần tăng thu địa phương dành 50% để cải cách tiền lương, nhưng nay sẽ dùng tới 70%; nguồn tăng thu trung ương trong lịch sử chưa dùng cho điều chỉnh lương thì nay dùng tối thiểu 40%. Như vậy, nguồn lực sẽ được đảm bảo cho lần điều chỉnh này".
Xăng thế giới tăng 25%, trong nước mới tăng 9,3%
Đại biểu Lê Thu Hà nêu thực trạng năm 2017 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp dần cuối năm nhưng tháng 5/2018 lại tăng trở lại; CPI bình quân tăng 0,55% so với năm trước. Đại biểu này nêu câu hỏi về giải pháp của Chính phủ nhằm đảm bảo CPI tăng không vượt quá chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Trả lời chất vấn về sự biến động CPI trong 5 tháng đầu năm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết hàng loạt các thành tố của CPI đang tăng, trong đó có nhóm về lương thực, năng lượng và giá dịch vụ y tế. Theo đó, dầu thế giới có lúc lên tới 88 USD một thùng, tăng 25-30%; giá thịt lợn hơi cũng tăng trở lại; riêng nhóm thực phẩm làm CPI tăng 0,25%; điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thế giới 2 lần cũng đã tác động tới chỉ số giá tiêu dùng 0,16%. Tổng cộng xăng dầu, thịt lợn hơi đã tác động CPI tăng 0,45%.
Hiện tại, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan quản lý sử dụng Quỹ bình ổn giá để kìm giữ giá xăng dầu, không tăng mạnh như mức tăng giá thế giới.
"Giá xăng dầu thành phẩm thế giới đã tăng bình quân 25%, nhưng giá xăng trong nước mới điều chỉnh 9,3%. Ngoài ra, năm 2018 sẽ không tăng giá điện, dù áp lực đầu vào tăng giá điện khoảng 4.600 tỷ đồng. Chính phủ đã hứa không tăng giá điện trong năm nay, nên sẽ chỉ đạo tiết kiệm để tránh điều chỉnh giá điện.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, chúng tôi tin CPI năm nay từ 3,72 - 3,94% là mức cao nhất nếu không có vấn đề đột xuất xảy ra", ông Huệ nói.
Không có vùng cấm trong xử lý sai phạm đầu tư công
Phát biểu trong những phút cuối của phiên chất vấn, đại biểu Quách Thế Hùng nêu lại báo cáo kiểm toán Nhà nước cho thấy các dự án đầu tư công có yếu kém, sai sót. Các dự án BT chủ yếu chỉ định thầu, lợi ích nhóm, và đặt câu hỏi "Chính phủ xử lý vấn đề này thế nào?".
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận, nhiều dự án đầu tư công trong triển khai có sai sót, khi lập dự án chi phí đầu vào thì có vẻ khiêm tốn, nhưng thực tế thi công kéo dài, cá biệt có dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên 2.600 tỷ ở Ninh Bình.
Với những sai phạm trong đầu tư công, người đại diện Chính phủ trong phiên chất vấn cuối cùng của kỳ họp này cho biết, quan điểm Chính phủ là "xử lý nghiêm, không có vùng cấm". Ngoài ra, trên cơ sở kết quả kiểm toán Nhà nước, các cơ quan xử lý trách nhiệm đơn vị liên quan theo quy định; nhiều vụ việc đã được chuyển sang cơ quan điều tra.
L.T
Theo NSKT/Trí thức trẻ