Tin mới

Quan hệ đồng minh Mỹ - Đức rơi vào "báo động" vì bê bối gián điệp

Thứ bảy, 05/07/2014, 15:37 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Ngày 4/7, Đức đã triệu tập đại sứ Mỹ sau khi nước này bắt giữ một điệp viên hai mang làm việc cho Mỹ, một diễn biến có thể hủy hoại mối quan hệ đồng minh thân cận của Washington - Berlin.

(Tinmoi.vn) Ngày 4/7, Đức đã triệu tập đại sứ Mỹ sau khi nước này bắt giữ một điệp viên hai mang làm việc cho Mỹ, một diễn biến có thể hủy hoại mối quan hệ đồng minh thân cận của Washington - Berlin.

Trước đó, hôm 2/6, công tố viên liên bang Đức thông báo đã bắt giữ một người Đức 31 tuổi với cáo buộc làm việc cho cơ quan tình báo nước ngoài. 

Điệp viên này bị nghi ngờ vì anh ta đã tìm cách liên lạc với cơ quan tình báo của Nga, tuy nhiên sau khi bị bắt, anh ta lại khai rằng đang tìm cách tuồn thông tin cho tình báo Mỹ. Nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho biết thông tin này vẫn chưa được kết luận chính thức.

Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ Đại sứ Mỹ John B. Emerson được triệu tập giúp làm rõ vụ việc trên trong quá trình công tố liên bang Đức tiến hành điều tra vụ việc.

Trong một tuyên bố khác, ông Steffen Seibert, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho hay bà Merkel cùng toàn thể nghị viện liên bang Đức đã được thông báo về vụ bắt giữ. Cũng theo ông Seibert, Thủ tướng Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tối 4/7 thảo luận các vấn đề đối ngoại, tuy nhiên không rõ vụ bắt giữ trên có nằm trong nội dung cuộc nói chuyện hay không.  

Vụ bê bối này được đánh giá có thể khiến mối quan hệ đồng minh thân cận Mỹ - Đức bị hủy hoại

Ngoài ra, ông Seibert cũng bác bỏ thông tin đăng tải trên truyền thông Đức cho rằng người bị bắt giữ là nhân viên Cơ quan tình báo đối ngoại (BND) của Đức.  

Đến thời điểm này, Đại sứ quán Mỹ tại Berlin, Bộ ngoại giao Mỹ và Nhà Trắng từ chối bình luận vụ việc trên.  Theo giới phân tích, vụ bắt giữ có nguy cơ khiến quan hệ đồng minh Đức-Mỹ thêm lung lay sau khi "kẻ tội đồ" Edward Snowden, cựu nhân viên của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), phơi bày sự thật chương trình do thám khổng lồ của NSA nhằm vào các công dân Đức, và nghiêm trọng hơn, Thủ tướng Merkel cũng là một mục tiêu do thám. 

Ông Christian Flisek, một nghị sĩ phụ trách cuộc điều tra chương trình do thám của NSA tuyên bố: “Nếu nghi vấn về việc Mỹ do thám một cơ quan lập pháp của Đức được xác nhận, niềm tin của Đức đối với Mỹ sẽ bị xóa sạch và gây ra nhiều hậu quả chính trị.”

Trong khi đó, các thành viên đảng đối lập Đức thì cho rằng các cáo buộc về điệp viên hai mang của Mỹ làm việc ngay bên trong cơ quan tình báo Đức thể hiện “một trong những bê bối tình báo tồi tệ nhất của Đức trong nhiều thập kỷ gần đây”. 

Sau sự kiện này, Berlin đã đề xuất với Wasington về một thoả thuận ràng buộc không do thám lẫn nhau. Tuy nhiên, Washington từ chối đề xuất và khẳng định Mỹ sẽ không ký với bất kỳ đối tác nào một thoả thuận như vậy, kể cả với Đức, một trong những đồng minh và bạn bè thân thiết nhất của Mỹ ở châu Âu.

 

Yên Yên

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news