Ngôi mộ của gia tộc Chase tại đảo Barbados.
Câu chuyện kỳ lạ về hầm mộ của gia tộc Chase trên hòn đảo Barbados ở Caribbean bắt đầu từ đầu thế kỷ thứ 19. Năm 1808, gia tộc Chase mua lại hầm mộ cũ để làm lăng mộ cho gia tộc. Khi đó, bên trong hầm mộ chỉ có chiếc quan tài gỗ của bà Thomasina Goddard được mai táng năm 1807.
Thi thể đầu tiên của gia đình Chase được đưa vào hầm mộ là của bé gái sơ sinh Mary-Anne Maria Chase. 4 năm sau đó, thi thể chị gái cô bé là Dorcas Chase cũng được đưa vào đây. Người ta đồn thổi rằng Dorcas đã tuyệt thực đến chết vì bị bố ngược đãi. Một tháng sau khi Dorcas qua đời, bố cô bé, ông Thomas Chase cũng ra đi, nguyên nhân được cho là tự sát.
Thời điểm mai táng ông Thomas, điều kỳ lạ xuất hiện. Hai chiếc quan tài bằng chì của 2 cô con gái bị thay đổi vị trí, đứng thẳng, xoay vào tường. Nhưng người ta nhanh chóng di chuyển những cỗ quan tài về vị trí cũ, và quên đi sự kỳ lạ này. Họ đóng nắp hầm mộ vốn là một phiến đá cẩm thạch phải 6-7 người khiêng lại.
Những cỗ quan tài của gia tộc Chase di chuyển bên trong hầm mộ.
Một vài năm sau đó, nhà Chase lại có người qua đời, đó là cậu bé Charles Brewster Ames 11 tuổi. Khi mở nắp hầm mộ, người dân lại chứng kiến cảnh tượng những cỗ quan tài dịch chuyển lộn xộn. Lúc này, người dân địa phương bắt đầu hoang mang và truyền tai nhau nhiều lời đồn kỳ bí. Có người cho rằng bà Thomasina bên trong chính là một con ma cà rồng.
Thêm 2 lần nữa hầm mộ này được mở ra để chôn cất người nhà Chase vào năm 1816 và 1819. Cả 2 lần người ta phải bàng hoàng. Những chiếc quan tài giống như bị ai quăng quật, chỉ duy nhất cỗ quan tài gỗ của bà Thomasina vẫn nguyên vẹn vị trí cũ. Xung quanh hầm mộ không có dấu vết của kẻ đột nhập, cũng chẳng thấy dấu hiệu của địa chấn, lũ lụt.
Cuối cùng, thống đốc thời bấy giờ là ông Lord Combermere đã quyết định đưa những chiếc quan tài của dòng học Chase chôn tách biệt. Hầm mộ ấy bị bỏ hoang từ đó cho đến tận bây giờ.
Câu chuyện kỳ bí về hầm mộ của gia tộc Chase đã lưu truyền hơn 200 năm và vẫn chưa có lời giải. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng đó chỉ là một huyền thoại do người dân địa phương dựng lên, hoàn toàn không có thật.