Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt bộ tiểu thuyết võ hiệp Trường An cổ ý của nhà văn Tiểu Đoạn. Dưới đây là lời giới thiệu của dịch giả Cao Tự Thanh về bộ sách.
Tiểu Đoạn tên thật là Đoàn Căn, người Hắc Long Giang, sinh năm 1973, bắt đầu sáng tác tiểu thuyết võ hiệp từ 1999, nhanh chóng trở thành một trong mười người được coi là đại biểu cho trào lưu tiểu thuyết võ hiệp mới ở Trung Quốc (đại lục tân võ hiệp), được gọi là "Kim Cổ Hoàng Lương Ôn hạ Đoạn" (Đoạn sau Kim Cổ Hoàng Lương Ôn). Sau khi Kim cổ truyền kỳ - Võ hiệp bản trong đó có ba phần đầu của Trường An cổ ý ra mắt người đọc năm 2002, năm 2003 ông cho xuất bản Trường An cổ ý, Lạc Dương nữ nhi hành rất được người đọc tán thưởng. Ôn Thụy An đánh giá Tiểu Đoạn rất cao: "Tiểu Đoạn là một vị tôn sư chân chính, tác phẩm ông tùy tiện viết ra nhưng đã sớm dung hội quán thông các nhà các phái, phù hợp thống nhất với nhau, cho nên Tiểu Đoạn có thể tự lập làm Đoạn phái".
Trường An cổ ý là một tác phẩm thuộc loại đầu tay của Tiểu Đoạn. Nội dung tác phẩm xoay quanh câu chuyện vợ con một viên Ngự sử cứng cỏi ngay thẳng đã quá cố không may bị hút vào vũng xoáy của những cuộc tranh giành khốc liệt cả trong quan trường lẫn trên giang hồ, không những phải chạy trốn sự truy sát của kẻ thù mà còn phải đấu tranh với cả mưu đồ của người thân. Bối cảnh phức tạp ấy là cơ sở để tác giả triển khai một cách nhìn về cuộc sống. Cho nên khác với nhiều tiểu thuyết võ hiệp, tác phẩm này có nhịp điệu rất chậm, không phải vì có nhiều nhân vật mà vì mạch truyện nhiều khi được dẫn dắt bằng sự suy tư, hồi tưởng của các nhân vật, gần như "võ hiệp tâm lý" bên cạnh những "võ hiệp dã sử", "võ hiệp hình sự", "võ hiệp kinh dị", có lẽ đây cũng là một nét đặc sắc của trào lưu tiểu thuyết võ hiệp mới ở Trung Quốc hiện nay.
Nhìn chung Trường An cổ ý ít nhiều mang dáng dấp của một tiểu thuyết luận đề, nội dung câu chuyện nêu ra một nạn đề của cuộc sống, ở đó con người thường xuyên bị giằng xé giữa số phận và trách nhiệm, cho nên như một quy luật của định mệnh, cuộc đời hai nhân vật vợ con viên Ngự sử trong tác phẩm này đã phải chia đường, đứa con chết còn người mẹ trở thành người đứng đầu của một lực lượng chính nghĩa. Về số phận của đứa con, tác giả chủ trương "Tất cả nên tuyết rã, băng tiêu, mây tan, gió thoảng", về trách nhiệm của người mẹ, tác giả đề nghị "Thiên hạ không có can đảm, vậy thì kẻ quần thoa ta cũng đăng đàn có hề gì?". Hai thái độ giống như đối lập với nhau ấy là hai mặt của một sự chọn lựa tích cực đối với những xử cảnh cụ thể. Cõi người thường có những hoàn cảnh bế tắc, và tác giả đã nỗ lực hướng tới những lối thoát có lương tri.
Một nét đặc biệt trong nghệ thuật ngôn ngữ của Trường An cổ ý là sử dụng nhiều trích đoạn từ các tác phẩm cổ văn. Câu "Nhật chi tịch hĩ, Ngưu dương hạ lai" (Mặt trời đã xế, trâu dê về chuồng) trong chương Khói bếp cuối phần 2 là câu trong Kinh Thi, Vương phong, Ngưu dương hạ lai, đoạn "Chuẩn, chuẩn, chuẩn nhĩ hoàn tục giá phu quân. Thoát cà sa, trước la quần, xuất Không môn, nhập phàm trần, miễn đắc tăng xao nguyệt hạ môn" (Chuẩn, chuẩn, chuẩn cho ngươi hoàn tục lấy chồng. Cởi cà sa, mặc quần là, rời cửa Không, vào bụi hồng, khỏi phải sư gõ cửa dưới trăng) trong chương Tầm Dương đất trích phần 4 có năm chữ "Tăng xao nguyệt hạ môn" là lấy từ bài Đề Lý Ngưng u cư của Giả Đảo thời Đường. Đoạn "Vãn cung đương vãn cường…, Cầm tặc tiên cầm vương" (Kéo cung nên kéo cung cứng…, Bắt giặc trước phải bắt chúa) trong bài Tiền xuất tái cửu thủ của Đỗ Phủ được dùng đặt tên cho chiêu thức đao pháp của nhân vật Dư lão nhân, câu "Tinh phân Dực Chẩn, Địa tiếp Hành Lư" (Sao chia Dực Chẩn, Đất tiếp Hành Lư) trong bài Đằng Vương các tự của Vương Bột được dùng đặt tên cho hai nhân vật người Giang Tây là Tinh phân nhất kiếm Chu Dực Chẩn, Địa linh thiên chưởng Mộc Hành Lư… Nhưng vì đây là một tác phẩm văn học cần có hình thức nhẹ nhàng phù hợp nên bản dịch chủ yếu chỉ cố gắng dịch đúng chứ không thể chú thích đầy đủ, giải thích chi tiết như đối với một tác phẩm nghiên cứu, những người đọc trẻ tuổi uyên bác về chữ Hán và cổ văn xin niệm tình cho.
N.H/PRWeb/ĐSPL