Marie Curie là người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel, người đầu tiên 2 lần đoạt Nobel và là người duy nhất đoạt Nobel ở 2 lĩnh vực khoa học. Tuy nhiên, bà cũng phải gánh chịu hậu quả nặng nề vì những đột phá trong lĩnh vực phóng xạ.
Marie Curie là ai?
Maria Salomea Skłodowska, sau này được gọi là Marie Curie, sinh ngày 7/11/1867 tại Warsaw, Ba Lan. Bà là con út trong gia đình có 5 người con, ba mẹ rất coi trọng giáo dục và theo đuổi trí tuệ. Cha bà, Władysław Skłodowski, là một giáo viên toán và vật lý, còn mẹ bà, Bronisława Skłodowska, là một nghệ sĩ piano và ca sĩ. Cả bố và mẹ đều đã truyền cho Marie niềm yêu thích học tập và khuyến khích bà theo đuổi sở thích của mình.
Việc giáo dục ban đầu của Curie chủ yếu là không chính thức vì thời bấy giờ, phụ nữ không được phép theo học tại các trường đại học ở Ba Lan. Tuy nhiên, bà kiên trì tự học và cuối cùng chuyển đến Paris năm 1891 để tiếp tục sự nghiệp học hành. Marie đăng ký tại Đại học Sorbonne để nghiên cứu vật lý, hóa học và toán học.
Mặc dù phải đối mặt với sự phân biệt đối xử khi tham gia vào lĩnh vực do nam giới thống trị, Marie Curie vẫn xuất sắc trong học tập, tốt nghiệp với bằng vật lý năm 1893 và bằng toán học năm 1894.
Những khám phá và thành tựu của Marie Curie
Năm 1896, nhà vật lý người Pháp Henri Becquerel phát hiện ra rằng muối uranium phát ra các tia tương tự như tia X. Khám phá này đã thu hút sự quan tâm của Marie và bà bắt đầu tiến hành các thí nghiệm của mình về tia uranium.
Bà phát hiện ra rằng cường độ của những tia này tỷ lệ thuận với lượng uranium có mặt. Điều này khiến bà tin rằng bức xạ là một đặc tính của chính nguyên tố này, chứ không phải là thành phần hóa học của nó.
Năm 1898, Curie và chồng kiêm đồng nghiệp, Pierre Curie công bố phát hiện ra hai nguyên tố mới - radium và polonium. Họ đặt tên polonium theo tên quê hương của bà (Ba Lan) và radium vì tính phóng xạ mạnh của nó. Khám phá này là bước đột phá đáng kể trong lĩnh vực khoa học, giúp họ được quốc tế công nhận.
Năm 1903, Marie và chồng được trao giải Nobel Vật lý cho công trình nghiên cứu về phóng xạ. Điều này khiến bà trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận được giải Nobel.
Năm 1911, bà nhận được giải Nobel thứ hai, lần này là về Hóa học, nhờ việc phân lập radium nguyên chất. Cho đến ngày nay, bà vẫn là người duy nhất đoạt giải Nobel ở hai lĩnh vực khoa học khác nhau.
Marie Curie chịu hậu quả nghiêm trọng khi tiếp xúc với bức xạ kéo dài
Marie Curie qua đời năm 1934 do tiếp xúc với lượng phóng xạ cao trong quá trình nghiên cứu và không có biện pháp phòng ngừa thích hợp để bảo vệ bản thân. Nguyên nhân cái chết của bà là do thiếu máu bất sản, một tình trạng do tiếp xúc với bức xạ.
Thi thể bà nhiễm phóng xạ đến mức phải được chôn trong quan tài lót chì. Trước đó, tia xạ còn khiến bà bị đục thủy tinh thể, dẫn đến mù lòa.
Thậm chí cho đến ngày nay, thi thể của bà vẫn còn nhiễm phóng xạ và được đặt trong quan tài phủ lớp chì dày 2cm bên trong, ngăn chặn bức xạ lan ra môi trường xung quanh.
Ngoài ra, những đồ đạc của bà như sổ ghi chép trong phòng thí nghiệm, được cho là quá nguy hiểm để xử lý. chúng cũng được đặt trong những chiếc hộp có lót chì. Cuốn sổ tay thí nghiệm của Marie Curie được mệnh danh "báu vật" của khoa học thế giới, hiện đang được bảo quản trong hộp chì tại Thư viện Quốc gia Pháp. Nó cũng được coi là vật dụng cực kỳ nguy hiểm vì bị nhiễm chất phóng xạ Radium 226, chất có chu kỳ bán rã lên đến 1.600 năm. Tuy nhiên, lượng bức xạ này sẽ chỉ giảm một nửa so với ban đầu chứ không biến mất hoàn toàn.