Bằng những hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ, các cơ sở “chui” đã biến thịt lợn hôi thối thành đặc sản, hay chế biến chà bông bán tràn lan trên thị trường.
Tiêu hủy số lượng lớn chà bông độn bột mỳ, hóa chất độc hại
Ngày 20/10 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh, TP.HCM đã đột xuất kiểm tra cơ sở sản xuất chà bông “chui” tại đường Sư Đoàn 9, ấp 3, xã Vĩnh Lộc 3, huyện Bình Chánh. Phóng viên báo Người Lao động đã có dịp tận mắt chứng kiến quá trình sản xuất chà bông bẩn tại đây.
Cơ sở "chui" sản xuất chà bông độn bột mỳ không đảm bảo quy trình vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Người lao động |
Theo thông tin trên báo Người lao động, khi đoàn kiểm tra liên ngành ập vào, trong cơ sở vẫn đang tấp nập, 4-5 người công nhân tay trần bốc trộn chà bông. Chà bông đổ trên một lớp ván mỏng bám đầy bột mỳ và bụi bẩn. Trong góc là 10 chảo thịt đang đỏ lửa. Mọi sản phẩm, nguyên liệu đều cho vào những túi ni-lông để lăn lóc trên nền nhà ẩm ướt.
Do không đảm bảo đủ yêu cầu và điều kiện môi trường sản xuất nên không khí tại đây bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu đen trên đống chà bông đang phơi.
Cơ sở này thuộc quyền quản lý của ông Đoàn Văn Thương, tuy đã hoạt động được vài tháng những vẫn chưa đăng ký kinh doanh, mọi quy trình xét nghiệm công bố chất lượng sản phẩm theo quy định đều không được thực hiện.
Nguyên liệu chính để làm chà bông tại cơ sở “chui” là thịt gà, được mua vào với giá khoảng 34.000 đồng/kg. Để giảm thiểu giá thành, cơ sở đã trộn thêm 2 lần bột mỳ nhằm tăng trọng lượng. Đáng nói hơn, trong quá trình sản xuất còn sử dụng đường hóa học sản xuất từ Trung Quốc, mua vào với giá 50.000 đồng/kg. Theo đoàn kiểm tra liên ngành thì đây là một phụ gia tạo vị siêu ngọt, được các chủ cơ sở ưu tiên sử dụng, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng.
Chà bông thành phẩm của cơ sở được ông Thương bỏ mối sỉ với mức giá dao động từ 45.000 đồng đến 70.000 đồng/kg.
Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh đã tạm giữ gần 750kg chà bông thành phẩm và toàn bộ lượng đường hóa học trong cơ sở. Cuối giờ chiều cùng ngày, toàn bộ số sản phẩm trên đã được tiêu hủy tại bãi rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Quá trình “hô biến” thịt lợn hôi thối thành thịt lợn sữa vàng ươm
Theo thông tin tìm hiểu trên báo An ninh Thủ Đô, ngày 27/9 tổ công tác liên ngành thành phố Quy Nhơn, Bình Định đã ra quân kiểm tra, phát hiện xe khách do tài xế Lê Xuân Dũng điều khiển tàng trữ một lượng lớn thịt lợn sữa đang bốc mùi hôi thối.
Tất cả có 440kg lợn sữa, đang chảy dịch và bắt đầu phân hủy, còn có 323kg mỡ lợn đã qua sơ chế, cũng bốc mùi hôi thối. Lô hàng trên không có giấy tờ chứng nhận kiểm dịch và xuất xứ rõ ràng.
Theo lái xe Dũng, lô hàng này được vận chuyển từ miền Trung vào TP.HCM và các tỉnh miền Đông. Qua tìm hiểu của PV báo An ninh Thủ Đô, ông Cường - một người dân sống gần bến xe Quy Nhơn cho biết, những chuyến xe khách tại đây thường chở hàng là các bao tải thịt lợn sữa bốc mùi đã qua xử lý.
Trước khi vận chuyển, các chủ trang trại mổ lấy hết nội tạng và sơ chế thịt lợn sữa. Để thịt không thối rữa, họ rưới lên thịt một lượng dung dịch hóa chất. Số thịt lợn sữa dù có vận chuyển mấy ngày vẫn có thể sử dụng được.
Thịt lợn hôi thối sau khi bảo quản và sơ chế bằng hóa chất sẽ thành đặc sản tươi ngon tại các nhà hàng. Ảnh: An ninh Thủ Đô |
Số hàng hóa trên sẽ được tiêu thụ tại các nhà hàng miền Nam.Tại các nhà hàng, họ tiếp tục tẩm vào thịt một loại hóa chất khử mùi trước khi chế biến. Thịt lợn sữa được quay giòn lại nhanh chóng trở thành đặc sản trong các bàn nhậu, tiệc cưới.
Theo báo An ninh Thủ Đô, các chuyên gia khuyến cáo, loại hóa chất này không gây tác hại tưc thì mà ngấm dần vào hệ thống mạch máu, phá vỡ hồng cầu, tụt giảm bạch cầu dẫn đến tai biến và nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Hoài An (tổng hợp)