Bộ trưởng Giao thông Indonesia hôm 20/1 khẳng định máy bay QZ8501 đã tăng độ cao quá nhanh rồi khựng lại trên không trước khi rơi xuống biển Java khiến toàn bộ 162 người thiệt mạng.
Trong cuộc họp báo ở Jakarta, Bộ trưởng Ignasisu Jonan cho biết trong những phút cuối cùng, máy bay QZ851 đã tăng độ cao với tốc độ nhanh bất thường.
"Máy bay đột nhiên tăng độ cao với tốc độ vượt quá giới hạn bình thường mà nó có thể lên đến. Sau đó, nó bị khựng lại", ông Jonan nhấn mạnh.
Tại phiên điều trần của quốc hội trước đó, ông Jonan thông báo dữ liệu radar cho thấy chiếc máy bay Airbus A320-200 của AirAsia có thời điểm tăng độ cao với tốc độ hơn 1,83km/phút trước tai nạn. Có một số máy bay khác trong khu vực vào thời điểm đó.
"Tôi nghĩ rằng ngay cả máy bay phản lực chiến đấu cũng hiếm khi tăng đột cao ở tốc độ 1,83km/phút. Đối với máy bay thương mại, lên cao ở vận tốc 0.3km – 0,61km/phút đã có thể được coi là bất thường, vì nó không thường lên cao ở tốc độ nhanh đến như vậy", ông nói.
Giới chức công bố thiết bị ghi âm buồng lái của máy bay hãng AirAsia tại Pangkalan Bun, trung Borneo, Indonesia
Ngay trước đó, các nhân viên điều tra Indonesia tiết lộ đang xem xét khả năng lỗi con người dẫn tới vụ tai nạn máy bay AirAsia QZ8501 khiến 162 người thiệt mạng.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia (NTSC) thông báo sẽ công bố báo cáo điều tra sơ bộ vào ngày 28/1 tới.
Theo dữ liệu phân tích thiết bị ghi âm buồng lái ban đầu, NTSC không tìm thấy dấu hiệu khủng bố gây ra vụ tai nạn và đang chuyển hướng điều tra các nguyên nhân khác.
Điều tra viên Nurcahyo Utomo giải thích lý do loại trừ khả năng khủng bố: “Chúng tôi đã không nghe thấy tiếng của bất kỳ ai khác hay tiếng nổ nào”. Ông nói thêm rằng các nhân viên điều tra đang xem xét khả năng máy bay bị hư hại hay yếu tố tác động bởi con người nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Giả thuyết máy bay bị nổ trước khi rơi xuống biển cũng được ngoại trừ sau khi các điều tra viên nghe hết hộp đen.
Trước đó Cơ quan Khí tượng Indonesia cho rằng thời tiết xấu có thể là nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn. Ông Utomo cho biết các nhà điều tra sẽ phân tích hệ thống vi tính trên máy bay và các phi công đã phản ứng như thế nào trong điều kiện thời tiết xấu.
Phần đuôi máy bay được kiểm tra hôm 19/1
NTSC cũng đang phân tích dữ liệu máy bay từ chiếc hộp đen thứ hai. Nhân viên điều tra Ertata Lananggalih khẳng định nhà chức trách Indonesia sẽ không tiết lộ thông tin gì thêm cho đến khi công bố báo cáo điều tra sơ bộ.
Cứu hộ Indonesia đã phát hiện thân máy bay QZ8501 dưới đáy biển Java từ tuần trước, nhưng các đội thợ lặn vẫn chưa thể tiếp cận để tìm thi thể nạn nhân do thời tiết quá xấu, sóng lớn và các dòng hải lưu chảy mạnh.
“Các thợ lặn không thể xuống dưới đáy biển” - một quan chức Cơ quan Tìm kiếm và cứu hộ Indonesia (Basarnas) than thở.
Các quan chức Jakarta cho biết đang xem xét khả năng dùng bong bóng khổng lồ để kéo thân máy bay lên mặt nước.
Chiếc Airbus A320-200 chở 162 người rời thành phố Surabaya của Indonesia đi Singapore vào sáng sớm 28/12/2014. Khi đang bay ở độ cao 10 km, phi công xin đổi hướng và tăng độ cao để tránh thời tiết xấu. Cơ quan kiểm soát không lưu cho phép máy bay chuyển hướng sang trái nhưng không cho nâng độ cao theo mức yêu cầu ngay lập tức vì có nhiều máy bay khác đang hoạt động trong khu vực. Không lâu sau, QZ8501 đã biến mất khỏi màn hình radar khi đang ở trên biển Java, tại khu vực có bão kèm sấm sét.
Hiện các thợ lặn đã thu hồi được các hộp đen của máy bay, cùng một số mảnh vỡ và 53 thi thể nạn nhân.
Theo Yên Yên (tổng hợp)